Lao động quay trở lại TP.HCM làm việc: Chủ doanh nghiệp mừng nhưng cũng lo
VOV.VN - Người lao động quê ở miền Tây, Tây Nguyên... bắt đầu quay trở lại TP.HCM làm việc, nhiều chủ doanh nghiệp vừa vui mừng vì có người làm, nhưng cũng không ít nỗi lo.
Anh Nguyễn Cảnh Vịnh - chủ doanh nghiệp chuyên sản xuất, phân phối lá cửa cuốn ở quận Bình Tân, TP.HCM cho biết, trước khi chưa có dịch COVID-19, công ty của anh có 10 nhân công, gồm 3 nhân viên bán hàng phụ kiện và 7 người làm ở khâu sản xuất lá cửa cuốn.
Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, 3 nhân viên về quê, tất cả những người này đều ở các tỉnh thuộc Tây Nguyên, những người ở lại, họ quyết định bám trụ thành phố. Tuy vậy suốt thời gian qua, anh Vịnh vẫn hỗ trợ nhân viên 100.000 đồng/người/ngày.
“Nhân viên của tôi là những người làm lâu năm nên đối với tôi tình cảm luôn được tôi đặt lên hàng đầu, phải chăm lo họ thật tốt lúc đó họ mới giúp được mình nhiều trong công việc", anh Vịnh nói.
Hiện tại 3 nhân viên về quê đã quay trở lại làm việc, anh Vịnh cũng tuyển thêm vài nhân viên mới, họ đang trên đường vào TP.HCM.
“Khi tôi thông báo cho mọi người là TP.HCM mở cửa rồi, công ty chuẩn bị quay lại hoạt động, anh chị em ai cũng mừng rỡ và quay lại đủ cả. Quan trọng nhất là tạo cho người lao động niềm tin, để họ thấy khi khó khăn mình không bỏ họ”, anh Vịnh hào hứng chia sẻ.
Tuy thoát được nỗi lo về nhân công, song khi mở cửa hoạt động trở lại công ty của anh Vịnh cũng đối mặt với nhiều khó khăn, tiến độ nhiều công trình bị chậm, đơn hàng đi liên tỉnh vẫn còn khó khăn, cộng với số tiền các đại lý nợ lại khi lấy hàng lên đến tiền tỷ, khiến công ty gặp nhiều trở ngại trong việc nhập và bán hàng.
"Chỉ cần nguồn tiền được xoay vòng, tôi vẫn có thể tiếp tục cố gắng tạo điều kiện hết mức cho những anh em đang làm cho công ty. Mặc dù không được như trước nhưng có tiền để trả công cho nhân viên hàng ngày để họ có đồng ra vào giúp gia đình là tôi thấy vui", anh Vịnh nói.
Chủ doanh nghiệp này cho hay, anh từng trải qua rất nhiều khó khăn trong công việc làm ăn, tuy nhiên mùa dịch vừa rồi là lần đầu lịch sử trong cuộc đời anh gặp phải. Mọi dòng tiền đều đóng băng, lãi ngân hàng phải luôn trả đều mỗi tháng.
Tương tự, anh Hoàng Đức Thùy, Giám đốc doanh nghiệp Hoàng Nghĩa, chuyên mua bán, lắp đặt sửa chữa kho lạnh, máy lạnh cho hay, thời gian giãn cách xã hội, công ty không hoạt động nhưng vẫn trả 50% lương và hiện tại nhân viên đã quay trở lại làm việc từ hôm 6/10.
Trước đó, do không thể thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” nên công ty anh Thùy phải tạm ngưng hoạt động suốt hơn 3 tháng qua. Không có doanh thu, lợi nhuận, đơn hàng nợ chồng chất, đứng trước nguy cơ bị mất mối, mất bạn hàng... khó khăn bủa vây nhưng công ty vẫn đặt mục tiêu quan trọng nhất là ổn định đời sống cho nhân viên trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Ngay từ những ngày đầu, công ty đã tổ chức đợt hỗ trợ thực phẩm thiết yếu như rau, gạo, mì... và tiền mặt để đỡ đần công nhân phần nào. Khi đó, dự đoán giai đoạn giãn cách chỉ kéo dài thời gian ngắn, nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giãn cách kéo dài, công ty tiếp tục ngưng hoạt động nhưng vẫn tổ chức thêm nhiều đợt hỗ trợ cho công nhân.
"Công ty cũng cố gắng đẩy nhanh tiêm vaccine cho nhân viên. Đến nay, hầu hết công nhân đã được tiêm đủ 2 mũi, chỉ còn vài người chưa tiêm mũi thứ 2. Khi thấy anh em quay trở lại làm việc trong tinh thần hào hứng, bản thân tôi cũng rất vui vì lo được phần nào đời sống cho nhân viên", anh Thùy nói.
Theo anh Thùy, bây giờ công việc cũng tạm ổn khi vừa qua anh nhận được các gói thầu có giá trị lớn với các đối tác nghề xây dựng.
“Rất may mắn là sau thời gian nới lỏng giãn cách, tôi nhận được một đơn hàng cho 1 công trình lớn ở Phan Thiết. Hiện tôi chỉ mới nhận được 1 đơn hàng này thôi, thời gian tới nếu không có đơn hàng nào nữa, công nhân ngồi không thì tôi cũng hơi lo lắng và bất an", anh Thùy cho hay./.
Thống kê của các khu chế xuất và khu công nghiệp có gần 140.000 người lao động trở lại TP.HCM làm việc và rải rác tại các doanh nghiệp trên địa bàn các quận, huyện khoảng trên dưới 5.000 người.
Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp hiện nay tập trung ở các ngành nghề như: dệt may, lao động phổ thông, kinh doanh, cơ khí, điện lạnh, công nghệ thông tin, bán hàng, giao nhận… Dự báo, từ tháng 11 trở đi, nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng cao so với hiện nay, do doanh nghiệp mở rộng hoạt động phục vụ cho thị trường cuối năm.