Luật cạnh tranh chưa thực sự đi vào cuộc sống
Thứ trưởng Trần Danh Vĩnh sáng nay 22/9 cho biết, ở Việt Nam mới chỉ có một số ít vụ điều tra và xử lý liên quan đến các hành vi hạn chế cạnh tranh.
Điều này chứng tỏ môi trường cạnh tranh tại Việt Nam cần hoàn thiện hơn nữa và vai trò của Luật Cạnh tranh cần được phát huy mạnh mẽ hơn.
Luật Cạnh tranh được Quốc hội thông qua ngày 3/12/2004 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2005. Với 6 chương, 123 điều, Luật Cạnh tranh là một trong những văn bản luật đồ sộ và có tầm quan trọng đặc biệt trong việc định hướng cho nền kinh tế thị trường đang hình thành và ngày càng phức tạp ở nước ta. Đạo luật này nếu thực hiện tốt sẽ góp phần làm cho thị trường ngày càng lành mạnh hơn; hạn chế những hành vi phản cạnh tranh trong kinh doanh, gây hậu quả nghiêm trọng cho Nhà nước, cộng đồng và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, từ khi Luật Cạnh tranh có hiệu lực đến nay, ở Việt Nam mới chỉ có một số ít vụ điều tra và xử lý liên quan đến các hành vi hạn chế cạnh tranh. Điều này chứng tỏ môi trường cạnh tranh tại Việt Nam cần hoàn thiện hơn nữa và vai trò của Luật Cạnh tranh cần được phát huy mạnh mẽ hơn. Một trong những hạn chế là Luật Cạnh tranh mặc dù đã có hiệu lực hơn bốn năm nhưng nhận thức và hiểu biết về nó vẫn chỉ giới hạn trong một số ít người mà chưa lan tỏa đến từng doanh nghiệp - đối tượng chính của pháp luật cạnh tranh.
Sau khi tổng kết 5 hội thảo “Pháp luật điều chỉnh hành vi hạn chế cạnh tranh: Kinh nghiệm EU và bài học cho Việt Nam” đã diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và Hà Nội, ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban pháp chế của VCCI tổng kết: “Chúng ta đã phá băng nhận thức về Luật cạnh tranh”.
Nội dung chính trong các cuộc hội thảo, các chuyên gia trong lĩnh vực cạnh tranh của Việt Nam, các chuyên gia luật và kinh tế đến từ châu Âu đã trình bày các tham luận chia sẻ kinh nghiệm thực thi Luật Cạnh tranh và chống lại các hành vi hạn chế cạnh tranh của các nền kinh tế lớn trên thế giới, đặc biệt tập trung vào vấn đề chống hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và vị thế độc quyền.
Các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng làm rõ những hành vi được gọi là hạn chế cạnh tranh và vi phạm Luật Cạnh tranh; đồng thời phân tích tác động tiêu cực của các hành vi này đến sự phát triển kinh tế và quyền lợi của người tiêu dùng. Thông qua đó, các chuyên gia trình bày trình tự, thủ tục tố tụng xử lý những hành vi này trước pháp luật. Những vướng mắc cần giải quyết trên thực tế liên quan đến các chính sách cạnh tranh cũng được các diễn giả đề cập và giải đáp một cách thẳng thắn./.