Luật quy hoạch: Giá trị cốt lõi giúp tăng hiệu quả nguồn lực quốc gia
VOV.VN - Luật quy hoạch làm thay đổi tư duy quản lý từ tập trung bao cấp sang phù hợp với kinh tế thị trường, tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực quốc gia...
Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội dự kiến sẽ xem xét, thông qua 13 dự án Luật và 5 Nghị quyết. Các dự án Luật được xem xét tại kỳ họp này đều là những văn bản quan trọng, được cử tri và xã hội quan tâm, trong đó có dự án Luật Quy hoạch.
Luật Quy hoạch được đánh giá là một cuộc cách mạng giải quyết được những bất cập như chồng chéo, cục bộ, lãng phí nguồn lực… (Ảnh minh họa: KT) |
Tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực quốc gia
Một trong những giá trị quan trọng nhất của dự thảo luật là đặt tính thống nhất trong quản lý Nhà nước và hiệu quả sử dụng nguồn lực quốc gia lên hàng đầu.
Luật Quy hoạch bổ sung việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia với vai trò kết nối giữa chiến lược và kế hoạch, có nhiệm vụ tổ chức không gian phát triển ổn định lâu dài và phân bổ, sử dụng hiệu quả tối ưu nguồn lực tự nhiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế, năng lực cạnh tranh của cả nước, các vùng lãnh thổ và từng địa phương, từ đó làm cơ sở để xây dựng giải pháp thực hiện bằng các kế hoạch 5 năm, hàng năm.
Luật Quy hoạch góp phần tăng hiệu quả, hiệu lực của Nhà nước; tạo ra sự liên kết và tương tác chặt chẽ hơn giữa các Bộ, cơ quan, địa phương, hình thành sức mạnh tổng hợp trong phân bổ nguồn lực và việc thực hiện; tạo ra sự kết nối thống nhất trong chiến lược – quy hoạch – kế hoạch.
Bên cạnh đó, luật này còn thiết lập cơ chế minh bạch trong công tác quy hoạch, nâng cao vai trò của cộng đồng, người dân và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Hiện nay, cơ chế giám sát của cộng đồng đối với thực thi quy hoạch gần như chưa được thể chế hóa, người dân có phát hiện việc thực hiện trái quy hoạch thì cũng không biết nói với ai.
Do đó, giải pháp được đưa ra là bổ sung sự tham gia, tham vấn của cộng đồng, doanh nghiệp và người dân nhằm tăng vai trò giám sát của họ đối với quá trình thực thi quy hoạch. Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và xã hội sẽ giám sát, đánh giá, tổ chức thực hiện quy hoạch. Đồng thời, Luật Quy hoạch quy định rõ việc yêu cầu công bố công khai, cung cấp thông tin về tất cả các loại quy hoạch sau khi được phê duyệt, đồng thời quy định cụ thể người chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin.
Giảm văn bản, xóa quy hoạch không hiệu quả
Luật Quy hoạch giúp tinh giản hệ thống văn bản pháp luật, rút lại chỉ còn 2 văn bản luật từ 95 luật và pháp lệnh về quy hoạch hiện có.
Ngoài ra, Luật này sẽ làm giảm số lượng phải lập từ tổng số 19.285 quy hoạch xuống còn 11.413. Trong đó, giảm 97% từ 4.362 quy hoạch được lập cho cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh xuống còn 110 quy hoạch.
Luật Quy hoạch ra đời sẽ giảm số lượng từ 3.372 quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu (thống kê cho giai đoạn 2011-2020) xuống chỉ còn 38 quy hoạch ngành ở cấp quốc gia. Luật sẽ xóa bỏ hoàn toàn các quy hoạch sản phẩm, thay đổi tư duy quản lý từ tập trung bao cấp sang phù hợp với kinh tế thị trường.
Tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ ngành và tính cát cứ địa phương, mọi vấn đề về xung đột cũng được giải quyết. Xung đột lợi ích, xung đột mang tính liên ngành, xung đột giữa các địa phương, xung đột giữa trung ương và địa phương, giữa ngành và địa phương, xung đột giữa doanh nghiệp và người dân. Xung đột ngày càng lớn về sử dụng không gian giữa các ngành trong một quốc gia, nên không nhìn rõ được hiệu quả từ quy hoạch. Luật quy hoạch xử lý việc trên bằng cách chỉ có một bản quy hoạch chung thống nhất trên dưới, được tích hợp đa ngành lại, các bên sẽ cùng nhau tìm tiếng nói chung trên cơ sở lợi ích chung của quốc gia.
Đáng chú ý, phương pháp lập quy hoạch tích hợp đa ngành theo xu hướng quốc tế, hiện đại, nhất quán và hiệu quả.
Xóa bỏ cơ chế "xin - cho"
Một nội dung nổi bật trong Luật Quy hoạch là không tạo cơ hội cho cơ chế "xin – cho" liên quan đến quy hoạch và chạy dự án vào quy hoạch.
Hiện nay, các ngành đều được giao làm quy hoạch ngành và sau đó ở một số ngành xuất hiện việc ngành phối hợp với doanh nghiệp lớn trong ngành đó lập quy hoạch. Đây chính là điểm hở để ngành đó và doanh nghiệp đó cài cắm các điều khoản quy định có lợi cho mình vào quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, dẫn đến tình trạng dự án "vào - ra" quy hoạch một cách thiếu căn cứ hay tình trạng "xin - cho" dự án đầu tư tùy tiện, hạn chế được sự lãng phí các nguồn lực quốc gia.
Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch, với quy định về hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch quốc gia trên nền bản đồ số, sẽ tạo kênh cung cấp thông tin quy hoạch thống nhất, chính thống và tin cậy cho phép cập nhật, khai thác, cung cấp và quản lý thông tin về quy hoạch một cách rõ ràng, minh bạch, công khai. Từ đó, các cơ quan quản lý nhà nước chủ động giải quyết các công việc điều hành phát triển kinh tế-xã hội, giúp cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội giám sát quy hoạch, giảm thiểu gánh nặng chi phí khi tìm hiểu thông tin quy hoạch để triển khai quyết định đầu tư.../.
Hiện nay, tổng số quy hoạch được lập là 19.285 quy hoạch cho giai đoạn 2011-2020 ở tất cả các cấp và vùng lãnh thổ. Luật Quy hoạch sẽ giảm số lượng quy hoạch xuống chỉ còn 11.413 quy hoạch. Trong đó có 110 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch, bao gồm 01 quy hoạch tổng thể quốc gia, 01 quy hoạch không gian biển quốc gia, 01 quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 38 quy hoạch ngành cấp quốc gia, 06 quy hoạch vùng và 63 quy hoạch tỉnh và 11.305 quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn được lập theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, nông thôn.
Ngoài ra, số lượng quy hoạch sẽ giảm 97% từ 4.362 quy hoạch được lập cho cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh xuống còn 110 quy hoạch./.