Lưới điện Hà Nội cần 21.000 tỷ đồng giai đoạn 2011-2015
Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm của Hà Nội giai đoạn 2011-2015 là 12,7%/năm
Quy hoạch phát triển điện lực TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020 được Sở Công thương Hà Nội công bố cho biết: Trong giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư xây mới, cải tạo các công trình lưới điện có cấp điện áp từ 220 kV trở xuống là gần 21 nghìn tỷ đồng. Cụ thể: Vốn đã có trong kế hoạch là trên 6 nghìn tỷ đồng, cần bổ sung thêm khoảng 14 nghìn tỷ đồng nữa…
Theo dự báo trong Quy hoạch, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm của Hà Nội giai đoạn 2011-2015 là 12,7%/năm, trong đó: Công nghiệp – xây dựng tăng 13,6%/năm; nông - lâm - thủy sản tăng 5,8%/năm; thương mại – dịch vụ tăng 19,7%/năm; quản lý và tiêu dùng dân cư tăng 10,9%/năm; hoạt động khác tăng 14,9%/năm. Đến năm 2015, công suất cực đại là 3.220 MW, điện thương phẩm đạt 16.196 triệu kWh.
Đến giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng điện năng thương phẩm bình quân được dự báo giảm xuống còn 11,4%/năm. Dự báo, năm 2020, điện năng thương phẩm bình quân đầu người khoảng 3.488 kWh/người/năm.
Dự kiến đến năm 2015, tiềm năng năng lượng tái tạo mới và tái tạo trên địa bàn Hà Nội khoảng 632.450MWh từ các nguồn năng lượng mặt trời, rác thải và năng lượng khí sinh học.
Lưới điện 220kV-110kV trên địa bàn Hà Nội được thiết kế mạch vòng, mỗi trạm biến áp được cấp điện bằng hai đường dây bảo đảm độ tin cậy cung cấp điện theo tiêu chuẩn, bảo đảm độ dự phòng cho phát triển ở giai đoạn kế tiếp; ngầm hóa lưới điện trung thế của khu vực trung tâm từ Vành đai 4 đến trung tâm thành phố, các khu đô thị mới, khu công nghiệp, các xuất tuyến xây dựng mới sau trạm 110kV là cáp ngầm.
Phấn đấu đến năm 2015, toàn thành phố đạt tỷ lệ ngầm hóa 32%, riêng khu vực trung tâm đạt tỷ lệ từ 90% đến 100%; xây dựng mới 2.635km và cải tạo 1.027km đường dây hạ thế; lắp đặt mới 1.346.539 công tơ./.