Lương lãnh đạo Tập đoàn nhà nước: Cao hay thấp?
(VOV)-Sẽ bất hợp lý nếu hiệu quả làm việc của lãnh đạo tập đoàn không được lượng hóa bằng thông số cụ thể mà họ lại được trả lương… cao.
Giới truyền thông đang đưa tin về mức lương cơ bản rất cao của lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty… trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, vừa được công bố lên tới 36 triệu đồng/tháng, áp dụng từ 01/5/2013. Mức lương này sẽ khiến hàng triệu dân Việt Nam, trong đó có cả các cán bộ, lãnh đạo chủ chốt ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp… phát thèm, thậm chí ghen tị. Dĩ nhiên, người ta cũng có quyền chính đáng khi đòi hỏi hiệu quả lao động phải xứng đáng, rành mạch để hưởng mức lương đó.
Lương cơ bản tới 432 triệu đồng/năm
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 51/2013/NĐ-CP quy định chế độ tiền lương; thù lao, tiền thưởng đối với thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc, Kế toán trưởng trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu (gọi tắt là công ty).
Dư luận có quyền đòi hỏi sự phù hợp giữa lương cao và hiệu quả lao động của người nhận lương |
Theo đó, bảng mức lương cơ bản để xác định quỹ tiền lương của viên chức quản lý chuyên trách, quy định chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty chuyên trách ở Tập đoàn kinh tế có mức tiền lương là 36 triệu đồng/tháng (như vậy, sẽ là 432 triệu đồng/năm); Tổng giám đốc hoặc Giám đốc Tập đoàn kinh tế là 35 triệu đồng/tháng; Thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên chuyên trách, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó giám đốc của Tập đoàn kinh tế là 32 triệu đồng/tháng; Kế toán trưởng của Tập đoàn kinh tế hưởng lương 29 triệu đồng/tháng…
So ra, lương cơ bản của một Chủ tịch Tập đoàn Kinh tế gấp hơn 10 lần một viên chức.
Vẫn biết sự so sánh này là khập khiễng, nhất là khi so lương của một viên chức bình thường với một người đứng mũi chịu sào chèo lái cả một tập đoàn kinh tế. Các cụ vẫn có câu “một người lo bằng kho người làm”. Vậy nên, giá trị lao động của vị Chủ tịch hay Tổng Giám đốc tập đoàn kinh tế không thể chỉ nhẩm đếm bằng những con số thô sơ. Vì với trọng trách ấy, vị lãnh đạo này không chỉ lo ngồi cho xứng ghế, mà hơn cả phải là dùng trí lực của mình để cùng các cộng sự lo cho sự hưng thịnh của doanh nghiệp, và lo cho miếng cơm manh áo của hàng trăm, hàng nghìn lao động. Nếu doanh nghiệp này đứng vào hàng đầu tàu trong nền kinh tế của các tập đoàn, tổng công ty, giá trị lao động ấy cao hơn nhiều.
Lãng phí nguồn lực nếu không đo được hiệu quả
Trở lại mức tiền lương cơ bản của các vị lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty vừa được công bố. Nếu chỉ lấy 4 vị trong “tứ trụ” của một tập đoàn, tổng công ty được liệt kê tính lương “khủng” như Nghị định 51 nêu, tính ra mỗi tháng, riêng tiền lương cho 4 vị này là 132 triệu đồng, cả năm sẽ là 1,584 tỷ đồng. Con số tiền tỷ này, nếu so với số vốn, tiền lương của cả tập đoàn, tổng công ty, hẳn là cũng không phải quá lớn.
Vấn đề đặt ra là, với sự trả công đó, các vị lãnh đạo sẽ đáp trả như thế nào? Cách nào để đo đếm thành quả lao động của họ? Câu hỏi này không khó để trả lời bằng các căn cứ tính toán về tiền lương, nguyên tắc chi trả tiền lương đã nêu trong Nghị định 51 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Cách đây không lâu, khi trả lời báo chí liên quan đến vấn đề tiền lương của lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty… Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Đặng Như Lợi, cho rằng theo cơ chế hiện nay, chi phí tiền lương được quy định rất chặt chẽ, không ai hưởng cao hơn được, có cho cả đống tiền anh quản lý cũng không dám "ăn". Cái cần quan tâm là khoản chi hoạt động cho thành viên hội đồng quản trị ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như thế nào. Và, phải xem cán bộ quản lý có "ăn" vào chi phí sản xuất không. Nếu tiết kiệm được chi phí sản xuất thì bằng mấy quỹ lương vì quỹ lương chỉ chiếm 5-7%, cùng lắm là 10% chi phí sản xuất.
Rõ ràng, nếu quỹ lương chỉ chiếm 5-7% chi phí sản xuất, trong khi vốn hoạt động của tập đoàn, tổng công ty thường được nhắc đến con số hàng ngàn tỷ đồng, thì hẳn là cả năm trời, lương “tứ trụ” chiếm hơn 1,5 tỷ đồng cũng là hợp lý. Đặc biệt, sẽ là đáng đồng tiền bát gạo nếu nhờ sự quản lý, điều hành sáng tạo, hiệu quả thiết thực của lãnh đạo mà làm sinh lời ra hàng ngàn tỷ đồng, giải quyết việc, đảm bảo an sinh cho người lao động không ngừng tăng cả lượng và chất, đóng thuế cho Nhà nước ngày càng nhiều, sử dụng vốn ngân sách ngày càng ít đi...
Nếu vị lãnh đạo đó quản lý hiệu quả, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và đất nước, nhân dân sẵn sàng chấp nhận trả lương cao hơn, thậm chí ngang bằng với các nhà quản lý của nước ngoài.
Nhưng, mấy năm gần đây, giới truyền thông tốn không ít giấy mực, Quốc hội cũng mất không ít thời gian để bàn về hiệu quả của các tập đoàn, tổng công ty. Thực tế có không ít tập đoàn, tổng công ty làm ăn thua lỗ rất lớn, kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội. Trong các nguyên nhân gây thua lỗ, không thể phủ nhận là có phần do cách quản lý, điều hành của lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty.
Vậy nên, sẽ là thuận lòng dân nếu mức lương cơ bản tới 36 triệu đồng/tháng dành cho một vị lãnh đạo, nếu có cơ chế đánh giá hiệu quả làm việc của vị lãnh đạo đó một cách minh bạch, và lượng hóa được bằng lợi ích vật chất mang lại. Bởi lẽ, khi trả lương cao như vậy, Nhà nước đã thể hiện quan điểm khuyến khích người tài, trả công xứng đáng với lợi nhuận anh mang lại cho tổ chức. Tức là sự trả công này trên cơ sở lấy hiệu quả sản xuất kinh doanh làm đầu.
Do vậy, cùng với mức lương, cần có định kỳ để hạch toán chính xác, khoa học, công khai về hiệu quả lao động đó. Nhận lương “khủng”, vị lãnh đạo đó phải có sự “đặt cọc” bằng cả sinh mạng chính trị, sự còn-mất chức vị, cam kết bồi thường thiệt hại nếu quyết định anh ta đưa ra gây phương hại cho công ty, xã hội… Bằng không, cứ ngồi vào ghế lãnh đạo, nhận lương cao, rồi chỉ tay năm ngón, chờ hết tháng lĩnh lương, ngồi tại vị cho đủ nhiệm kỳ… sẽ là vô lối, lãng phí nguồn lực của đất nước./.