Luật Đất đai 2024 sớm thực thi sẽ khơi thông vướng mắc cho doanh nghiệp
VOV.VN - Khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2023 mới được công bố cho thấy, bên cạnh những nỗ lực tích cực của chính quyền các tỉnh, thành phố trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho cho doanh nghiệp, thì vẫn còn đó những trở ngại gia tăng trong tiếp cận đất đai.
Trong báo cáo PCI cho thấy, doanh nghiệp vẫn gặp trở ngại gia tăng trong tiếp cận đất đai, do đó đòi hỏi những nỗ lực cải cách quyết liệt hơn trong thời gian tới. Theo đó, tỉ lệ doanh nghiệp phải chờ giải quyết thủ tục hành chính đất đai lâu hơn quy định là 64%; cán bộ tiếp nhận hồ sơ không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ 46; gặp quy trình thủ tục giải quyết không đúng với nội dung được niêm yết, văn bản quy định 46%.
Đặc biệt, có 73% doanh nghiệp cho biết họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh năm 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính đất đai cao hơn 30,1% so với năm 2022.
Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang kỳ vọng, Luật Đất đai 2024 sắp tới được thực thi sẽ khơi thông được các vướng mắc cho doanh nghiệp.
“Đối với doanh nghiệp về việc giải phóng mặt bằng trong tất cả các dự án phát triển kinh tế luôn luôn phải đi thỏa thuận với người có đất, như vậy thật sự khó có thể thể thực hiện được. Chính vì thế mà cộng đồng doanh nghiệp rất mong muốn sắp tới khi Luật Đất đai có hiệu lực, tất cả những dự án có liên quan, quan trọng trong việc phát triển kinh tế sẽ được Nhà nước thu hồi đất theo Luật đất đai mới. Khi đó thì rào cản về đất đai sẽ được tháo gỡ, giải quyết” - ông Nguyễn Hữu Thập nói.
Đồng quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI cho biết, qua khảo sát doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, vấn đề tiếp cận đất đai vẫn là một cản trở lớn. Do đó cho rằng, quá trình thực hiện Luật Đất đai 2024 và các nghị định hướng dẫn- dự kiến thực thi vào ngày 1/7 tới đây sẽ tháo gỡ được khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư.
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Luật Đất đai dù chưa giải quyết được tất cả mọi vấn đề, nhưng đã tạo nên giải pháp để tháo gỡ được các điểm nghẽn trong thực tiễn. Đồng thời cho rằng, việc Luật Đất đai 2024 đang được đề xuất có hiệu lực sớm hơn 6 tháng từ ngày 1/7/2024, thay vì có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 sẽ tạo nên động lực lớn cho nền kinh tế.
“Chính phủ có quyết tâm rất cao trong chỉ đạo của Thủ tướng đó là Chính phủ sẽ cố gắng hoàn thiện các văn bản pháp lý, các nghị định hướng dẫn cùng các thông tư, để triển khai được Luật Đất đai từ 1/7. Tôi mong rằng quyết tâm của Chính phủ đã được thực hiện, bởi vì nếu đưa Luật đất đai và các luật có liên quan vào thực thi sớm được 6 tháng, sẽ tạo nên một động lực thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp” - ông Vũ Tiến Lộc nói.