Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cần phù hợp với thông lệ quốc tế
VOV.VN - Luật cần đáp ứng với những giao dịch lớn được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động tới thị trường Việt Nam.
Xuất phát từ vị trí, vai trò của cạnh tranh trong phát triển kinh tế đất nước, giữa tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã trình Dự án Luật cạnh tranh sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Luật Cạnh tranh hiện hành, không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam.
Luật Cạnh tranh được sửa đổi, bổ sung để phục vụ cho mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ môi trường cạnh tranh; hoạt động cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thị trường, thông qua đó tăng cường hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam.
Chính phủ nhìn nhận, sau hơn 10 năm thực thi Luật Cạnh tranh, trên thị trường đã xuất hiện nhiều hành vi cạnh tranh như thỏa thuận ấn định giá, phân chia thị trường tiêu thụ sản phẩm hay các giao dịch mua bán, sáp nhập được thực hiện ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng đã có những ảnh hưởng nhất định tới thị trường Việt Nam.
Luật Cạnh tranh sửa đổi nới rộng phạm vi ảnh hưởng của hàng hóa Việt Nam. (Ảnh minh họa: KT) |
Đơn cử như thương vụ Tập đoàn Abbott mua lại Công ty dược phẩm CFR; Tập đoàn Boehringer Ingelheim International mua lại Sanofi SA trong lĩnh vực thuốc thú y; Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại Hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam…
Theo Chính phủ, mặc dù trên thị trường đã xuất hiện nhiều hành vi phản cạnh tranh như trên và công luận cho thấy cần có sự can thiệp và điều chỉnh của cơ quan cạnh tranh. Tuy nhiên, pháp luật cạnh tranh Việt Nam hiện hành chưa có đầy đủ căn cứ pháp lý điều chỉnh các loại hành vi thực hiện ở ngoài lãnh thổ.
Vì vậy, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với những hành vi cạnh tranh diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động hạn chế cạnh tranh tới môi trường kinh doanh của Việt Nam là cần thiết nhằm bảo vệ cạnh tranh trên thị trường Việt Nam.
Tán thành với việc mở rộng này, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật như vậy là phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Trong thời gian gần đây, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đều có quy định nghĩa vụ thực thi luật và chính sách về cạnh tranh nhằm bảo đảm điều chỉnh các hành vi phản cạnh tranh gây ảnh hưởng đến quan hệ thương mại, đầu tư, phúc lợi người tiêu dùng tại các nước thành viên.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo báo cáo thêm về tính khả thi của quy định này trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ khác thì áp dụng theo quy định của pháp luật nào; bổ sung số liệu về các hành vi của các tổ chức, cá nhân bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh tới thị trường Việt Nam trong thời gian qua; nghiên cứu bổ sung quy định về các hành vi cụ thể của các tổ chức, cá nhân bên ngoài lãnh thổ Việt Nam gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh tới thị trường Việt Nam, cụ thể hóa hơn quy định “có khả năng” gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam.
Mới đây, tại “Diễn đàn chính sách cạnh tranh quốc gia” do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần điều chỉnh luật pháp và chính sách để kiểm soát, loại bỏ hành vi độc quyền, loại bỏ các rào cản, hạn chế mức độ cạnh tranh trên thị trường, xóa bỏ phân biệt đối xử tiến tới tiếp cận công bằng các nguồn lực.
Góp ý vào một số điểm trong Luật Cạnh tranh (sửa đổi), TS. Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho rằng, cần phải mở rộng phạm vi điều chỉnh hành vi về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh và tập trung kinh tế ra ngoài lãnh thổ Việt Nam khi có tác động hạn chế cạnh tranh tới thị trường Việt Nam.
Các đối tượng áp dụng của Luật cũng cần phải được mở rộng dành cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động cạnh tranh trên thị trường Việt Nam. Đồng thời, Luật cần điều chỉnh cách kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo hướng kết hợp tư duy kinh tế và tư duy pháp lý, qua đó hình thành 1 cơ quan cạnh tranh trên cơ sở tái cơ cấu các cơ quan hiện nay gồm Hội đồng cạnh tranh và Cục Quản lý cạnh tranh thành cơ quan duy nhất là Cơ quan cạnh tranh Quốc gia.
“Quá trình xây dựng Luật Cạnh tranh (sửa đổi) được soạn thảo và biên tập từ cuối năm 2016. Tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã họp chuyên đề lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ về dự thảo lần 4. Bộ Công Thương đã nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến này để hoàn thiện dự án Luật, xây dựng dự thảo lần thứ 5 sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp lần thứ 4, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong tháng 10 này”, TS. Trịnh Anh Tuấn cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Đức Hiếu, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Luật Cạnh tranh mới cần có cách tiếp cận mới, nhìn vào bản chất và tác động đến thực tế, đến cạnh tranh của các hành vi của doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi năng lực và vị trí phù hợp của cơ quan cạnh tranh để thực hiện điều tra và ra quyết định đúng đắn.
Do đó, cơ quan cạnh tranh quốc gia phải là một cơ quan độc lập trong mọi trường hợp, tham mưu giúp Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về cạnh tranh, có nhiệm vụ tổ chức điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế và các nhiệm vụ khác.
“Dự thảo Luật cạnh tranh (sửa đổi) gần như chưa đề cập đến vai trò phản biện chính sách cạnh tranh của cơ quan cạnh tranh. Do đó, cần bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ này cho cơ quan cạnh tranh để đảm bảo được kiểm soát được quy định cản trở cạnh tranh hoặc làm méo mó cạnh tranh”, ông Hiếu nêu gợi ý./.
Dự thảo Luật cạnh tranh: Cần có cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập