Luật các tổ chức tín dụng: Cần quy định tính chính danh khi mở tài khoản
VOV.VN - Trong đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao thời gian qua nổi bật lên các thủ đoạn sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản, nhằm gây khó khăn, tránh né. Do đó cần luật hóa quy định tính chính danh khi mở tài khoản.
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 10/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận toàn thể ở hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi - TCTD). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại các phiên thảo luận tại tổ, đã có 99 lượt ý kiến phát biểu về dự án Luật Các TCTD. Cơ bản các ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục xử lý nợ xấu, tăng cường phòng ngừa rủi ro, nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát, nâng cao năng lực của các TCTD, đảm bảo an toàn, lành mạnh ổn định hệ thống các TCTD.
Đánh giá tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm trong lĩnh vực ngân hàng vẫn là vấn đề đáng lo ngại, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP.Hà Nội - ĐBQH đoàn ĐBQH TP. Hà Nội lưu ý việc huy động vốn để cho vay giữa các DN thuộc hệ sinh thái của các tập đoàn kinh tế tư nhân.
Theo ông Trung, dự thảo luật giảm điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của các cá nhân, tổ chức mang tính đại chúng, các tổ chức tín dụng… giúp cơ cấu cổ đông ngân hàng thông thoáng, lành mạnh hơn. Điều này “tránh quyền tự quyết tập trung vào một ông bà chủ nào đó, hạn chế điều hành của tổ chức phục vụ cho các công ty sân sau và nhóm lợi ích mà tổn hại đến ngân hàng hoặc nhóm cổ đông nhỏ”. Tuy nhiên, ông Trung nhận thấy thực tế vẫn tồn tại cổ đông lớn đứng danh, hoặc không đứng danh HĐQT để điều hành, nắm cổ phần chi phối và điều hành hoạt động ngân hàng.
“Các quy định trong dự thảo mới chỉ mang tính kỹ thuật. Cần bổ sung thêm hai vấn đề, một là tăng cường vai trò của Ngân hàng Nhà nước để hạn chế hành vi lạm quyền cổ đông lớn, quyền quản trị điều hành để thao túng hoạt động của các TCTD. Hai là thêm biện pháp, giải pháp kiểm soát việc lách luật sử dụng nhiều cá nhân khác đứng tên cổ phần nhóm cổ đông lớn để điều hành tổ chức tín dụng”, Thiếu tướng Trung nói.
Đối với về vấn đề cung cấp thông tin cho các cơ quan chuyên trách phòng chống tội phạm, dự thảo luật quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng. Tuy nhiên, ông Trung cũng cho hay, trong thực tiễn tội phạm công nghệ cao, đánh bạc, rửa tiền trên không gian mạng rất phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng.
“Sau các vụ việc, lực lượng công an ngay lập tức truy xét dòng tiền, phong tỏa tài khoản. Nhưng với các quy định hiện hành thì không thể đáp ứng được việc phong tỏa kịp thời, các đối tượng ngay lập tức chuyển tiền đi rất nhanh nên tỷ lệ thu hồi được tiền rất ít”, ông Trung nêu.
Giám đốc Công an Hà Nội cũng đề nghị để nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm, cần quy định rút ngắn thời gian phong tỏa tài khoản, có thể giao Chính phủ nghiên cứu quy định chi tiết nội dung này. Về quy định tính chính danh khi mở tài khoản ngân hàng, theo ông Trung, trong đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao thời gian qua nổi bật lên các thủ đoạn sử dụng giấy tờ giả mở tài khoản, nhằm gây khó khăn, tránh né. Do đó cần luật hóa quy định tính chính danh khi mở tài khoản.
Đại biểu Trung cũng đồng thời đề nghị trong luật này cần có quy định cụ thể về các điều kiện bắt buộc các TCTD phải có nền tảng công nghệ, cơ sở vật chất trong nhận diện khách hàng để đảm bảo tính chính danh; yêu cầu TCTD có trách nhiệm rà soát, phát hiện và phối hợp với cơ quan công an các cơ quan có liên quan xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về tài khoản không chính danh. Đặc biệt, Đại biểu Nguyễn Hải Trung đề nghị không quy định Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền điều tra vi phạm pháp luật về lĩnh vực ngân hàng.
Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự án luật, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đề nghị dự án luật hoàn thiện cơ sở pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, tạo thuận lợi với việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng của DN, người dân nên trong dự án Luật cần quy định rõ về mức phí, loại phí, đặc biệt là ở vùng khó khăn...
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cũng cho ý kiến về Ngân hàng chính sách xã hội, cho rằng hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội cần phải được quy định và điều chỉnh trong luật của các tổ chức tín dụng. Cụ thể, tại Điều 4 dự án Luật nên bổ sung thêm hai khái niệm quy định rõ hơn về ngân hàng Chính sách và tín dụng chính sách xã hội. Mặc khác, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật xem xét Điều 17 nên được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy định riêng cho Ngân hàng chính sách xã hội, còn sắp xếp thêm một điều khoản để cho Ngân hàng chính sách phát triển./.