Lỗi quy hoạch hay lỗi điều hành và năng lực thực thi?

VOV.VN - Nhiều con đường đều tắc trong khi ngành nào cũng có đầy đủ các Quy hoạch, Chiến lược… với tầm nhìn khá xa.

Tắc đường, kẹt xe, quá tải, chậm chuyến, hủy chuyến, hoạt động quá công suất, năng lực thực tế… những cụm từ này giờ đây không chỉ dành để nói về lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, hay đường hàng không nữa. Thực tế này đang hiện hữu đối với cả đường… dây tải điện. Vì sao lại có chuyện tất cả các con đường đều tắc, khi mà ngành nào cũng có đầy đủ các Quy hoạch, Chiến lược… với tầm nhìn khá xa?

Đường bộ - con đường thông dụng nhất - hiện hữu trên mặt đất của chúng ta, khái niệm “giờ cao điểm” dường như không còn ranh giới ở khu vực trung tâm và các điểm giao cắt của những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM nữa. Nguyên nhân của ùn ứ, tắc đường, kẹt xe được chỉ ra là bởi hạ tầng quá tải.

Chậm tàu hàng giờ đồng hồ ở nhiều ga đường sắt cũng là thực tế hiện hữu của ngành này. Chỉ cần một va chạm nhỏ ở đâu đó có thể kéo theo sự chậm trễ của nhiều đoàn tàu. Hạ tầng đường sắt được cảnh báo ở trong tình trạng “chạm đáy” từ lâu - khi hàng loạt các nút thắt về đường ray, nhà ga, sân đỗ xuống cấp trầm trọng nhưng chưa được giải quyết.    

Hệ thống điện quốc gia đã phải cắt giảm tới 1/2 công suất nguồn điện mặt trời vì quá tải lưới điện. (Ảnh minh họa: KT)

Ở lĩnh vực hàng không, nhận định hàng không Việt Nam thuộc diện "tăng trưởng nhanh nhất thế giới” đã được chứng thực khi thông tin Vietstar Airlines công bố tham gia thị trường hồi đầu tuần. Không kể những hãng hàng không “thử nghiệm” thị trường Việt Nam và thất bại ngay sau vài lần cất cánh, chỉ sau hơn 5 năm, kể từ khi hãng hàng không giá rẻ VietJetAir xuất hiện, đến nay, đã có tới 7 hãng hàng không tham gia thị trường nội địa, với hơn 230 máy bay các loại, gần 200 đường bay nội địa và quốc tế và 22 cảng hàng không.

Nhưng, thị trường “béo bở” này đang vấp phải tình trạng nhiều sân bay hoạt động quá công suất - dẫu nhiều lần nâng cấp, mở rộng vẫn tắc đường, kẹt xe phía trước nhà ga nội địa, thậm chí còn thiếu cả đường lăn, sân đỗ tàu bay và mặt bằng khu vực làm thủ tục cho hành khách. Chuyển từ bay ngày sang bay đêm, rồi chậm chuyến, hủy chuyến... Đó là hệ quả không mong muốn được chỉ ra - sau những tăng trưởng “vượt bậc” của ngành hàng không: Hạ tầng không theo kịp với tốc độ tăng trưởng!

Trong khi hạ tầng điện và giao thông được xác định là 2 yếu tố quan trọng nhất, “phải đi trước một bước” để bảo đảm cho phát triển kinh tế, xã hội - thì trong bối cảnh đất nước đang tăng tốc phát triển công nghiệp và dịch vụ chất lượng cao, nguy cơ thiếu điện lại đang hiện hữu!

Liên tục trong các cuộc họp gần đây, Chính phủ đã phải yêu cầu đẩy triển khai nhanh các dự án hạ tầng quan trọng trong lĩnh vực giao thông và năng lượng. Vì sao Chính phủ phải “hối thúc” - khi mà tất cả các dự án này đã được phê duyệt trong các Quy hoạch, Chiến lược phát triển, các Quy hoạch đã được điều chỉnh, bổ sung… để đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội?

Đơn cử, trong tháng 6 vừa qua, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia đã phải cắt giảm tới phân nửa công suất nguồn điện mặt trời, không thể huy động được vì quá tải lưới điện, không có lưới để tải.

Soi chiếu lại mới thấy, nguồn điện năng lượng tái tạo đã được nhà đầu tư tập trung vào khai thác tại một số địa bàn có lợi thế về nắng và gió, vượt nhiều lần so với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (đã được điều chỉnh), trong khi nhiều dự án lưới truyền tải điện nằm trong Quy hoạch này vẫn đang chậm tiến độ, còn chưa giải phóng được mặt bằng!

Hai hôm trước, đại diện Tập đoàn Dầu khí quốc gia; Cơ quan quản lý Nhà nước, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và địa phương - nơi có dự án - cùng chủ trì tháo gỡ vướng mắc cho một công trình nguồn điện là Dự án nhiệt điện Thái Bình 2 (đã 2 lần điều chỉnh vốn cũng như tiến độ).

Trong rất nhiều bất cập được chỉ ra, có vấn đề về cơ chế, thể chế, của năng lực nhà thầu… Cũng tại cuộc họp này, những cảnh báo về nguy cơ thiếu điện sẽ trầm trọng hơn, giá điện sẽ đắt đỏ hơn vì hàng loạt các dự án nhiệt điện than vẫn đang chậm tiến độ, thậm chí có nguy cơ không thể hoàn thành, hoặc không thể thực hiện - dẫu thuộc diện công trình đặc biệt cấp bách trong Quy hoạch điện lực quốc gia.

Vì sao tất cả các Quy hoạch, Chiến lược phát triển ngành nghề, lĩnh vực nêu trên đều được nghiên cứu, xây dựng rất quy mô, bài bản, từ tầm nhìn ngắn hạn, trung hạn đến dài hạn, lại thường xuyên được bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi, nâng cấp - cả định kỳ lẫn cấp bách - nhưng vẫn không theo kịp với thực tế phát triển?

Ngay cả Luật Quy hoạch vừa có hiệu lực từ đầu năm nay cũng đã có những ý kiến cho rằng đang ngáng trở các Quy hoạch ngành, Quy hoạch của địa phương. Liệu quy hoạch chưa xứng tầm hay lỗi bởi điều hành và năng lực thực thi?!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sự cố lưới điện 500kV Bắc Nam: Nỗi lo căng thẳng điện miền Bắc
Sự cố lưới điện 500kV Bắc Nam: Nỗi lo căng thẳng điện miền Bắc

VOV.VN -Một số tổ máy nhiệt điện than khu vực miền Bắc không thể huy động được do thiếu than ở nhà máy NĐ Vũng Áng và NĐ Mông Dương.

Sự cố lưới điện 500kV Bắc Nam: Nỗi lo căng thẳng điện miền Bắc

Sự cố lưới điện 500kV Bắc Nam: Nỗi lo căng thẳng điện miền Bắc

VOV.VN -Một số tổ máy nhiệt điện than khu vực miền Bắc không thể huy động được do thiếu than ở nhà máy NĐ Vũng Áng và NĐ Mông Dương.

Lưới điện quá tải tới 360%
Lưới điện quá tải tới 360%

VOV.VN - Đây là thực tế mang tải của các đường dây và trạm biến áp (TBA) 110kV-220kV trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Lưới điện quá tải tới 360%

Lưới điện quá tải tới 360%

VOV.VN - Đây là thực tế mang tải của các đường dây và trạm biến áp (TBA) 110kV-220kV trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Lưới điện 500kV Bắc - Nam đã an toàn, đảm bảo cấp điện
Lưới điện 500kV Bắc - Nam đã an toàn, đảm bảo cấp điện

VOV.VN - Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa ra Thông cáo báo chí cập nhật về tình hình cung cấp điện đến 0h ngày 29/6/2019.

Lưới điện 500kV Bắc - Nam đã an toàn, đảm bảo cấp điện

Lưới điện 500kV Bắc - Nam đã an toàn, đảm bảo cấp điện

VOV.VN - Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa ra Thông cáo báo chí cập nhật về tình hình cung cấp điện đến 0h ngày 29/6/2019.