Lượng sức nếu muốn vào thị trường Hoa Kỳ

Những doanh nghiệp nhỏ, gia công là chủ yếu thì rất khó tìm được đối tác từ Hoa Kỳ vì đây là phương thức không phù hợp với thị trường này.  

Thị trường lớn, cạnh tranh khốc liệt

Có một điều dễ khẳng định: Hoa Kỳ là thị một trường rất lớn và rất quan trọng trên thế giới. Việc thâm nhập thị trường này luôn được các nước coi trọng và có những chiến lược khác nhau. Song, cũng vì là một thị trường lớn nên sự cạnh tranh càng diễn ra mạnh mẽ.

Trong những năm vừa qua, Hoa Kỳ liên tục là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam- Hoa Kỳ năm 2010 đạt hơn 18 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu 14 tỷ USD (chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam).

Dệt may chiếm 42,52% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ (Ảnh:internet)

Đứng đầu vẫn là dệt may, chiếm 42,52% (6 tỷ USD), tiếp theo là thủy sản, giầy dép, đồ gỗ, cà phê, dầu thô. Tuy nhiên, tỉ trọng xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm dưới 0,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng chủ yếu là hàng thô, hay các mặt hàng phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập nguyên phụ liệu và chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước như Trung Quốc, Ấn Độ…

Theo ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương, nhiều nước khác có quan hệ làm ăn với Hoa Kỳ từ rất lâu, trong khi Việt Nam mới thực sự buôn bán bình thường từ năm 2001 khi có Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA). Những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh cũng bị cạnh tranh rất lớn từ những nước đang chiếm tỉ trọng lớn xuất khẩu vào Hoa Kỳ, như Trung Quốc (năm 2010, Trung Quốc xuất vào thị trường này trên 300 tỷ USD).

Thực tế cũng cho thấy, do quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, chất lượng hàng hóa chưa đồng đều, các doanh nghiệp Việt Nam thường phải xuất khẩu qua đối tác trung gian, rất khó xuất khẩu trực tiếp.

Ông Nguyễn Duy Khiên cho rằng, những doanh nghiệp Hoa Kỳ vào làm ăn tại Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp lớn. Họ muốn tìm đối tác lớn, ổn định về số lượng và chất lượng sản phẩm, đảm bảo thời gian giao hàng trong khi doanh nghiệp Việt Nam lại chưa thể đáp ứng được điều này.

Vị chuyên gia từng có thời gian 5 năm làm Tham tán Thương mại tại Hoa Kỳ chia sẻ, có những doanh nghiệp Hoa Kỳ hàng năm nhập rất nhiều hạt tiêu và mặc dù đánh giá cao hạt tiêu Việt Nam nhưng lại chưa bao giờ trực tiếp nhập. Bởi lẽ, các doanh nghiệp Việt Nam còn làm manh mún, chất lượng chưa đồng đều và không đảm bảo ổn định nguồn cung cho họ, do vậy doanh nghiệp đó thường làm ăn với đối tác trung gian.

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam còn phụ thuộc vào gia công là chính. Theo ông Khiên, phương thức này không phù hợp với thị trường Hoa Kỳ và rất khó tìm được đối tác trực tiếp vì các doanh nghiệp Hoa Kỳ không tổ chức gia công.

Cần lượng sức mình

Là một đất nước đông dân, đa chủng tộc, thu nhập cao (hơn 47.000 USD/người/năm) và GDP năm 2010 khoảng 14.200 tỷ USD, Hoa Kỳ thực sự là một thị trường đầy tiềm năng. Việc thu hẹp sản xuất đang gia tăng (cơ cấu thương mại dịch vụ chiếm hơn 70%) đồng nghĩa với việc nước này phải tăng cường nhập khẩu. Hơn nữa, Hoa Kỳ có xu hướng đa dạng nguồn cung nhằm phòng tránh rủi ro, tạo cơ hội cho Việt Nam có thể là thị trường được nhắm đến.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Khiên, muốn thâm nhập thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải chọn phân khúc thị trường, xác định các sản phẩm có thể cạnh tranh. Theo đó, thị trường Hoa Kỳ có yêu cầu chất lượng từ thấp đến cao và theo kinh nghiệm của những doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn tại thị trường này, Việt Nam có thể chọn phân khúc từ trung bình khá cho đến khá.

Đơn cử, nếu chọn mặt hàng cao cấp thì giày dép khó cạnh tranh với Italy, nếu chọn rẻ, số lượng lớn cũng khó so sánh được với Trung Quốc. Với những doanh nghiệp chỉ có thể làm gia công, theo ông Khiên “nếu cố gắng chọn đối tác Hoa Kỳ thì chỉ lãng phí thời gian và tiền bạc”.

Các doanh nghiệp nhỏ nên liên kết với nhau để nâng cao năng lực sản xuất (Ảnh:internet)

Do đó, tùy theo năng lực, các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên liên kết với nhau hoặc hợp tác với doanh nghiệp lớn của Việt Nam để hội tụ khả năng xuất hàng vào Hoa Kỳ. Ông Khiên cho biết, số doanh nghiệp về da giày ở Hoa Kỳ không nhiều và nếu doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các điều kiện cần thiết thì đối tác nước này sẽ tự tìm đến, còn hiện tại, chúng ta vẫn còn yếu về khâu mẫu mã, nguyên phụ liệu…

Ông Khiên cũng nêu một thực trạng là có những doanh nghiệp Việt Nam làm không hết đơn hàng từ Hoa Kỳ nhưng nhiều doanh nghiệp lại không tìm được đối tác. Vị chuyên gia này cũng thắc mắc: “Tại sao các doanh nghiệp Việt Nam làm gia công cho nước ngoài thì rất tốt, trong khi hợp tác trong nước với nhau thì không được? Điều này khó lý giải và đang làm giảm đi những lợi thế vốn có của các doanh nghiệp”.

Thâm nhập thị trường lớn như Hoa Kỳ rõ ràng là điều rất khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam đa phần là nhỏ và vừa, chưa đủ tầm và độ tin cậy để tìm kiếm đối tác. Chính phủ cũng mong muốn các tập đoàn, tổng công ty có thể làm đầu tàu dẫn dắt các doanh nghiệp này, tuy nhiên, vai trò đó chưa phát huy được nhiều trong thời gian qua.

Ngoài ra, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn trong việc sử dụng các kênh tiếp cận thị trường. Doanh nghiệp có thể tham gia các hội chợ, triển lãm uy tín để từ đó giới thiệu năng lực sản xuất của mình cho các đối tác. Hay tham gia tích cực các sàn thương mại điện tử vì ít tốn kém và thuận lợi cho đối tác, đặt biệt là đối tác ở những nước phát triển như Hoa Kỳ tiếp cận, tìm hiểu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên