Làng mứt gừng Mỹ Chánh hối hả cho vụ Tết
VOV.VN - Làng Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị nổi tiếng với món mứt gừng truyền thống. Những ngày cuối tháng Chạp, cả làng đỏ lửa, rộn ràng, hối hả vụ mứt Tết. Hương vị mứt gừng Mỹ Chánh cay dịu, ngọt thanh lan tỏa khắp trong Nam, ngoài Bắc.
Thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị cách quốc lộ 1A vài trăm mét. Bước chân đến đầu thôn đã thấy thoang thoảng hương thơm vị mứt gừng. Vào sâu trong làng, những làn khói trắng bay lên từ những cơ sở sản xuất mứt gừng tuyền thống.
Làm mứt gừng tưởng dễ nhưng để giữ được hương vị truyền thống thì không hề đơn giản. Các khâu từ gọt vỏ, xắt lát, luộc xả, tẩm ướp, rim gừng rồi đến vào bao, đóng thùng, vận chuyển đi tiêu thụ… đều phải chỉn chu. Tất cả công đoạn đều làm thủ công nên đòi hỏi lao động phải nhuần nhuyễn và có kinh nghiệm. Khó nhất là khâu rim gừng. Người đứng lò phải có thâm niên, canh chừng củi lửa, nhiệt độ của lò, sên đường vừa tới, để mứt gừng không bị cháy.
Bà Võ Thị Thúy thâm niên 40 năm trong nghề làm mứt gừng ở làng Mỹ Chánh chia sẻ: “Mứt rim làm hoàn toàn bằng thủ công. Muốn rim mứt ngon thì luộc gừng xong, bỏ đường và gừng tỷ lệ ngang nhau, bắc lên lò rim, canh lửa nhỏ, đường vừa tới thì mứt sẽ giòn và ngon”.
Mứt gừng sau khi rim đường vừa tới được đổ nhanh ra nia để các chị, các bà khẩn trương trộn, đảo đều để mứt không bị vón cục và nhanh khô. Sau khi mứt khô ráo sẽ được vào bao, đóng hàng gửi đi khắp nơi… Bà Nguyễn Thị Hạnh cho hay, tháng Chạp hàng năm, cả làng Mỹ Chánh từ người lớn tuổi đến thanh niên, phụ nữ ai cũng có việc làm với mức thu nhập khoảng 200 ngàn đồng mỗi người một ngày, có tiền mua sắm Tết.
“Phải làm nhanh tay, trộn nhanh thì mứt mới khô. Khi đổ ra mứt ướt nên phải xáo nhanh mới khô, không kịp thì mứt sẽ bị vón cục lại. Chủ lò tạo công ăn việc làm cho chị em dịp Tết. Người thì bỏ bì, người bào, người luộc gừng… Bà con ai cũng có công ăn việc làm” - bà Hạnh chia sẻ.
Nghề làm mứt gừng truyền thống ở làng Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng có từ lâu. Nhiều gia đình cha truyền con nối mấy thế hệ.
Bà Võ Thị Tâm, 54 tuổi, chủ cơ sở mứt gừng Tuấn Tâm cho biết, bà theo nghề đã hơn 30 năm. Cơ sở của gia đình bà Tâm lớn nhất trong làng với hàng chục lò nấu, giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động địa phương. Vụ Tết, mỗi ngày, cơ sở Tuấn Tâm sản xuất khoảng 2 tấn mứt gừng, đưa đi tiêu thụ khắp nơi.
Theo bà Tâm: “Mứt gừng Mỹ Chánh đặc biệt có từ xưa đến chừ, mấy đời. Gia đình tôi làm ba đời rồi, từ đời ông, đời mẹ chừ đến tôi làm. Khi tê có khoảng 100 hộ, nghề ni vất vả nên giờ họ nghỉ dần hết. Mứt ở quê mình cay, thơm ngon. Cao điểm là từ nửa tháng 11 tới gần Tết, còn làm lai rai quanh năm. Chúng tôi luôn chú trọng khâu an toàn thực phẩm để người dùng yên tâm”.
Khoảng đầu tháng 11 âm lịch hàng năm, làng Mỹ Chánh rộn ràng vào cao điểm vụ mứt Tết. Để kịp đáp ứng đơn hàng cho khách hàng, nhiều chủ lò phải thuê thêm nhân công, làm cả ngày lẫn đêm. Mứt gừng Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng nổi tiếng từ lâu bởi hương vị cay dịu, ngọt thanh, thơm, ấm được người dân khắp nơi ưa chuộng dùng đãi khách, làm quà biếu Tết.
Ông Bùi Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị cho biết: Dịp Tết, làng mứt gừng truyền thống Mỹ Chánh sản xuất cung ứng cho thị trường khoảng 60 đến 70 tấn sản phẩm. “Chúng tôi vận động các hộ sản xuất ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm. Địa phương luôn quan tâm xây dựng chính sách phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó có sản phẩm mứt gừng. Chúng tôi hỗ trợ bà con xây dựng nhãn mác, tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt, là ứng dụng công nghệ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm…”.