Làng nghề Việt: Tư duy 4.0 và cuộc vượt thoát tư duy “ao làng”
VOV.VN - Nếu không muốn lỡ con tàu 4.0, làng nghề phải làm cuộc cách mạng về góc tiếp cận và cách thức tổ chức sản xuất kinh doanh mới.
Bỏ tư duy “ao làng”
Nhìn nhận về cơ hội mà CMCN 4.0 đem lại cho làng nghề, ông Phùng Văn Hoàn (xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) - một nghệ nhân có 20 năm lăn lộn với nghề gốm sứ - cho rằng, CMCN 4.0 là cơ hội rất tốt để làng nghề vứt bỏ tư duy và cách làm manh mún, nhỏ lẻ lâu nay, đồng thời xóa bỏ tâm lý ngại thay đổi và sợ rủi ro.
Công nghệ đã dần thay đổi tư duy và cách làm của người làm gốm Bát Tràng. Từ chỗ đốt lò nung gốm bằng củi, than, đến nay các cơ sở sản xuất nơi đây đều áp dụng lò nung bằng khí gas. Từ chỗ sợ rủi ro, sự cố sẽ “hóa vàng” những chuyến lò cả trăm triệu đồng, hiện nay khoảng 1/4 số cơ sở sản xuất tại đây đã áp dụng công nghệ đốt lò thông minh, ông Hoàn cho biết.
Những “thợ làng” nơi đây đã bị thuyết phục bởi lợi ích mà công nghệ đốt lò thông minh mang lại, chẳng hạn như cập nhật thông tin áp suất khí gas, nhiệt độ lò, hoặc sự cố bất thường… vào điện thoại di động để người thợ có thể điều chỉnh kịp thời.
Theo PGS-TS. Nguyễn Thừa Lộc, giảng viên cao cấp của Đại học Kinh tế Quốc dân, sức ảnh hưởng và tác động của CMCN 4.0 là rất lớn. Cuộc cách mạng này một mặt tạo ra cơ hội, mặt khác, cũng đặt ra những thách thức to lớn đối với làng nghề Việt Nam.
CMCN 4.0 là cuộc cách mạng gắn với số hóa hoạt động sản xuất. Bằng việc áp dụng công nghệ 4.0, các quy trình sản xuất giản đơn sẽ chuyển đổi từ lao động chân tay sang sử dụng máy móc tự động.
CMCN 4.0 tạo sức ép buộc làng nghề phải thay đổi tư duy và phương thức kinh doanh kiểu “cha truyền con nối”, nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi. Đây cũng là cơ hội để làng nghề tiếp cận với công nghệ thông minh, thiết bị hiện đại để cải thiện mẫu mã, chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, ông Lộc phân tích.
Bên cạnh đó, các ứng dụng marketing 4.0 sẽ giúp các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp trong làng nghề mở rộng kênh bán hàng trực tuyến, góp phần nâng cao doanh thu và lợi nhuận. Đây cũng là cơ hội để “thợ làng” có điều kiện học hỏi tiếp thu các mô hình tổ chức sản xuất và quản trị tiên tiến.
Tiếp cận công nghệ 4.0 có chọn lọc
Nghệ nhân gốm sứ Phùng Văn Hoàn cho rằng, máy móc công nghệ rất hữu ích đối với sản xuất gốm sứ, nhưng không thể bê hết những thứ hay ho của công nghệ 4.0 vào sản xuất thủ công.
Công nghệ 4.0 được cho là rất hữu ích đối với khâu vẽ hoa văn và họa tiết khi sản xuất gốm sứ quy mô lớn (Ảnh: Hồng Quang) |
Ở góc độ thương mại, ông Trần Dương Quý, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh và Công nghệ trực tuyến BATO khẳng định, không thể áp dụng công nghệ 4.0 vào làng nghề một cách máy móc. Đơn cử, đối với việc ứng dụng big data vào marketing 4.0, mỗi làng nghề sẽ khai thác các tập dữ liệu khác nhau. Không thể thu thập dữ liệu kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, bởi nhu cầu của khách hàng về lụa, khác với gốm sứ.
Nếu dữ liệu khách hàng đúng ngành nghề, đúng nhu cầu, thì việc phân tích và dự báo nhu cầu khách hàng mới có thể hiệu quả, ông Quý nhấn mạnh.
Chung góc tiếp cận CMCN 4.0, ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Vạn Phúc cho rằng, việc áp dụng công nghệ 4.0 cần được chọn lọc vì sản xuất làng nghề có đặc thù riêng.
Chưa cần bàn đến dây chuyền dệt 4.0, ngay cả máy dệt công nghiệp phổ biến hiện nay cũng không phù hợp với dệt lụa Vạn Phúc. Lụa Vạn Phúc được dệt từ sợi tơ tằm tự nhiên nên phù hợp với máy dệt bán thủ công với công suất 100 - 105 nhịp đập/phút. Nếu đưa sợi tơ tằm tự nhiên vào các máy dệt công nghiệp (công suất 300 - 400 nhịp đập/phút) sẽ rất dễ đứt và lỗi.
Đối với nghề dệt lụa Vạn Phúc, công nghệ 4.0 sẽ hỗ trợ hiệu quả cho công đoạn suốt sợi hay thiết kế mẫu mã, hoa văn cho lụa, ông Hà nhận định.
Công nghệ 4.0 hữu ích với làng nghề là vậy, nhưng thách thức đặt ra cho làng nghề nếu muốn áp dụng công nghệ và thiết bị 4.0 vào quá trình sản xuất là không nhỏ, bởi đặc điểm của CMCN 4.0 là tận dụng kết nối internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo, đòi hỏi cũng phải có “cuộc cách mạng” tương xứng trong cách vận hành và tổ chức sản xuất của làng nghề.
Để làng nghề áp dụng công nghệ 4.0 và sản xuất theo quy mô lớn, cần có chiến lược đào tạo bài bản để người thợ, người lao động “hấp thụ” và vận hành thiết bị 4.0, cùng với đó là các chính sách ưu đãi vay vốn, ưu đãi mặt bằng sản xuất (hỗ trợ thuế đất), TS. Nguyễn Vi Khải đề xuất./.
Cùng loạt bài:
Bài 1: Làng nghề Việt và “cơn lốc” 4.0
Bài 2: Làng nghề Việt: Tư duy 4.0 và cuộc vượt thoát tư duy “ao làng”
Bài 3: Định vị bản sắc làng nghề Việt trong “cơn lốc” 4.0