Loại bỏ 12 dự án thủy điện khỏi quy hoạch
VOV.VN - Bộ Công Thương vừa cho biết đã chính thức loại bỏ 12 dự án thủy điện ra khỏi quá trình quy hoạch.
Vụ vỡ đập Ia Krel 2 tại tỉnh Gia Lai và sự cố vỡ đê quai ngay tại vị trí cũ của công trình này chỉ trong vòng 1 năm, khiến dư luận lo lắng và đặt câu hỏi về chất lượng công trình thủy điện, cùng những hệ luỵ mà các dự án thuỷ điện không hiệu quả gây ra một lần nữa cho thấy, sự cấp thiết phải rà soát, quy hoạch thủy điện. Bộ Công Thương cho biết đã chính thức loại bỏ 12 dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch. Động thái này cho thấy quyết tâm quản lý chặt chẽ các dự án thủy điện, để tránh lãng phí, đảm bảo hài hòa các lợi ích phát điện và điều tiết nước, đặc biệt là đảm bảo an toàn tính mạng của người dân vùng hạ du.
Nhiều hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện có nguy cơ mất an toàn (Ảnh minh hoạ: KT)
Theo khảo sát của Bộ Công Thương, thời gian qua, các sự cố chủ yếu xảy ra ở các công trình thủy điện nhỏ, do doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Điều đáng nói là chủ đầu tư của một số thủy điện nhỏ không có kinh nghiệm về làm thủy điện. Thậm chí, có chủ đầu tư thủy điện tự ý điều chỉnh quy mô, thay đổi cả thiết kế bản vẽ kỹ thuật thi công so với hồ sơ thiết kế ban đầu được phê duyệt. Một số công trình thủy điện không có khả năng cắt lũ, chống hạn, do chủ đầu tư chia nhỏ các hồ đa mục tiêu...
Ông Lê Hùng Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nguồn nước và nước sạch nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Thực tế, có một số dự án thay đổi các bậc thang lớn, chia nhỏ những hồ lớn đa mục tiêu phục vụ phát điện, chống lũ thành các hồ nhỏ. Các hồ nhỏ có thể đạt được nhiệm vụ phát điện nhưng nhiệm vụ phòng chống lũ và cấp nước, đảm bảo môi trường cho hạ du thì không. Có hệ thống gần như không hoạt động hiệu quả, như các bậc thang trên Sông Gâm, Sông Mã và một số sông miền Trung...”
Sau một loạt các sự cố và những vấn đề tồn tại liên quan đến thủy điện, Bộ Công Thương đã xem xét, rà soát, loại khỏi quy hoạch 12 dự án thuỷ điện nhỏ ở các tỉnh Điện Biên, Quảng Trị và Kon Tum, nâng số lượng thủy điện bị loại bỏ lên tới 417 dự án. Đồng thời, tiếp tục loại bỏ 6 vị trí tiềm năng về thuỷ điện, không cho phép xây dựng. Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, đã hết thời đầu tư tràn lan các dự án thủy điện nhỏ, công suất dưới 30 MW, vì không đạt hiệu quả kinh tế như mong đợi và chưa thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn đập, tái định cư cho người dân.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, các dự án do tư nhân quản lý chủ yếu hoạt động vào mùa mưa. Trong thời gian này thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng không cần mua điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ, nên các dự án này bất lợi trong việc cung ứng điện. Ông Trần Viết Ngãi đề xuất: “Theo tôi, những dự án nằm dưới bậc thang của các dự án lớn, không làm hỏng môi trường mà đón nước ở trên xuống để phát điện, cùng những dự án mà có hiệu quả và tham gia cắt giảm lũ, điều tiết nước mùa cạn thì nên cho làm. Còn dự án ở vùng sâu vùng xa, xây dựng nhà máy mà cần phải phá nhiều rừng, ảnh hưởng môi trường thì không nên. Đặc biệt dự án phải di dân tái định cư thì càng không nên cho làm.”
Bên cạnh rà soát quy hoạch và loại bỏ những dự án thủy điện không hiệu quả, Bộ Công Thương cũng kiểm tra năng lực 48/65 đơn vị tư vấn về thủy điện ở các tỉnh phía Bắc, qua đó yêu cầu loại bỏ hoạt động tư vấn của 3 đơn vị, 1 đơn vị tự xin ngừng hoạt động. Sắp tới, Bộ Công Thương cũng sẽ thu hồi giấy phép hoạt động điện lực của 11 đơn vị khác và tiếp tục kiểm tra năng lực của các đơn vị tư vấn điện lực ở miền Trung và các tỉnh phía Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: “Bộ Công Thương tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện, kiểm tra thực hiện an toàn đập, rà soát lại các chủ đầu tư được giao các công trình thủy điện trên địa bàn các địa phương. Vấn đề xây dựng công trình phải siết chặt hơn nữa, nhất là những công trình nhỏ, chủ đầu tư không có kinh nghiệm chuyên môn về thủy điện. Quan điểm giữa lợi ích phát điện và cấp nước phải hài hòa, an toàn công trình đã đành, nhưng lợi ích và an toàn của người dân vùng hạ du phải đặt lên hàng đầu.”
Cả nước hiện có 284 công trình thuỷ điện đang vận hành phát điện, 204 dự án đang thi công và 250 dự án đang nghiên cứu đầu tư. Những hồ thủy điện này chẳng khác nào những hồ nước khổng lồ treo lơ lửng trên vùng hạ du, và có thể gây nguy hiểm, nhất là trong mùa mưa lũ. Do đó, các công trình này cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng từ khâu quy hoạch, thẩm định và quản lý chất lượng để không đe dọa tính mạng và ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân vùng hạ du, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia./.