Làm thể nào để sâm Ngọc Linh – ngang tầm với các loại sâm quý trên thế giới?
VOV.VN - Theo người trồng sâm Ngọc Linh, Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng Bộ tiêu chuẩn sản xuất giống, trồng, thu hoạch sâm Ngọc Linh phù hợp với thông lệ quốc tế để tạo điều kiện cho sâm Ngọc Linh tiếp cận với thị trường thế giới.
Để phát huy hết tiềm năng vốn có của sâm Ngọc Linh – sâm Việt Nam, cần có nhiều cơ chế chính sách, sự chung tay của chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đây là nội dung được thảo luận tại Hội thảo xây dựng chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức vào chiều 15/6, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Hiện nay, một số địa phương đã trồng, phát triển sâm Ngọc Linh, nhiều nhất là ở 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum với diện tích hơn 6.000 ha. Một số doanh nghiệp đã tập trung chế biến sâm Ngọc Linh, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước.
Tại tỉnh Quảng Nam, diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh là gần 15.600 ha. Đến nay, có 20 doanh nghiệp và người dân đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh, với diện tích trên 1.600 ha.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum xây dựng dự thảo “Đề án phát triển sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030 và định hướng đến 2045”. Đề án sẽ tập trung điều tra, đánh giá, phân vùng bảo tồn sâm; phát triển nguồn nguyên liệu; nghiên cứu, phát triển, chọn giống; chế biến kinh doanh sản phẩm từ sâm; Xây dựng và phát triển thương hiệu, quảng bá thị trường, xúc tiến thương mại; phát triển hạ tầng vùng trồng sâm.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết thêm: “Cần tạo chuỗi sản phẩm, đặc biệt là vấn đề thương hiệu, chúng ta biết khi nói đến Hàn Quốc là người ta nghĩ ngay đến sâm. Họ đầu từ rất bài bản, căn cơ, doanh thu rất lớn, xuất khẩu rất lớn. Chúng ta cũng có nhiều lợi thế nhưng hiện nay mới dừng lại ở quy mô địa phương nhỏ lẽ, chưa thể thành một chuỗi giá trị và thương thiệu".
Tại hội thảo, đại diện các hộ trồng sâm Ngọc Linh và các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ sớm ban hành Chương trình phát triển sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam, đồng thời có những cơ chế hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp vào trồng, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ sâm núi Ngọc Linh. Ngoài ra, Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng Bộ tiêu chuẩn sản xuất giống, trồng, thu hoạch sâm Ngọc Linh phù hợp với thông lệ quốc tế để tạo điều kiện cho sâm Ngọc Linh tiếp cận với thị trường thế giới./.