“Liều thuốc tăng lực” cho doanh nghiệp tư nhân
Khu vực kinh tế này còn cần nhiều nỗ lực và cả những chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn mới khẳng định được vai trò của mình trong quá trình phát triển kinh tế đất nước.
Tăng trưởng ấn tượng về số lượng nhưng chất lượng chưa song hành là đánh giá của các chuyên gia kinh tế về khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam. Kể từ khi thực hiện Luật Doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã có những bước phát triển ấn tượng về số lượng.
Theo thống kê, số lượng doanh nghiệp đăng ký tăng khá nhanh, tính đến cuối năm 2009, đã có 415.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Mặc dù số liệu nghiên cứu từ các cơ quan đưa ra rất khác nhau nhưng điểm nổi bật nhất vẫn là sự tăng trưởng “ấn tượng” về số lượng doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Năm 2000, chúng ta có khoảng 31.000 doanh nghiệp, đến nay, con số này đã tăng 15 lần.
Thời gian qua, khu vực doanh nghiệp tư nhân đã cải thiện nhanh chóng các chỉ số về năng lực hoạt động của mình. Vốn điều lệ trung bình từ 1,29 tỷ đồng năm 2001, tăng lên gần 11,2 tỷ đồng tính đến đầu năm 2009. Chỉ có 1,44% số doanh nghiệp có vốn đăng ký từ 200 tỷ đồng trở lên, gần 0,6% doanh nghiệp tư nhân có vốn đăng ký từ 500 tỷ đồng trở lên.
Chỉ số đầu tư năm 2008 cho thấy, trong khi doanh nghiệp Nhà nước cần 436,5 triệu đồng vốn chủ sở hữu để tạo ra một chỗ làm thì khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ cần gần 250 triệu đồng, còn khu vực kinh tế tư nhân chỉ cần đầu tư gần một nửa giá trị của khu vực Nhà nước (khoảng 224 triệu đồng) là đã tạo ra một chỗ làm cho người lao động. Điều đó cho thấy, hiệu quả đầu tư của khu vực tư nhân cao hơn rất nhiều.
Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Economica cho biết: “Để giúp khu vực kinh tế tư nhân phát triển, doanh nghiệp tư nhân cần được định hướng hoặc được hỗ trợ bởi các chính sách để hình thành một ngành công nghiệp phụ trợ. Các doanh nghiệp tư nhân sẽ tạo dựng ngành công nghiệp phụ trợ để cho các nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí cho các doanh nghiệp Nhà nước. Thế nhưng cho đến nay, các doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa làm được điều đó. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp Nhà nước, với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để xây dựng được doanh nghiệp bền vững”.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên nhân đầu tiên khiến cho tỷ suất lợi nhuận của khu vực tư nhân kém là thiếu mặt bằng, cộng với quy mô nhỏ nên khó có sự tiếp cận các nguồn vốn vay cũng như có sự tích luỹ để tái đầu tư. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích thêm: “Khu vực tư nhân khó vay vốn hơn rất nhiều so với doanh nghiệp Nhà nước bởi không có tài sản thế chấp. Tài sản thế chấp ngân hàng chủ yếu lấy từ mặt bằng sản xuất kinh doanh, nhà ở… Không có nhà, không có bất động sản thì không có tài sản thế chấp và vì vậy cho nên rất khó vay, nhất là vay cho đầu tư trung và dài hạn….”.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến khu vực doanh nghiệp này chưa tiếp cận hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước chính là từ nội tại doanh nghiệp. Những hạn chế về trình độ quản trị, điều hành doanh nghiệp cũng như thiếu vốn, sử dụng công nghệ lạc hậu… đã khiến cho các doanh nghiệp tư nhân khó có thể phát triển nhanh chóng.
Theo thống kê, khoảng 80-90% công nghệ sử dụng ở Việt Nam là ngoại nhập, trong đó 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập khẩu là của những năm 80-90 của thế kỷ trước, 75% số thiết bị đã hết khấu hao và 50% là đồ tân trang. Mặc dù không có con số chính thức về tỷ lệ công nghệ từ các nước có công nghệ nguồn, song công nghệ nhập từ Trung Quốc khá lớn. Chỉ có 2% doanh nghiệp tư nhân ứng dụng công nghệ cao trong khi đó tỷ lệ này ở Thái Lan là 30%, ở Malaysia là 51% và ở Singapore là 73%.
Ông Phan Vinh Quang, Phó Giám đốc Star Việt Nam cho rằng: “Cần làm rõ vấn đề lợi thế cạnh tranh. Rõ ràng là khu vực tư nhân đã tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ để vươn lên. Thế nhưng nếu chỉ tận dụng lợi thế nhân công rẻ thì không bao giờ giàu được. Và để bước theo nấc thang thứ hai thì việc áp dụng khoa học công nghệ cũng như sử dụng công nghệ lạc hậu trong khu vực doanh nghiệp tư nhân cần được nhìn nhận lại… ”.
Ngoài ra, mặc dù trình độ quản trị điều hành của các doanh nghiệp tư nhân đã được cải thiện đáng kể so với trước, nhưng chất lượng quản trị công ty của khối doanh nghiệp này vẫn là vấn đề cần quan tâm. Đặc biệt, hạn chế cơ bản của các doanh nghiệp này là thiếu chiến lược dài hạn và niềm tin.
Để giúp khu vực kinh tế này hoạt động hiệu quả, theo ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với sự sàng lọc của thời gian, khu vực doanh nghiệp tư nhân nói riêng và khối doanh nghiệp nói chung sẽ có được những doanh nghiệp tầm cỡ, có chất lượng. Thời gian qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã thông thoáng hơn trước rất nhiều. Cơ chế chính sách cho doanh nghiệp cũng rõ ràng và thuận lợi hơn. Vấn đề còn lại là doanh nghiệp nắm bắt cơ hội như thế nào để kinh doanh hiệu quả./.