MEDEF Il-de-France tổ chức hội thảo về cơ hội làm ăn tại Việt Nam
VOV.VN - MEDEF Il-de-France viết tắt của Hiệp hội Các doanh nghiệp vùng Il-de-France của Pháp đã tổ chức hội thảo về xúc tiến đầu tư tại Việt Nam.
Sáng 4/5 tại Paris, Ban chấp hành Hiệp hội Các doanh nghiệp vùng Il-de-France của Pháp (MEDEF Il-de-France) đã tổ chức hội thảo bàn tròn với chủ đề: "Làm thế nào để khu vực hợp tác quốc tế của bạn thành công ở Việt Nam". Tham dự hội thảo có Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn; Chủ tịch MEDEF Il-de-France Eric Berger; Chủ tịch Ban Quốc tế MEDEF Il-de-France Michel Jonqueres cùng lãnh đạo các cơ quan đại diện Thương mại, Xúc tiến Đầu tư Việt Nam tại Pháp và lãnh đạo nhiều doanh nghiệp Pháp và Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Ban Quốc tế MEDEF Il-de-France Michel Jonqueres cảm ơn sự hiện diện của Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn, các khách mời Việt Nam và Pháp. Giới thiệu về MEDEF Il-de-France như người đại diện của hàng ngàn doanh nghiệp vùng Il-de-France (khu vực quan trọng bậc nhất của Pháp quanh thủ đô Paris), hoạt động trong mọi lĩnh vực. Về mối quan hệ với Việt Nam, ông nhấn mạnh hai bên có tiềm năng rất lớn, nhưng chưa được khai thác tích cực.
MEDEF Il-de-France tổ chức hội thảo về cơ hội làm ăn tại Việt Nam. |
Năm 2016, xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam chỉ đạt khoảng 1,7 tỷ Euro (1% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam). Với tốc độ tăng trưởng trên 6% hàng năm, GDP của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong vòng một thập kỷ tới. Và với kim ngạch xuất nhập khẩu tương đương 4/5 GDP, Việt Nam là một thị trường lớn và là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Pháp.
Hiện, MEDEF Il-de-France rất nỗ lực trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế, và Việt Nam là một trong những điểm quan tâm tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việc tổ chức hội thảo này nằm trong khuôn khổ của việc tạo điều kiện giao lưu, tìm kiếm cơ hội làm ăn giữa các thành viên của MEDEF Il-de-France với các đối tác Việt Nam, như đúng với chủ đề của nó.
Về phần mình, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn nêu tổng quan sự phát triển của mối quan hệ Việt - Pháp và nhấn mạnh đến quan hệ kinh tế-thương mại, khi hai bên đã nâng cấp quan hệ lên tầm "đối tác chiến lược" từ tháng 9/2013. Ông cho biết Pháp hiện là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu. Tuy nhiên, mức độ hợp tác, trao đổi kinh tế thương mại vẫn chưa xứng tầm với quan hệ truyền thống và những điều kiện thuận lợi khác. Pháp chỉ đứng thứ ba về đầu tư vào Việt Nam, sau Anh và Hà Lan. Pháp cũng chỉ là bạn hàng thứ 15 và nước xuất khẩu thứ 13 vào Việt Nam. Trong số các nước châu Âu, thị phần của Pháp tại Việt Nam khá khiêm tốn, đứng sau Đức và Italia.
Trong chiến lược thúc đẩy mối quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai bên, việc thúc đẩy sự hợp tác năng động của các khu vực là rất quan trọng và thiết thực. Ông bày tỏ niềm vui khi hội thảo này được tổ chức và bày tỏ hy vọng hội thảo sẽ góp phần đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ, hợp tác giữa MEDEF Il-de-France với các đối tác Việt Nam.
"Chúng tôi đánh giá cao hình thức gặp gỡ này, để chúng ta có thể trao đổi, tranh luận một cách thẳng thắn, rõ ràng về tình hình Việt Nam, về những cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. Xin chúc hội thảo thành công. Tôi hy vọng những hoạt động như việc tổ chức cuộc gặp gỡ hôm nay, mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa 2 nước sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới", Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn nói.
Bí quyết sở hữu tài sản “khủng” của những triệu phú từng gặp thất bại
Tiếp đó, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Pháp, và ông Lê Công Thanh, Tham tán phụ trách đầu tư Việt Nam tại Pháp đã lên giới thiệu tổng quan về quan hệ kinh tế thương mại Việt-Pháp. Theo ước tính, hiện nay có 300 doanh nghiệp Pháp đang hoạt động tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 3,4 tỷ Euro, tạo khoảng 26.000 việc làm. Trong số đó có 130 dự án trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp công nghiệp, 104 dự án khoa học, công nghệ, 64 dự án liên quan đến thông tin và truyền thông; 24 dự án về nhà hàng, khách sạn.
Về môi trường đầu tư tại Việt Nam, các đại diện nhấn mạnh: Hiện nay, Việt Nam hội tụ những điều kiện thuận lợi, ngày càng hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài, như: tình hình chính trị ổn định, an ninh được bảm đảm, nguồn nhân lực trẻ, năng động, thị trường nội địa lớn; tăng trưởng tích cực, bền vững... Luật đầu tư 2014 với nhiều ưu đãi trong hành lang pháp lý, tạo điều kiện cấp phép, chế độ thuế doanh nghiệp...
Hiện nay, Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, có sức cạnh tranh cao, công nghệ tiên tiến, bảo vệ môi trường; các chương trình giáo dục đào tạo chất lượng cao, các dự án y tế, công nghệ thông tin và công nghệ sinh học. Mục tiêu này nằm trong thế mạnh và phù hợp với các nhà đầu tư Pháp. Các đại diện thương mại và Đầu tư của Việt Nam cũng lưu ý đến sự phát triển chưa xứng tầm của mối quan hệ kinh tế song phương, đến việc nhiều doanh nghiệp có tiếng của Pháp chưa tận dụng cơ hội để thâm nhập thị trường Việt Nam.
Tại cuộc hội thảo, đại diện một số doanh nghiệp Pháp như tập đoàn xây dựng Vinci; hãng hóa chất và thiết bị y tế VWR; luật sư Nga Nguyen-Baud của đoàn luật sư Paris...đã chia sẻ kinh nghiệm hoạt động tại Việt Nam. Bà Aurélia Saulnier, đại diện của VWR nhận định thị trường Việt Nam năng động và hấp dẫn, nhưng các doanh nghiệp nên tranh thủ các công cụ hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài của Pháp, đồng thời thích nghi với thực tế địa phương./.