Lệnh trừng phạt không thể làm khó Nga ở "thiên đường thuế"
VOV.VN - Các công ty lớn nhất của Nga đang chuyền dần tiền và tài sản của mình sang một số quốc gia châu Âu để tránh lệnh trừng phạt.
Hai năm trước, một công ty luật của Hà Lan đã đến Moscow thuyết phục các doanh nghiệp Nga “hãy đến Hà Lan, chúng tôi sẽ giúp các bạn tránh thuế và giữ an toàn tài sản của bạn”.
Những lời quảng cáo như vậy dần trở nên phổ biến. Các công ty lớn nhất của Nga trong các lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt, khai thác mỏ và bán lẻ, bao gồm một số công ty của các tỷ phú thân cận với Tổng thống Nga Putin, cũng đã chuyển hàng chục tỷ USD tài sản của mình đến Hà Lan và một số quốc gia châu Âu khác như Luxembourg, CH Síp, Thụy Sĩ và Ireland. Đây được xem là địa điểm lý tưởng để các công ty trốn thuế và là “két an toàn” để cất giữ tài sản của mình.
Ireland, Luxembourg hay Thụy Sĩ là những "thiên đường thuế" được các tỷ phú Nga chọn làm nơi cất giữ tài sản (Ảnh: KT) |
Nhiều quốc gia châu Âu đang mâu thuẫn về việc áp lệnh trừng phạt Nga do mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau về vấn đề khí đốt và dầu mỏ, cũng như Nga là một nguồn lực quan trọng trong việc đầu tư vào thị trường bất động sản cao cấp tại London.
Theo số liệu Ngân hàng Trung ương Nga, trong 500 triệu USD tài sản đầu tư của công dân Nga đặt tại nước ngoài, gần 2/3 số đó được giữ trong các tài khoản tập trung tại ba nước: CH Síp, Hà Lan và British Virgin Islands,.
Vì thế, rất nhiều người đã chọn chuyển tài sản sang cất tại Quần đảo Virgin (Anh). Theo ước tính, khu vực này nhận thêm tới 61 tỷ USD tài sản từ công dân Nga chỉ trong 3 quý đầu năm ngoái.
Mặc dù CH Síp đã thắt chặt việc quản lý tài sản, người Nga vẫn rót 7,5 tỷ USD tài sản vào cất giữ tại đảo quốc này trong 9 tháng đầu năm 2013.
Áo là quốc gia được ưa chuộng thứ ba, với 5,1 tỷ USD tài sản ròng chảy vào trong cùng kỳ.
Còn theo một ước tính của Công ty dịch vụ bất động sản toàn cầu Savills, người Nga đã chi khoảng 180 triệu bảng Anh vào thị trường nhà ở tại London năm 2013.
Các công ty như Tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Nga OAO Rosneft, Tập đoàn năng lượng OAO Gazprom, OAO Lukoil và Tập đoàn Gunvor có trụ sở tại Geneva vốn được đồng sáng lập bởi các nhân vật thân cận với ông Putin giờ đang nằm trong danh sách chịu sự trừng phạt của Mỹ.
Việc mở rộng các công ty con ở nước ngoài của các tỷ phú Nga cho thấy sự lo ngại của họ về khả năng bị áp lệnh trừng phạt lên tài sản. Tuy nhiên, để tận dụng lỗ hổng ở các “thiên đường thuế” này thì đòi hỏi phải có sự giúp đỡ từ các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào dòng vốn đầu tư từ Nga và có truyền thống bảo vệ các nhà đầu tư khỏi luật nước ngoài.
Kết quả là, một số ít “thiên đường thuế” của châu Âu có thể là chìa khóa gây sức ép với Nga trong cuộc chiến với Ukraine. Hà Lan, CH Síp, Luxembourg và Ireland thuộc Liên minh châu Âu, do đó phải tuân theo quy định áp đặt biện pháp trừng phạt Nga.
Tuy nhiên, các quốc gia này cũng có quyền quyết định có áp đặt các lệnh trừng phạt tăng cường đơn phương như Mỹ không. Trường hợp này dường như khó có thể xảy ra do phụ thuộc vào mối quan hệ thương mại song phương chặt chẽ. Còn “thiên đường thuế” Thụy Sĩ thì lại không thuộc Liên minh châu Âu, do vậy Nga cũng không gặp phải trở ngại gì trong việc cất giữ tài sản ở các nước này.
Bên cạnh đó, Nga vẫn là nhà cung cấp chủ yếu khí đốt cho châu Âu. Tầm ảnh hưởng của nước này là một rào cản lớn đối với EU trong việc “rà soát” tài sản của các tỷ phú, công ty Nga tại nước ngoài./.