Lập Hội đồng đền bù Dự án cảng Kê Gà
(VOV) - Hội đồng sẽ thực hiện bồi thường, hỗ trợ các tổ chức cá nhân có liên quan đến việc dừng đầu tư cảng Kê Gà.
Ngày 3/4, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) thông báo đã thành lập Hội đồng đền bù thiệt hại liên quan đến việc dừng dự án cảng Kê Gà.
Đây là nội dung Vinacomin thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 1434/VPCP- KTN ngày 21/2/2013 về thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ cho các nhà đầu tư, các tổ chức, các hộ gia đình và cá nhân có đất liên quan đến việc dừng đầu tư cảng Kê Gà.
Cũng liên quan tới vấn đề này, tỉnh Bình Thuận cũng đã thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại, bồi thường để giải quyết các tồn tại liên quan đến Dự án cảng Kê Gà. Hội đồng này có trách nhiệm lập phương án xử lý, trình các cấp có thẩm quyền làm cơ sở triển khai thực hiện.
Trước đó, trung tuần tháng 3, UBND tỉnh Bình Thuận và Vinacomin đã họp để thống nhất xử lý những tồn tại sau khi dừng Dự án cảng Kê Gà.
UBND tỉnh Bình Phước đã giao Sở kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND huyện Hàm Thuận Nam, UBND xã Tân Thành và Vinacomin mời các nhà đầu tư, tổ chức, các hộ gia đình và cá nhân có đất bị thu hồi để thông báo chính thức việc dừng đầu tư cảng Kê Gà và đưa ra hướng xử lý, đồng thời nghe ý kiến của các bên liên quan.
Về định hướng bồi thường, theo thông báo của UBND tỉnh Bình Thuận, đối với các dự án thiệt hại về cơ sở vật chất và công trình xây dựng đã đầu tư, qua kiểm tra, xác định nếu tài sản hư hỏng xuống cấp có giá trị sử dụng còn lại dưới 30% thì bồi thường 100% giá trị, những trường hợp khác giao cho Hội đồng đánh giá thiệt hại, bồi thường xem xét và đề xuất cụ thể.
Đối với cây trồng đã chết thì bồi thường 100%, những cây còn sống nhưng bị ảnh hưởng thì Hội đồng đánh giá thiệt hại, bồi thường xem xét và đề xuất cụ thể. Đối với các chi phí khác có liên quan, căn cứ vào đề xuất của nhà đầu tư (tự kê khai) và xác định lại của Hội đồng.
Sau đó, Hội đồng tổng hợp trình UBND tỉnh và chuyển cho Vinacomin xem xét thống nhất và có văn bản xin ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến trước khi UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo triển khai thực hiện.
Đối với các dự án đã đi vào hoạt động hoặc đang xây dựng thì Hội đồng đánh giá thiệt hại, bồi thường xem xét đề xuất hỗ trợ, đền bù thiệt hại.
Hướng xử lý đối với các dự án đã có quyết định thu hồi đất, nhưng nếu các nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục triển khai, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Với các dự án chưa triển khai nhưng nhà đầu tư không có nhu cầu tiếp tục triển khai, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các cơ quan chức năng đề xuất UBND tỉnh xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Theo quyết định phê duyệt Dự án cảng Kê Gà năm 2010, tổng giá trị đền bù giải phóng mặt bằng là 150 tỷ đồng. Đến trước thời điểm dừng Dự án, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành kiểm đếm 11/12 dự án du lịch và tỉnh Bình Thuận đã có quyết định bồi thường cho 4 đơn vị du lịch với tổng số tiền 4,6 tỷ đồng và xem xét 3,8 tỷ đồng.
Đối với 8 doanh nghiệp còn lại theo kết quả kiểm kê của Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận, giá trị đền bù tạm áp giá là 32,2 tỷ đồng. Như vậy, giá trị đền bù giải phóng mặt bằng theo số tạm tính của tỉnh Bình Thuận cho 12 doanh nghiệp du lịch là 40,7 tỷ đồng. Còn đối với 42 hộ dân, công tác đền bù mới dừng lại ở khâu kiểm đếm.
Hội đồng đền bù của tỉnh Bình Thuận đang tiếp tục triển khai các phần việc như đánh giá các công trình đã xây dựng bị ảnh hưởng, kiểm đếm lại thiệt hại của các tổ chức, cá nhân sau khi dừng Dự án, cũng như làm việc với các nhà đầu tư, cá nhân để đi đến thống nhất mức đền bù trong thời gian sớm nhất./.