Lòng tin với ngành thuế
Trách nhiệm của cán bộ ngành thuế là thu đúng, thu đủ, thực hiện đúng luật và đúng chính sách thuế của Đảng, Nhà nước.
Thanh tra hoạt động trong 3 năm của ngành thuế ở 3 đơn vị là Tổng cục Thuế, Cục thuế Hà Nội và Cục thuế thành phố Hồ Chí Minh, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện có nhiều sai phạm trong việc thực hiện chính sách thuế, làm thất thu cho Nhà nước lên tới hơn 11.000 tỷ đồng. Các sai phạm chủ yếu là thiếu thuế, nợ thuế… Vào thời điểm nền kinh tế đất nước đang gặp khó khăn do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tính chất và mức độ sai phạm của 3 đơn vị chủ lực ngành thuế khiến dư luận đặt dấu hỏi về lòng tin với đội ngũ cán bộ ngành thuế.
Thuế là nguồn thu chính của ngân sách Nhà nước, ngành Thuế và cán bộ của ngành được Nhà nước giao cho nhiệm vụ rất quan trọng là tạo nguồn thu để tăng nguồn thu cho ngân sách quốc gia. Trách nhiệm của cán bộ ngành thuế là thu đúng, thu đủ, thực hiện đúng luật và đúng chính sách thuế của Đảng, Nhà nước.
Thế nhưng, như thông báo của Thanh tra Chính phủ, ở 3 đơn vị của ngành thuế này đã để xảy ra tình trạng nợ đọng thuế kéo dài, áp mã thuế ở mức thấp có lợi cho cá nhân và doanh nghiệp, gây thiệt hại cho Nhà nước. Việc xử lý nợ thuế, hoàn thuế có nhiều thiếu sót, không đúng thủ tục và đối tượng. Việc trích phần thu cho ngành thuế cũng còn nhiều thiếu sót, trích kinh phí không hợp lý, chi đầu tư không đúng mục đích và đối tượng, để đọng lại số tiền khá lớn.
Số thất thu lên tới hơn 11.000 tỷ đồng, là con số không nhỏ. Nhưng, cũng theo thông báo của Thanh tra Chính phủ, đây chỉ là con số bước đầu, chỉ ở 3 đơn vị. Số tiền sai phạm sẽ còn lớn hơn nếu tổng hợp các báo cáo thanh tra ngành thuế trên diện rộng. Như vậy, qua công tác thanh tra của cơ quan Thanh tra Chính phủ, sai phạm của ngành thuế dẫn đến thiệt hại cho ngân sách là rất lớn.
Rõ ràng cán bộ ngành thuế đã không làm tròn trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước giao phó. Thay bằng thu đúng, thu đủ, góp phần vào việc ổn định tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, họ đã làm sai, theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, và đương nhiên, làm thiệt hại cho đất nước. Việc làm sai đó không thể nói là không có tư túi, vụ lợi.
Trong lúc đất nước đang gặp khó khăn, thu thêm một đồng thuế đưa vào ngân sách quốc gia để đầu tư phát triển là rất quý. Các xã nghèo, thôn nghèo trong cả nước đang cần vốn. Nhiều công trình đang cần vốn. Thực hiện giải pháp chống lạm phát, giảm phát cũng đang cần vốn. Với hơn 11.000 tỷ đồng, nếu được thu vào ngân sách, có thể đầu tư cho hàng chục nghìn xã nghèo, giúp các xã này có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Xét cả 2 mặt: đạo đức, phẩm chất và năng lực của cán bộ ngành thuế, thấy rõ là đang có vấn đề. Để nợ đọng thuế kéo dài, áp thuế thấp hơn mã thuế, trích quỹ không đúng… không đơn thuần là trình độ năng lực. Vấn đề ở đâylà một bộ phận cán bộ ngành thuế đã không đặt lợi ích của quốc gia trên lợi ích của cá nhân, dẫn đến làm thiệt hại cho đất nước.
Trong nhiều năm, các đơn vị ngành thuế đều báo cáo hoàn thành kế hoạch, nhưng thực tế đã để xảy ra nhiều sai phạm, dẫn đến thất thu. Nếu thanh tra Chính phủ không phát hiện, thì tình trạng này có nguy cơ tiếp diễn, và khi đó sai phạm sẽ còn ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Ở góc độ khác, có thể nhận ra một biểu hiện nghiêm trọng khác, là những sai phạm ở ngành thuế không đơn lẻ, mà có tính hệ thống, toàn ngành, từ Tổng cục thuế đến các Cục thuế địa phương, đều có những sai phạm tương tự. Như thế, việc xử lý sai phạm để chấn chỉnh cũng cần đặt trong hệ thống toàn ngành, để xốc lại một ngành có vai trò quan trọng trong ổn định ngân sách quốc gia./.