Lời giải cho công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí

Công nghệ chế tạo cơ khí nội địa về tổng thể vẫn là công nghệ chế tạo đơn giản, lạc hậu. Công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực chế tạo máy có một lỗ hổng rất lớn ở “chân móng”....

Số liệu thống kê gần đây cho thấy, khoảng 80% giá trị kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam dành cho nguyên liệu đầu vào, thiết bị và máy móc phục vụ sản xuất trong nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho rằng: “Không ai có thể phủ nhận sự cần thiết và tính cấp bách của việc phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nói chung và cho ngành cơ khí nói riêng. Nhà nước cũng đã có không ít cơ chế, chính sách để thể chế hóa chủ trương này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tác động và hiệu quả của những cơ chế, chính sách đó còn rất hạn chế”.

Công nghệ chế tạo còn đơn giản, lạc hậu

Riêng đối với ngành cơ khí, Thứ trưởng Lê Dương Quang thừa nhận, trong một thời gian dài chúng ta rất lúng túng trong việc xác định phân ngành cơ khí nào là chủ lực để có hướng tập trung phát triển CNHT cho ngành đó. Bản thân ngành cơ khí có lĩnh vực hoạt động rất rộng, từ đóng tàu đến sản xuất các sản phẩm cơ khí gia dụng, sản phẩm CNHT vô cùng đa dạng, nhưng chúng ta chưa chọn ra được một vài chủng loại sản phẩm CNHT để tập trung đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đa phần thiếu một chiến lược kinh doanh bài bản và lâu dài, chủ yếu chạy theo mục tiêu lợi nhuận trước mắt, cạnh tranh với nhau bằng giá chứ chưa phải bằng chất lượng sản phẩm và dịch vụ, không có sản phẩm chủ lực, khâu đổi mới công nghệ nhìn chung rất yếu.

Tính hợp tác - liên kết giữa các doanh nghiệp còn kém. Rất ít doanh nghiệp tạo dựng được mối quan hệ hợp tác chiến lược với đối tác, bạn hàng.

Công nghệ chế tạo cơ khí nội địa về tổng thể vẫn là công nghệ chế tạo đơn giản, lạc hậu, trình độ tụt hậu khoảng 2-3 thế hệ so với khu vực. Thiết bị phần lớn là vạn năng, qua nhiều năm sử dụng đã lạc hậu về tính năng kỹ thuật, độ chính xác kém, thiếu phụ tùng thay thế, thiếu chú ý bảo dưỡng định kỳ, thiếu vốn để đầu tư thay thế, đổi mới, nâng cấp. Khâu tạo phôi – một khâu rất quan trọng trong công nghiệp cơ khí, các cơ sở sản xuất vấn sử dụng chủ yếu công nghệ đúc bằng khuôn cát, chất lượng vật đúc thấp, tỉ lệ chế phẩm cao.

Cơ khí Việt Nam chưa có kinh nghiệm đúc chính xác cao, chưa đúc được những mác thép có chất lượng và độ bền cao. Công nghệ chế tạo phôi bằng phương pháp biến dạng dẻo kim loại ở trạng thái nóng (cán, rèn dập) cũng còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Khâu nhiệt luyện và xử lý chất lượng bề mặt các sản phẩm cơ khí còn yếu đã ảnh hưởng xấu đến chất lượng của các chi tiết thành phẩm.

Thách thức với mọi ngành

Trong ngành cơ khí, đáng kể nhất là thành quả của công nghiệp sản xuất lắp ráp xe máy. Lượng chi tiết, linh kiện có hàm lượng sản xuất trong nước đạt tới 90%, đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp lắp ráp với một số nhóm sản phẩm như nhóm linh kiện chế tạo từ thép và nhôm thông thường. Tuy vậy, giá thành các linh kiện, phụ kiện sản xuất trong nước còn cao, chất lượng không ổn định.

Với ngành công nghiệp ôtô, theo ông Lâm Chí Quang - Tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM), với sự góp mặt của các nhà sản xuất ôtô hàng đầu thế giới, sau gần 2 thập niên hoạt động, đến nay tỷ lệ nội địa hóa mới đạt từ 5- 20%. Số lượng các nhà cung cấp chỉ là con số lẻ so với Thái Lan. Những phụ tùng và linh kiện đơn giản được nội địa hóa là săm, lốp, dây điện, ghế ngồi, bàn đạp, chân ga, chân phanh và ăng ten cho radio trong xe. Hầu hết các bộ phận đều phải nhập khẩu, từ động cơ đến các vật liệu, chi tiết đơn giản khác như vải bạt, da, mút, ốc vít…

Ông Phạm Văn Tài, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải cho biết thêm: Công nghiệp ô tô được hoạch định và kỳ vọng rất lớn đến năm 2010 đạt tỷ lệ nội địa hóa cao (40-60%), tự chủ công nghệ, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước (60-80%), hướng tới xuất khẩu ô tô và phụ tùng.

Tuy nhiên hầu hết các chỉ tiêu đều không đạt được, đặc biệt đối với dòng xe con và xe chuyên dùng (tỷ lệ hiện tại dưới 25%). Các chi tiết linh kiện phụ tùng có hàm lượng kỹ thuật cao như động cơ, hộp số đều chưa thể sản xuất trong nước. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường ô tô chưa được mở ra như mong đợi, sản lượng thấp nên khó có thể đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ.

Công nghiệp ôtô Việt Nam sẽ đứng trước thử thách nghiệt ngã khi Việt Nam thực hiện cam kết trong AFTA về lộ trình giảm thuế vào năm 2018. Nếu không có các đột phá về chính sách thì rất dễ hình dung “hình hài” của ngành công nghiệp ôtô như thế nào sau giai đoạn này.

Cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự, ngành Công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực chế tạo máy Việt Nam đang có một lỗ hổng rất lớn ở “chân móng”. Các sản phẩm thép xây dựng được đầu tư sản xuất ồ ạt để đáp ứng một thị trường xây dựng đang phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó ngành thép chế tạo chưa hề có mặt tại Việt Nam khi không nhìn ra được hiệu quả đầu tư.

Lĩnh vực công nghiệp chế tạo giàn khoan dầu khí lại gặp nhiều vướng mắc trong công tác nội địa hóa. Việc kết hợp trong công tác nội địa hóa còn thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp cơ khí trong nước dẫn đến sự thiếu thông tin kịp thời và cụ thể cho việc cung cấp các sản phẩm.

Các sản phẩm hiện có của các doanh nghiệp trong nước hầu như chưa phù hợp với môi trường biển, dầu khí dễ cháy nổ, đòi hỏi độ tin cậy cao và nghiêm ngặt về các chỉ tiêu kỹ thuật theo các yêu cầu của cơ quan kiểm định, đăng kiểm quốc tế.

Về các thiết bị phụ trợ cho dự án nhiệt điện chạy than, đại biểu Phan Đăng Phong, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí cho biết: Việc thực hiện quản lý dự án theo mô hình trên sẽ khó nội địa hóa do bị phụ thuộc vào các điều kiện từ các nhà cho vay vốn; tiến độ thực hiện dự án bị ảnh hưởng bởi tiến độ cung cấp thiết bị do thời điểm có hiệu lực giải ngân của các khoản vay thường bị kéo dài; khó kiểm soát được chất lượng thiết bị; tăng nhập siêu, mất cân bằng cán cân xuất nhập…

Cần một tâm thế sẵn sàng cho “cuộc chơi” mang tính quốc tế

Ông Ryu Hangha, Tổng Giám đốc Công ty Doosan Vina kiến nghị: Cần phải có chính sách thúc đẩy và thực hành để phát triển ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam, đó là chính sách khuyến khích thị trường trong nước tiêu thụ sản phẩm trong nước làm ra. Cần giải quyết hiệu quả các vướng mắc trong cơ chế đấu thầu cho các dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Tài, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải đưa ra giải pháp: Mặc dù ngành công nghiệp ô tô Việt Nam xuất phát chậm và gặp nhiều khó khăn nhưng trong xu thế hội nhập mới nếu biết nắm bắt cơ hội vẫn có thể phát triển ngành ô tô trong nước, đón bắt thành công thị trường khu vực.

Với mục tiêu hội nhập, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với sản phẩm có chất lượng quốc tế, trước hết tại khu vực ASEAN, cần phải có chính sách xây dựng và phát triển thị trường, đảm bảo dung lượng thị trường bền vững trong nước; hỗ trợ công ty trong nước hợp tác với các hãng ô tô lớn, tiếp nhận công nghệ xây dựng cơ sở sản xuất hướng đến xuất khẩu, chia sẻ thị trường khu vực ASEAN.

Trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chế tạo máy, ông Lâm Chí Quang, Tổng Giám đốc Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp cho biết: Một trong những yếu tố quyết định thành công chính là các doanh nghiệp phải tự vươn lên, chấp nhận cạnh tranh. Đầu tư công nghệ mới, thay đổi triệt để tư duy quản lý cũ, áp dụng các hệ thống và phương thức quản ký tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực là những hướng đi cụ thể quyết định thành công của nhiều doanh nghiệp.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương: Việc ban hành hệ thống chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ đã khẳng định quyết tâm và định hướng của Chính phủ Việt Nam là ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí. Sau khi các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ được ban hành, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành cơ khí cả trong và ngoài nước đã quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu để trên cơ sở đó xây dựng đề án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên