Lần đầu tiên thu ngân sách nhà nước vượt mốc 2 triệu tỷ đồng
VOV.VN - Chiều nay (31/12), Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Dự hội nghị có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc.
Cùng dự Hội nghị có Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Vũ Hải Sản; đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành trung ương và UBND các tỉnh, TP tại 62 điểm cầu trên cả nước.
Thu NSNN năm 2024 ước đạt 2.025,4 nghìn tỷ đồng
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2024, nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, tổng cầu tiêu dùng phục hồi chậm; sản xuất kinh doanh của một số ngành, lĩnh vực vẫn còn nhiều khó khăn; thiên tai nghiêm trọng diễn ra ở nhiều địa phương, gây thiệt hại lớn về hạ tầng kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Trong bối cảnh đó, bám sát chủ đề điều hành năm 2024 của Chính phủ “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững”, ngành Tài chính đã chủ động, quyết liệt triển khai để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ tài chính – Ngân sách nhà nước (NSNN) được giao, góp phần hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), người dân, ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và đời sống nhân dân.
Trong năm, Bộ Tài chính đã điều hành chính sách tài khóa chủ động, mở rộng hợp lý, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; quyết liệt công tác thu, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi thường xuyên NSNN để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển
Các giải pháp chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất được ban hành, thực hiện trong năm 2024 và năm 2025 với quy mô hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã phát huy hiệu quả tích cực, hỗ trợ kịp thời các hoạt động sản xuất – kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy thu NSNN.
Theo đó, thu NSNN năm 2024 ước đạt 2.025,4 nghìn tỷ đồng, bằng 119,1% (tăng 324,4 nghìn tỷ đồng) so với dự toán, tăng 15,5% so với thực hiện năm 2023 (thu ngân sách Trung ương ước đạt 123,7% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 114,4% dự toán); tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 17,8%GDP, riêng thuế, phí đạt 14,2%GDP.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tập trung triển khai quyết liệt công tác thu trong những ngày cuối năm, đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh, các khoản thu đã hết thời gian được gia hạn theo quy định, các khoản phải thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước.
Đồng thời, tăng cường thu nợ đọng thuế, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, thất thu ngân sách, góp phần tạo nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương, xử lý các vấn đề quan trọng, cấp bách đột xuất phát sinh, tăng chi đầu tư phát triển và đảm bảo an sinh xã hội.
Bội chi NSNN khoảng 3,4% GDP
Về thực hiện nhiệm vụ chi, nhờ chủ động trong điều hành, các nhiệm vụ chi NSNN năm 2024 đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Tổng số chi NSNN đến ngày 31/12/2024 ước đạt khoảng 1.830,8 nghìn tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán.
Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 78,1% dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ giải ngân đạt 77,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 81,9% kế hoạch); chi thường xuyên ước đạt 94,5% dự toán.
Chi ngân sách đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo dự toán và tiến độ thực hiện của đơn vị sử dụng ngân sách, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; đảm bảo kinh phí thực hiện cải cách tiền lương...
Với kết quả thu, chi NSNN nêu trên, cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương được đảm bảo. Ước tính năm 2024, bội chi NSNN thực hiện khoảng 3,4% GDP, giảm 10.000 tỷ đồng so dự toán (giảm bội chi ngân sách địa phương).
Trong năm 2024, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để vừa sử dụng có hiệu quả ngân quỹ nhà nước vừa đảm bảo nguồn thanh toán các khoản chi theo dự toán, kịp thời trả các khoản nợ gốc đến hạn.
Năm 2024 đã phát hành được 330.400 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 82,59% kế hoạch đầu năm, kỳ hạn bình quân 11,12 năm, lãi suất bình quân 2,52%/năm.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nợ công cũng là điểm sáng trong năm qua. Theo đó, ngành Tài chính đã kiểm soát hiệu quả nợ công, tái cơ cấu danh mục nợ theo hướng an toàn, bền vững.
Đến cuối năm 2024, chỉ tiêu dư nợ công khoảng 36-37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 33-34% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN khoảng 20-21%, thấp hơn mức trần Quốc hội cho phép.
Cả 3 tổ chức đều tiếp tục duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức tích cực, bền vững trong đó, S&P, Fitch đánh giá đều ở mức BB+, Moody’s đánh giá ở mức Ba2, triển vọng Ổn định.
Hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam tiếp tục được củng cố nhờ thành công trong điều hành phát triển kinh tế, tăng trưởng mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, nợ công được kiểm soát ở mức thấp.
Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp cung cấp thông tin, báo cáo cho 3 Tổ chức S&P, Fitch, Moody’s và S&P xếp hạng tín nhiệm về tình hình kinh tế - xã hội, NSNN,… làm căn cứ đánh giá, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam.
Đảm bảo phát triển an toàn, bền vững thị trường vốn
Trong năm qua, ngành Tài chính cũng đã điều hành giá cả, thị trường bám sát tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống của người dân; tăng cường quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm.
Với các giải pháp đã thực hiện, công tác quản lý, điều hành giá năm 2024 đã bám sát theo đúng kịch bản điều hành đã đề ra; giá cả thị trường trong nước cơ bản ổn định, chỉ số CPI bình quân 11 tháng được kiểm soát, tăng 3,69% so cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 2,7%; ước cả năm CPI bình quân tăng dưới 4%, thấp hơn mục tiêu (4-4,5%).
Đối với thị trường vốn, Bộ Tài chính đã ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) đến năm 2030; đồng thời, chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo phát triển an toàn, bền vững thị trường chứng khoán (TTCK) hướng tới mục tiêu nâng hạng trong thời gian tới.
Trong năm, đã tập trung hoàn thiện khung pháp lý, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành, qua đó tạo điều kiện phát triển bền vững cho TTCK; đã ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC.
Đồng thời, đang phối hợp với các tổ chức quốc tế và các bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam trong năm 2025; xây dựng các chương trình xúc tiến đầu tư gián tiếp tại nước ngoài để quảng bá và thu hút mạnh mẽ hơn sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam.