Lộ diện “cò lúa” bị tố quỵt tiền mua lúa của nông dân Hậu Giang
VOV.VN - Để tránh được chuyện đáng tiếc xảy ra, bà con nông dân cần tìm hiểu kỹ trước khi thỏa thuận mua bán lúa với các “cò lúa”.
Như Đài TNVN đã thông tin việc “cò lúa” Trần Văn Lăm ở tỉnh Hậu Giang nợ tiền mua lúa của nông dân hơn 1 tỷ đồng nhưng không trả, không liên lạc được khiến cho nhiều nông dân ở tỉnh này điêu đứng.
Nông dân điêu đứng vì lúa đã bán cho cò nhưng tiền thì chưa được nhận
Mới đây, Công an huyện Châu Thành A đã tiến hành xác minh theo đơn thưa của người dân và phát hiện Trần Văn Lăm đang có mặt tại địa phương nên đã mời “ cò lúa” này đến làm rõ sự việc.
Tại cơ quan Công an huyện Châu Thành A“ Cò lúa” Trần Văn Lăm cho biết: Cách nay khoảng 3 tháng, ông này nhận tiền từ Nhà máy chế biến gạo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thủy sản Hoàng Long để hợp đồng với các hàng xáo đến đặt cọc mua lúa hè thu trong dân được khoảng 350 ha. Do trời mưa bão nhiều nên chỉ thu hoạch được khoảng 200 ha lúa đứng, diện tích lúa còn lại bị đỗ ngã giảm năng suất và chất lượng.
Sau khi thu hoạch một phần diện tích lúa bị đỗ ngã chở về, ông Lăm không được Nhà máy thu mua với giá hợp đồng ban đầu là 4.700 đồng/ kg do lúa xấu, mà chỉ được thu mua với giá 3.500 đồng/kg, tính ra ông Lăm thua lỗ khoảng 1.200 đồng/kg lúa. Do vậy, đối với diện tích lúa đỗ ngã còn lại trong dân chưa thu hoạch, ông Lăm đã bỏ luôn tiền đặt cọc không thu mua.
Ông Lăm thua lỗ nặng, hiện số tiền còn nợ các hàng xáo là Võ Thị Đông, Nguyễn Văn Hiền để đem trả cho nông dân bán lúa gần 1 tỷ 400 triệu đồng. Trong cảnh nợ nần, nên vừa qua ông Lăm đã về huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An nhờ bà con tiếp vốn; khi đó nông dân và các hàng xáo trong tỉnh Hậu Giang không thấy ông ở địa phương, gọi điện cũng không được nên nghĩ ông bỏ trốn, quịt tiền mua lúa.
"Cò lúa" Trần Văn Lăm tại Công an huyện Châu Thành A |
Theo thiếu tá Trần Vũ Trường- Đội trưởng đội điều tra tổng hợp, Công an huyện Châu Thành A, vào ngày 28/07 vừa qua, Công an huyện đã nhận được đơn thưa của chị Võ Thị Đông, sinh năm 1981 ở ấp 9B, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy về việc ông Trần Văn Lăm có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc mua lúa song chưa trả là hơn 1 tỷ 100 triệu đồng.
Chị Đông cho hay, số tiền trên ông Lăm đã được Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thủy sản Hoàng Long giao đủ, do giá lúa liên tục sụt giảm nên ông Lăm bị thua lỗ không đủ tiền thanh toán cho chị.
Sau khi tiếp nhận đơn, Công an huyện đã cử cán bộ tiến hành xác minh. Qua đó xác định ông Trần Văn Lăm đang có mặt tại địa phương nên cơ quan đã tiến hành làm việc với bị đơn và nguyên đơn.
Thời gian gần đây tại ĐBSCL thường xuyên xảy ra chuyện “cò lúa” tới mùa vụ tìm đến nông dân thỏa thuận bằng miệng để thu mua lúa, sau đó đặt trước tiền cọc. Tuy nhiên, đến lúc thu hoạch do lúa đổ ngã hoặc giá lúa xuống thấp thì “cò lúa” lại “bẻ kèo” không mua hoặc chèn ép nông dân giảm giá so với thỏa thuận ban đầu. Giờ thêm chuyện “cò lúa” đã thu mua lúa của nông dân xong nhưng tiền lại không trả khiến cho nông dân gặp nhiều khó khăn, do không có vốn để tái sản xuất.
Để tránh được chuyện đáng tiếc xảy ra ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất, theo luật sư Trần Văn Độ-Trưởng văn phòng Luật sư Hữu Nhân ở tỉnh Hậu Giang thì bà con nông dân cần tìm hiểu kỹ trước khi thỏa thuận mua bán lúa với các “cò lúa”./. “Cò lúa” quỵt tiền, nông dân Hậu Giang điêu đứng