Liên kết mong manh, sầu riêng Việt Nam nguy cơ luẩn quẩn?
VOV.VN - Việc thiếu tôn trọng các liên kết và cam kết, tình trạng kinh doanh thiếu lành mạnh là những vấn đề, nếu không sớm chấn chỉnh, trái cây sầu riêng Việt Nam tỷ đô nhiều triển vọng sẽ đi vào vết xe đổ đã được cảnh báo từ lâu.
Hôm nay (11/9) tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Báo Nông nghiệp Việt Nam - đơn vị Thường trực Tổ Điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Sở NN-PTNT Đắk Lắk, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tổ chức Diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và Giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam”.
Theo số liệu tại diễn đàn, cả nước hiện có hơn 112.000 ha sầu riêng, với tổng sản lượng khoảng 900.000 tấn. Trong 5 năm gần đây, diện tích sầu riêng tăng rất nhanh, bình quân mỗi năm tăng gần 25%, trong đó tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ.
Dự kiến năm nay kim ngạch xuất khẩu sầu riêng cả nước sẽ đạt trên 1,6 tỷ USD, chiếm khoảng 30% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Tuy nhiên, việc tăng nóng của ngành hàng này khiến nhiều tiêu cực phát sinh. Ông Nguyễn Hữu Chiến, Chủ tịch Hợp tác xã Tân Lập Đông, huyện Krong Buk, tỉnh Đắk Lắk cho biết, không khó để nhận thấy, nhiều doanh nghiệp đang làm ăn chụp giựt, gian dối.
“Bây giờ có rất nhiều đơn vị đến hỏi mua sản phẩm của chúng tôi, cũng chẳng cần có mã vùng trồng. Tôi hỏi sao các anh mua để xuất khẩu không có mã vùng trồng thì xuất khẩu kiểu gì? Họ nói cái đó anh yên tâm chúng tôi lo được. Tôi thấy đây là vấn đề nhức nhối trong thời điểm hiện nay cho nên chúng ta phải quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng” - ông Nguyễn Hữu Chiến nói.
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa cho biết, năm nay doanh nghiệp bị vỡ kế hoạch thu mua vì nhiều nông dân bỏ liên kết, hủy hợp đồng, chạy theo mức giá tranh mua của thương lái.
Theo ông Lê Anh Trung, tình trạng loạn giá sầu riêng suốt từ đầu vụ đến nay cho thấy các cam kết và “liên kết 3 nhà” hiện nay rất mong manh: “Tất cả nếu như họ không hiểu được vai trò trách nhiệm của nhau thì dẫn đến cứ đại khái cho qua, làm bừa. Không chỉ quả sầu riêng chúng ta phải nhìn nhận rằng ngành nông nghiệp này cứ thấy cái gì “hot” là tập trung, đổ xô chạy theo như thế chúng ta sẽ luẩn quẩn không có lối thoát”.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, ngay từ trước khi nghị định thư về kiểm dịch sầu riêng được ký kết, mở đường cho xuất khẩu chính ngạch, bộ đã dự đoán được tình huống hôm nay của ngành sầu riêng. Để vượt qua, cả nhà sản xuất (nông dân) và tiêu thụ (doanh nghiệp) không thể chỉ quan tâm lợi ích của mình mà cần vun đắp cả tương lai ngành hàng. Cơ quan quản lý nhà nước; chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội phải tham gia từ đầu cùng nông dân để người dân có đầy đủ thông tin để điều chỉnh sản xuất.
“Bền vững không phải là cây sầu riêng bền vững mà là con người tham gia ngành hàng sầu riêng bền vững từ nhận thức đầu tiên từ người sản xuất, người nông dân, người thương lái tới nhà vựa, tới doanh nghiệp chúng ta phải cộng đồng trách nhiệm để quản lý 1 ngành hàng hiệu quả. Và thật sự chúng ta tự hào sầu riêng của Việt Nam do người nông dân Việt Nam trồng, do doanh nghiệp Việt Nam tiêu thụ, xuất khẩu đóng gói đó chính là cách chúng ta xây dựng thương hiệu” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.