“Mạch máu” logistics ĐBSCL cần được khơi thông
VOV.VN - Cần các giải pháp kịp thời, hiệu quả để nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển và chuỗi logictics, từ đó tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL.
ĐBSCL - vùng kinh tế trọng điểm đóng góp vào xuất khẩu cả nước khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây. Với tổng chiều dài đường thủy lên tới khoảng 15.000 km nhưng hệ thống logistics ở khu vực này hiện nay vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Hiện nay, phần lớn các dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ chứ chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận tải nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao.
Là doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu hàng nông sản, trong đó đang sản xuất hơn 500 ha chuối xuất khẩu sang các thị trường Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc... ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (Đức Huệ, Long An) khá lo lắng về chi phí logistics. Ông Huy chia sẻ, chi phí logistics chiếm khoảng 30% chi phí sau thu hoạch. Nếu như năm ngoái cùng thời điểm hiện tại, chi phí cho 1 container vào khoảng 2.000 USD thì đến nay chi phí đã gấp hơn 3 lần, tức vào khoảng 6.000 - 7.000 USD bao gồm cả một số dịch vụ.
“Chi phí logistics tăng quá cao khiến người nông dân sản xuất các mặt hàng nông sản phải chịu nhiều áp lực nhất và cuối cùng những chi phí này đều đổ lên giá nông sản. DN có 2 mảng vừa sản xuất và kinh doanh nhưng mảng sản xuất vẫn chịu nhiều khó khăn nhất. DN kiến nghị đối với Chính phủ về quy hoạch, thứ hai là kêu gọi đầu tư (cảng biển và logistics) và thứ 3 là có ý kiến đối với các hãng tàu vận chuyển”, ông Huy cho biết.
Thống kê hàng năm, khoảng hơn 70% hàng hóa tại ĐBSCL được vận chuyển bằng đường bộ chủ yếu để đến các cảng khu vực TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu để xuất khẩu. Những năm qua, hạ tầng đường bộ được xem là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của vùng và nhận được sự quan tâm đầu tư quyết liệt của Chính phủ.
Trong khi đó, giao thông đường thủy nội địa đóng vai trò then chốt nhưng thiếu đầu tư trầm trọng. Ngân sách đầu tư cho đường thủy nội địa giảm từ 2 - 3% tổng ngân sách đầu tư giao thông giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn 1,2% trong giai đoạn 2016 - 2020. Do đó, dù ĐBSCL có nhiều lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển giao thông đường thủy nhưng hiện nay vận tải thủy nội địa chỉ đóng vai trò tập kết, thu gom hàng hóa với quy mô còn rất hạn chế.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% so với GDP; trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Hiện nay, ĐBSCL hàng năm có nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu khoảng 18 triệu tấn hàng hóa. Tuy nhiên, vùng còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng… Do đó, hàng hóa phải vận chuyển qua nhiều địa điểm và phần lớn lượng hàng hóa này phải chuyển tải về các cảng lớn ở TPHCM và cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu), khiến chi phí vận tải DN phải gánh cao hơn từ 10 – 40% tùy từng tuyến.
Thực tế diễn ra tại ĐBSCL còn cho thấy, phần lớn các dịch vụ logistics chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ chứ chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau giữa các phương thức vận tải nên thường gây ra chậm trễ, chi phí phát sinh cao. Các DN logistics hoạt động tại ĐBSCL mới chỉ dừng lại ở việc giao nhận vận tải, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, vận chuyển nội địa, gom hàng lẻ chứ chưa thể tích hợp, tổ chức và liên kết các hoạt động trong chuỗi logistics.
Nhiều chuyên gia kinh tế đã dự báo, tốc độ tăng trưởng vận tải hàng hóa đến năm 2030 từ 5,7 - 7,7%/năm; tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách của vùng ĐBSCL tăng bình quân từ 5,7 - 7% trong giai đoạn 2019-2030. Chính vì vậy, để phát triển lâu dài cần phải có giải pháp đồng bộ và rất cần những giải pháp mang tính đột phá mới.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho rằng, trong tương lai với nhu cầu về lương thực thực phẩm phát triển; các hiệp định thương mại mà Việt Nam đang có lợi thế phát huy, nhu cầu vận chuyển hàng hóa sẽ càng lớn hơn.
“Điều này làm cho áp lực về vận tải, logistics và cảng biển càng lớn. Do hạn chế của hạ tầng giao thông ĐBSCL khiến logistics chưa được nhiều DN trong ngành quan tâm. Bởi lẽ, đầu tư với hạ tầng đang còn yếu thì các DN không có tỉ suất lợi nhuận cao. Điều này chỉ ra mặc dù là nhược điểm, hạn chế của ĐBSCL nhưng lại là cơ hội mới cho ngành logistics”, ông Lam chỉ ra.
Để đáp ứng với sự mở rộng và phát triển thị trường xuất nhập khẩu, vùng ĐBSCL có nhu cầu cấp thiết đối với sự phát triển ngành dịch vụ logistics, nhằm hướng đến phục vụ hàng nông thủy sản của toàn vùng, với những dịch vụ logistics chủ yếu như vận tải, kho hàng, bảo quản hàng hóa và các dịch vụ giá trị gia tăng. Cụ thể như dịch vụ kho lạnh, chiếu xạ, hấp nhiệt đối với mặt hàng trái cây để đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu cũng như hàng phân phối cho nhu cầu tiêu dùng nội địa.
PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam cho rằng, các địa phương khu vực ĐBSCL, nhất là Cần Thơ cần có quyết tâm hơn trong việc hình thành một trung tâm logistics của vùng. Trong đó, cần có thêm nghiên cứu, đánh giá nhu cầu sử dụng logistics ở khu vực này ở từng mặt hàng cần những dịch vụ cụ thể nào để khi xây dựng trung tâm logistics phù hợp với đặc trưng, nhu cầu những mặt hàng của các địa phương. Mặt khác, để đảm bảo chất lượng hàng hóa vùng ĐBSCL phục vụ xuất khẩu, ngoài việc phát triển hạ tầng giao thông vận tải, cần chú trọng đến phát triển hạ tầng các trung tâm kho bãi, các dịch vụ, nguồn nhân lực logistics.
PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa cũng khuyến nghị đơn vị xuất khẩu nông, thủy sản cần quan tâm các phương án dịch vụ logistics để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất. Đối với đơn vị cung cấp dịch vụ logistics cần liên kết với các đơn vị để tạo chuỗi dịch vụ tại ĐBSCL. Đối với cơ quan quản lý cần chú trọng quy hoạch mạng lưới hạ tầng logistics và đầu tư hạ tầng cho khu vực, đặc biệt hạ tầng vận tải thủy nội địa - hạ tầng trung tâm logistics.
“Đối với cơ quan quản lý nhà nước cần chú trọng quy hoạch mạng lưới hạ tầng logistics bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm (ICT, nhân lực... ); đồng thời chú trọng hạ tầng rất quan trọng là hạ tầng hàng không. Từ đó có thể đưa những mặt hàng ở ĐBSCL để xuất khẩu trực tiếp, thay vì phải đổ về TPHCM; đồng thời kết nối hạ tầng cho các tuyến luồng hàng hóa để phục vụ cho việc xuất nông sản ở khu vực này cũng như vấn đề nguồn nhân lực cũng như liên kết vùng”, PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa nêu rõ.
Việc phát triển cảng biển và dịch vụ logistics của khu vực ĐBSCL sẽ là động lực để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nói riêng và kinh tế vùng nói chung. Vấn đề đặt cho cả vùng là rất cần các giải pháp kịp thời, hiệu quả để nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển và chuỗi logictics, từ đó tạo động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL.
Nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định logistics được ví như “mạch máu” của ĐBSCL. Tuy nhiên, “mạch máu” này đang có nhiều điểm nghẽn cần những cơ chế, chính sách tổng thể, dài hạn mới giúp khơi thông dòng chảy kinh tế./.