Liệu Bitcoin có thể đe dọa vị thế của vàng trong tương lai?
VOV.VN - Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), ông Shaokai Fans cho rằng, Bitcoin đang nhận được rất nhiều sự chú ý nhưng Bitcoin và vàng là hai loại tài sản rất khác nhau và có những quy tắc khác nhau.
Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), ông Shaokai Fan vừa có những chia sẻ về thị trường vàng năm 2024 và triển vọng giá vàng năm 2025, đồng thời đưa ra một số nhận định về Bitcoin cũng như mối quan hệ giữa đồng tiền số này với vàng.
Vàng có hiệu suất đặc biệt tốt trong năm 2024
PV: Nhìn lại diễn biến về thị trường vàng thế giới trong năm 2024, ông có bình luận ra sao? Đối với thị trường Việt Nam thì đâu là điểm nhấn đáng chú ý?
Theo Mô hình phân bổ lợi nhuận vàng của WGC, hiệu suất tích cực của vàng có liên quan đến các yếu tố chính sau:
- Nhu cầu tăng mạnh từ các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư, bù đắp cho nhu cầu tiêu dùng đang suy giảm.
- Rủi ro địa chính trị gia tăng do xung đột leo thang, và nhiều cuộc bầu cử diễn ra trên toàn thế giới.
- Các giai đoạn chi phí cơ hội khi thị trường chứng kiến lợi suất thấp hơn và đồng đô la Mỹ suy yếu.
- Các dự báo của thị trường đồng thuận rằng hiệu suất của vàng trong năm 2025 sẽ khiêm tốn hơn, nhưng có khả năng có các yếu tố xúc tác tăng giá khi năm mới bắt đầu.
Ông Shaokai Fan: Theo trích dẫn từ “Vàng đạt hiệu suất tốt nhất trong vòng 14 năm qua” với những nhận định của ông Taylor Burnette, Trưởng nhóm Nghiên cứu khu vực Châu Mỹ, Hội đồng Vàng Thế giới, kể từ năm 2010 đến nay, vàng có hiệu suất đặc biệt tốt trong năm 2024, vượt trội hơn so với tất cả các loại tài sản chính và cho thấy rằng vàng là công cụ quan trọng trong việc đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Trong suốt năm vừa qua, chỉ số giá vàng được Hiệp hội Thị trường Vàng London cung cấp vào buổi chiều hàng ngày (LBMA Gold Price PM) đã thiết lập 40 mức cao kỷ lục mới, trong đó mức mới nhất là 2.777,80 USD/ounce vào ngày 30 tháng 10.
Giá vàng đã tăng 25,5% vào năm 2024, có thể do vàng đóng vai trò như một biện pháp phòng vệ hiệu quả trước bất ổn địa chính trị gia tăng và biến động thị trường trong năm nay.
Điểm nổi bật lớn nhất là giá vàng tăng tại Việt Nam. Vào ngày 2/1/2024, một lượng vàng nhẫn là 63 triệu đồng và giá vàng miếng SJC là 73 triệu đồng/lượng. Và vào ngày 2/1/2025, giá vàng nhẫn 24K là 84,8 triệu đồng/lượng và giá vàng miếng SJC là 85 triệu đồng/lượng, chỉ cao hơn giá vàng nhẫn 200.000 đồng.
Giá vàng nhẫn tăng bằng đồng Việt Nam ở mức 34,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng của đồng đô la Mỹ là 30% Giá vàng bằng đồng Việt Nam tăng cao hơn vì đồng Việt Nam đã mất giá 4,3% so với đồng đô la Mỹ.
Điểm nổi bật tiếp theo là sự tăng giá vàng miếng SJC. Tại thời điểm gần nhất, ngày 24/5/2024, giá vàng miếng SJC đạt 90 triệu đồng ột lượng. Tại thời điểm đó, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế là gần 20%. Đó là lý do Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tìm cách giảm sự chênh lệch giữa giá vàng miếng Việt Nam và giá vàng quốc tế.
NHNN ngày 8/11 đã thông báo rằng từ ngày 19/4 đến ngày 29/10, NHNN đã bán ra gần 14 tấn vàng thông qua bốn ngân hàng thương mại lớn thuộc nhà nước nhằm thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.
Hai điểm nổi bật của thị trường vàng Việt Nam trong năm 2024 là giá vàng tăng và sự chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế.
PV: Tại Việt Nam, quản lý với thị trường vàng vẫn rất chặt chẽ, nhất là với nhập khẩu vàng. Trong bối cảnh USD index liên tục giữ ở mức cao như hiện nay, ông có cho rằng, sự thận trọng của Việt Nam là hợp lý nhằm đảm bảo kinh tế vĩ mô?
Ông Shaokai Fan: Năm 2024, xuất siêu của Việt Nam là 24 tỷ USD, tổng vốn FDI là 25 tỷ USD và kiều hối là 16 tỷ USD. Do đó, năm ngoái, Việt Nam đã thu về lượng ngoại tệ là 65 tỷ USD .
Nếu ngành thương mại Việt Nam yêu cầu nhập khẩu vàng thì nhu cầu vàng nguyên liệu thô tối đa chỉ khoảng 20 tấn vàng trị giá khoảng 1,7 tỷ USD. Vì vậy, tôi cho rằng nếu Việt Nam nhập 20 tấn vàng trị giá 1,7 tỷ USD thì với thu nhập 65 tỷ USD, việc chi gần 2 tỷ USD vẫn là hợp lý.
Bitcoin sẽ đe dọa vị thế của vàng trong tương lai?
PV: Có ý kiến cho rằng, tiền số Bitcoin sẽ đe dọa vị thế của vàng trong tương lai, ông nghĩ thế nào?
Ông Shaokai Fan: Bitcoin và vàng thường được so sánh với nhau, nhưng thật ra chúng là những loại tài sản rất khác nhau. Bitcoin là tiền điện tử, còn vàng là kim loại quý. Hai loại tài sản này có chức năng và đặc điểm tài chính khác biệt. Bề ngoài, hai loại tài sản này có một số điểm tương đồng, chẳng hạn như cả hai loại tài sản này đều có giới hạn về số lượng.
Việc cả Bitcoin và vàng thường được coi là các lựa chọn thay thế cho các loại tiền tệ pháp định. Tuy nhiên, nếu bỏ qua những điểm tương đồng bề ngoài này, thì sự khác biệt giữa chúng thực sự nhiều hơn những điểm tương đồng. Sự khác biệt rõ ràng nhất, theo tôi, là Bitcoin hoàn toàn là một tài sản tài chính.
Vàng chỉ một phần là tài sản tài chính và thực sự có nhiều vai trò khác nhau. Khoảng 30% đến 40% nhu cầu về vàng là để đầu tư. Nhưng phần còn lại là vàng dành làm đồ trang sức hoặc vàng làm nguyên liệu công nghiệp.
Những yếu tố đó đều phản ứng với nhiều lực lượng khác nhau và, tôi cho rằng đó là nhu cầu. Do đó, chúng tạo ra tác động tài chính đối với vàng, làm cho vàng trở nên rất khác biệt, trong khi Bitcoin hoàn toàn là tài sản tài chính, vì vậy nó sẽ lên xuống theo tâm lý của nhà đầu tư.
Vàng sẽ không chỉ phản ứng hoàn toàn theo tâm lý của nhà đầu tư, mà còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác. Vậy điều này có đe dọa vị thế truyền thống của vàng không? Tôi nghĩ rằng Bitcoin đang nhận được rất nhiều sự chú ý, nhưng cuối cùng, mọi người sẽ nhận ra rằng Bitcoin và vàng là hai loại tài sản rất khác nhau và có những quy tắc khác nhau.
Sức mua vàng của các ngân hàng trung ương rất mạnh
PV: Trong bối cảnh kinh tế và chính trị toàn cầu đầy biến động. Những yếu tố quan trọng như chính sách tiền tệ, bất ổn địa chính trị và tâm lý nhà đầu tư sẽ tạo nên nhu cầu vàng và xu hướng ra sao trong năm tới, thưa ông? Đâu là các yếu tố tác động chính đến thị trường vàng thế giới 2025 và những rủi ro với giá vàng là gì?
Ông Shaokai Fan: Từ góc độ kinh tế, tôi cho rằng mức lãi suất ở Mỹ rõ ràng sẽ có một số tác động. Hiện tại, Cục Dự trữ Liên bang (FED) dường như không muốn hạ lãi suất nhanh như chúng ta nghĩ ban đầu. Vì vậy, điều này sẽ thực sự là một trở ngại cho thị trường vàng, bởi vì theo truyền thống, vàng không hoạt động tốt khi lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, trong suốt năm vừa qua, chúng tôi đã thấy mối quan hệ đó bắt đầu yếu đi một chút.
Mối quan hệ giữa vàng và lãi suất cũng như mối quan hệ giữa vàng và đồng đô la Mỹ không còn mạnh như trước. Một lý do mà mối quan hệ này không còn mạnh như trước là có rất nhiều người mua vàng vì những lý do không liên quan gì đến đồng đô la Mỹ hoặc lãi suất ở Mỹ.
Trong nửa đầu năm ngoái, người mua lẻ Trung Quốc đóng vài trò rất lớn trong nhu cầu vàng. Họ mua vàng vì các loại tài sản khác ở Trung Quốc hoạt động rất kém, do triển vọng kinh tế tại Trung Quốc không được tốt và vì họ nghĩ rằng vàng sẽ là một cách tốt để họ đầu tư và duy trì sức mua.
Điều này không liên quan gì đến mức lãi suất của Mỹ hay sức mạnh của đồng đô la Mỹ. Họ mua vàng hoàn toàn vì các lý do trong nước phù hợp với họ. Một phân khúc khác là sức mua vàng của các ngân hàng trung ương rất mạnh vào năm ngoái. Các ngân hàng trung ương mua vàng vì nhiều lý do khác nhau, bao gồm rủi ro địa chính trị và mong muốn quản lý rủi ro trong danh mục đầu tư của họ, và điều đó cũng có thể có tác động tích cực đến vàng.
Nhu cầu vàng tại Việt Nam ra sao?
PV: Tại châu Á, những thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất sẽ tập trung ở những nước nào? Theo ông, nhu cầu tiêu thụ vàng tại Việt Nam sẽ có xu hướng ra sao?
Ông Shaokai Fan: Ở châu Á, Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường tiêu thụ vàng lớn nhất. Mức tiêu thụ vàng tại Ấn Độ cũng sẽ rất lớn. Chúng tôi vẫn đang tập trung nhiều vào Việt Nam. Ngoài Việt Nam, Indonesia có nhiều tín hiệu lạc quan. Nước này gần đây đã thành lập một ngân hàng vàng miếng (bullion bank) và tôi nghĩ họ muốn khuyến khích sử dụng nhiều dịch vụ vàng hơn trong nền kinh tế của mình. Vì vậy, tôi nghĩ rằng với quy mô dân số và tốc độ tăng trưởng nhanh ở Indonesia, điều đó sẽ dẫn đến nhiều cơ hội cho vàng.
PV: Bên cạnh việc cho phép nhập khẩu vàng, Việt Nam cần có thêm những giải pháp gì để thị trường vàng trang sức phát triển? Ông có đề xuất, kiến nghị gì liên quan tới thị trường vàng tại Việt Nam, thưa ông?
Ông Shaokai Fan: Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam đã kiến nghị sửa đổi Nghị định 24 nhăm cho phép tự do kinh doanh vàng trang sức. Nghị định 24 quy định các điều kiện đối với sản xuất và kinh doanh vàng trang sức. Vì vậy, yêu cầu của chúng tôi là loại bỏ các hạn chế đối với vàng trang sức và coi nó như một hàng hóa bình thường mà không cần bất kỳ điều kiện kinh doanh nào. Giải pháp thứ hai là thành lập sàn giao dịch vàng tại Việt Nam.
PV: Xin cảm ơn ông!