Lối thoát cho làng nghề là thị trường trong nước

Mong sao ý tưởng về một khu chợ trưng bày và bán các sản phẩm làng nghề sớm trở thành hiện thực, đồng thời được tổ chức tốt, hiệu quả

Theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam, hiện cả nước có 2.795 làng nghề, thu hút khoảng 11 triệu lao động nông thôn. Cùng với quá trình phát triển đô thị hóa, đất canh tác bị thu hẹp, chính nhờ có nghề phi nông nghiệp mà hàng triệu nông dân có việc làm.

Tuy nhiên, ảnh hưởng xấu của khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, sự khó khăn chung đã có tác động không nhỏ đến các làng nghề, các doanh nghiệp và người lao động. Đó là chưa kể, bấy lâu nay, tự thân các làng nghề cũng đã tiềm ẩn nhiều yếu tố thiếu bền vững, như ông Lưu Duy Dần, Tổng thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam đúc rút: đó là thiếu vốn, công nghệ lạc hậu và đầu ra bấp bênh. Cùng với những khó khăn đó, các làng nghề hiện còn phải đối mặt với nhiều thách thức mới như: ô nhiễm môi trường, thiếu mặt bằng sản xuất, vùng nguyên liệu không ổn định... 

Có đầu ra, nhưng không đáp ứng được!

Nghệ nhân Dương Văn Mơ năm nay 75 tuổi. Ông là đồng tác giả của chiếc quạt gỗ kỷ lục lớn nhất Việt Nam rộng 9m, cao 4,5m được trưng bày tại lễ hội phố hoa Hà Nội xuân Kỷ Sửu.

Đến nhà nghệ nhân ở Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội), chúng tôi thấy những người thợ đang làm quạt the cho các diễn viên cho sân khấu. Quạt nhiều màu sắc, ngắm từ xa thì còn được chứ nhìn gần rất thô, và chắc cũng chỉ dùng một vài lần là hỏng. Đó là “hàng chợ”, còn những chiếc quạt trang trí to, đẹp thì là số ít, và đều do cụ Dương Văn Mơ làm.

Những quạt đẹp không nhiều

Cụ bà Phí Thị Lạnh, 75 tuổi, làm quạt từ khi còn bé đến giờ

Nghệ nhân đưa ra những chiếc quạt giấy mẫu mà khách hàng Nhật Bản đặt. Những chiếc quạt này rất đẹp, nan nuột nà, các múi xếp đều tăm tắp. Nghệ nhân Dương Văn Mơ nói rằng, lô quạt này sẽ phải kén thợ làm. Để xếp quạt được đều, phải dùng khuôn. Còn thợ thì chọn nguời tay nghề cao, mà thợ như thế thì thiếu lắm.

Quạt dùng để múa, đơn giản và không bền

Trong làng, cũng có nhiều gia đình làm quạt, chủ yếu là quạt giấy để bán rẻ ở nhà ga, bến tàu. Quạt đẹp lúc nào cũng có đầu ra, nhưng lại không dễ tìm được người làm. Hỏi ra, chúng tôi mới biết, làm những chiếc quạt đơn giản là công việc của phụ nữ, trẻ em, thu nhập khoảng 600.000 đồng/tháng. Thấp như vậy, nên không nhiều người muốn làm. Nếu như có thể làm hàng kỹ để xuất khẩu, thu nhập sẽ cao hơn, thì không phải ai cũng làm được.

Ông Lưu Duy Dần, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam còn đưa ra ví dụ: Chiếc bánh răng bừa (làm bằng bột gạo tẻ) giá chỉ 2 nghìn đồng, có khách hàng từ bên Đức tìm đến, sẵn sàng mua với giá 2 USD, nhưng phải làm sao để bảo quản, đảm bảo vận chuyển đến nơi vẫn ngon lành, thì đành chịu. Hay cái ống đũa bằng tre, bên nhập khẩu yêu cầu  phải làm sao để còn nguyên lớp vỏ áo màu xanh, thì làng nghề cũng chưa có công nghệ để xử lý.

Bên cạnh đó, thói quen làm theo kiểu “bóc ngắn cắn dài”, chụp giật, vì cái lợi trước mắt cũng phổ biến. Ở hầu hết các làng nghề, điều dễ nhận thấy là việc sao chép mẫu mã của nhau, rồi pha trộn nguyên liệu, làm cho chất lượng sản phẩm ngày một kém đi. Điều đó làm cho sức cạnh tranh của làng nghề kém, cộng với những khó khăn chung do khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, mối lo ngại nhiều nghề truyền thống có nguy cơ bị xóa sổ là có thực. 

Khai thác thị trường nội địa

Theo ông Lưu Duy Dần, trong giai đoạn khó khăn này, thị trường nội địa chính là lời giải bài toán đầu ra cho các sản phẩm làng nghề. Vấn đề là chất lượng phải đạt tiêu chuẩn để có sức cạnh tranh với những hàng nước ngoài giá rẻ hơn hoặc ngang bằng.

Bấy lâu nay, người ta xây dựng rất nhiều và hàng ngoại nhập được sử dụng nhiều để trang trí nội, ngoại thất. Thế nhưng, thực tế là có những sản phẩm nội cũng rất tốt, rất đẹp để trang trí nhà cửa như tranh gốm của làng gốm Thổ Hà (Bắc Giang), bình giả cổ của Bát Tràng (Hà Nội) hay Phù Lãng (Bắc Ninh), tranh thêu tay Minh Lãng (Thái Bình), Quất Động (Hà Nội) vv… Khó có thể kể hết các sản phẩm tiêu biểu của hàng nghìn làng nghề trên khắp Việt Nam nhưng hàng hóa ấy vẫn chưa phổ biến ở thị trường trong nước.

Sản phẩm gốm Phù Lãng

Phục chế gốm cổ Bát Tràng

Ý tưởng về một khu chợ tập hợp các sản phẩm làng nghề đã được nhiều lần đưa ra bàn, nhưng đến nay, mới chỉ sắp tổ chức được khu trưng bày 4.500 mét vuông tại Mê Linh Plaza – là kết quả việc phối hợp giữa Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Sở công thương Hà Nội và Mê Linh Plaza… Trong thời gian đầu Melinh Plaza sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề như miễn phí mặt bằng, đưa các đoàn khách du lịch đến thăm quan, mua sắm, hỗ trợ quảng bá...

Tuy nhiên, Mê Linh Plaza ở khá xa trung tâm thành phố nên cũng chỉ thu hút được một lượng khách nhất định. Nếu có địa điểm tốt, và được tổ chức tốt: “Có thể xây dựng như chợ quê để đón khách du lịch. Ngoài hàng hóa của các làng nghề, còn được tổ chức như chợ phiên ở quê, có hát xẩm, có lò rèn, lồng chim, ngô luộc, khoai nướng…”- ông Lưu Duy Dần nói. Nâng cao chất lượng hàng hóa, cộng với đổi mới cách quảng bá, tiếp thị, hàng hóa và các sản phẩm từ làng nghề chắc chắn sẽ đứng vững ở thị trường trong nước.

Chị Mai Hồng (Hà Nội) là chủ một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu chậu hoa bằng tôn được sản xuất ở Nam Định, sang thị trường châu Âu. Doanh nghiệp của chị từ năm ngoái đến nay số đơn hàng nhận được cũng ít đi nhiều. Nhưng nói về thị trường trong nước, chị Hồng băn khoăn: Bao nhiêu anh xuất khẩu thì rủ nhau về thị trường trong nước hết, mà sức mua ở thị trường trong nước có hạn! Tuy nhiên, bà Phạm Thị Loan, Tổng Giám đốc tập đoàn Việt Á- Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nữ Hà Nội cho rằng, quan trọng là chúng ta phải làm được những sản phẩm bấy lâu nay vẫn phải nhập từ nước ngoài, để tập trung hướng vào làm sao tạo ra sản phẩm đó với giá thành và chất lượng cạnh tranh. Đấy cũng là hướng đi lâu dài và bền vững.

Sau cuộc họp bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khôi phục và phát triển sản xuất các làng nghề phía Bắc do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hồi tháng 2/2009, các ngành các cấp đã xúc tiến một số hoạt động để khôi phục và hỗ trợ làng nghề, nhằm tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn.

Theo ông Lưu Duy Dần, về lâu dài, cần có quy hoạch phát triển các làng nghề, từ đó mới có các biện pháp cụ thể để làng nghề giữ gìn và phát triển được nghề truyền thống./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên