Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài
VOV.VN - Chiều nay 24/11, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp cùng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo: “Lúa gạo tăng giá, giải pháp để nông dân hưởng lợi lâu dài”. Hội thảo là hoạt động tạo tiền đề, hưởng ứng Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 diễn ra tại Hậu Giang vào tháng 12 tới.
Tình hình xuất khẩu lúa gạo liên tục có nhiều diễn biến đã kéo theo giá lương thực toàn cầu tăng vọt lên mức cao nhất trong 2 năm qua. Để nắm bắt cơ hội gia tăng sức cạnh tranh xuất khẩu và giải quyết bài toán lợi nhuận, Việt Nam cần có sự chuẩn bị, đảm bảo vững chắc nội lực sản xuất lúa gạo trong nước bằng các chính sách, cơ chế đặc thù.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp nhằm giúp ngành nông nghiệp Việt Nam nắm bắt cơ hội, gia tăng sức cạnh tranh xuất khẩu và giải quyết bài toán lợi nhuận cho ngành sản xuất lúa gạo; đồng thời đề xuất các chính sách nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn giúp người nông dân có lãi cao hơn, doanh nghiệp phát triển, nâng cao vị thế cạnh tranh xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam.
Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, với sự biến động mạnh của giá lúa trong thời gian qua, nông dân trồng lúa tại Hậu Giang vô cùng phấn khởi vì bán được giá cao hơn những vụ trước, nhưng không khỏi lo lắng vì chi phí phân bón, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất theo đó cũng tăng đáng kể, đồng thời tác động xấu của biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và sản lượng lúa trong thời gian qua. Nếu tình hình vật tư nông nghiệp và các khoản chi phí khác tiếp tục gia tăng như hiện nay thì dù giá lúa gạo có tăng thì lợi nhuận thực sự của người nông dân vẫn tăng không đáng kể. Về lâu dài, khả năng người hưởng lợi từ thời cơ tăng giá lúa chưa hẳn đã là người nông dân.
Xuất phát từ những khó khăn thách thức nêu trên, trong thời gian qua, Hậu Giang đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh, tập trung xây dựng và phát triển các vùng trồng đạt tiêu chuẩn an toàn đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường giàu tiềm năng.
“Hậu Giang là một trong 8 tỉnh ĐBBSCL tham gia Đề án VnSAT, giai đoạn 1916-1920 và kéo dài đến năm 2022. Chính từ tham gia Đề án này với 32 đơn vị cấp xã, qui mô diện tích là gần 30 ngàn ha thì đã góp phần cải thiện chất lượng cho ngành hàng lúa gạo tỉnh Hậu Giang trong thời gian qua rất đáng kể về năng suất, về chất lượng, về cơ cấu giống cũng được thay đổi theo Đề án này. Trên cơ sở tổng kết lại Hội thảo này, Hậu Giang nói riêng cũng như các tỉnh ĐBSCL nói chung sẽ đưa ra những cơ chế, chính sách xác đáng, phù hợp hơn với thực tế với một mục tiêu là đưa ngành hàng lúa gạo của chúng ta lên một tầm mới”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ông Trương Cảnh Tuyên nói.