Miễn thuế doanh nghiệp, giải pháp được mong chờ năm 2012?
Theo chuyên gia kinh tế, trong quí 1/2012, doanh nghiệp phá sản gia tăng, làm ăn thua lỗ nên giải pháp đầu tiên được đưa ra hỗ trợ doanh nghiệp là miễn thuế.
Giãn, hoãn, giảm hay miễn thuế cho doanh nghiệp trong tình hình hiện nay là bài toán được các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế-tài chính nghĩ đến trong tình hình hiện nay.
Nên miễn thuế DN năm 2012
Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 14/3, và Ngân hàng Thế giới (WB), trong năm 2011 cả nước có 79.014 doanh nghiệp giải thể. Theo dữ liệu của Tổng cục Thuế, trong số hơn 600.000 doanh nghiệp đã được cấp phép đăng ký kinh doanh, chỉ có hơn 400.000 doanh nghiệp hiện vẫn còn đóng thuế. Điều này cho thấy, con số hơn 79.000 doanh nghiệp giải thể do VCCI và WB đưa ra chỉ là những doanh nghiệp có làm thủ tục giải thể, được chính thức ghi nhận. Hơn 120.000 doanh nghiệp còn lại có thể cũng đã giải thể, hoặc chưa đi vào hoạt động hay đã ngừng hoạt động...
VCCI cho biết, trung bình những năm qua, mỗi năm có khoảng 5.000-7.000 doanh nghiệp phá sản/giải thể, tức thấp hơn năm 2011 khoảng 8 lần. Tuy nhiên, tốc độ tăng của năm 2011 vẫn chưa phải là ghê gớm nếu so với những tháng đầu năm 2012.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, có 169 doanh nghiệp đã làm thủ tục phá sản trong 2 tháng đầu năm tại Hà Nội, cao gấp 4,3 lần cùng kỳ năm 2011. Tại TP.HCM, số liệu từ Cục Thuế cho biết, trong 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp xin giải thể hoặc ngưng hoạt động lên tới hơn 3.000, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều DN đã lâm vào tình trạng đình đốn, thiếu vốn, tồn kho nhiều, sức mua kém, không có đầu ra, không vốn lưu động, nợ đến hạn quá nhiều, không khả năng vay vốn mới, không còn tài sản để thể chấp, không có dự án mới khả thi.
Trước thực trạng này, TS Cấn Văn Lực – Cố vấn cao cấp của Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho rằng: “Bây giờ không phải là lúc chúng ta tính đến chuyện giảm thuế, vì DN có lãi đâu mà tính thuế. Vì vậy, phải miễn thuế cho DN”.
Trong 4 tháng đầu năm, tình hình vẫn đang nổi lên những khó khăn, thách thức: Tăng trưởng kinh tế quý I chỉ đạt 4%, thấp hơn so cùng kỳ và quý IV năm 2011. Lãi suất tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế. Sản xuất công nghiệp tăng chậm, lượng tiêu thụ giảm, tồn kho lớn.
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành khẳng định, trong lúc này Chính phủ cần nghĩ ngay tới tạm dừng việc thu các loại phí mới và sẽ phát sinh với mục tiêu tăng thu cho ngân sách nhà nước như phí bảo trì đường bộ (đã ban hành), phí hạn chế phương tiện (đang đề xuất)... Các DN đang sống “thoi thóp”, không nên bồi thêm các loại phí để... DN chết hẳn và chết nhanh hơn.
Ông Thành cũng cho rằng, Nhà nước nên mạnh dạn miễn thuế GTGT, thuế thu nhập DN cho các DN trong năm 2012 để kích thích tiêu dùng, đặc biệt là tiêu dùng cho sản xuất và giúp các DN bảo toàn vốn chủ sở hữu.
Hôm đầu tháng 4, Bộ trưởng Bô Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, Bộ này đã có kế hoạch thành lập tổ công tác đặc biệt để điều tra kỹ lưỡng những vướng mắc của DN để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Cộng đồng DN đang trông chờ vào những quyết sách chiến lược của các cơ quan quản lý để vượt qua cơn bĩ cực này.
Xem xét lại các chính sách thuế
Theo TSKH Nguyễn Mại, chính sách thuế đã bộc lộ những nhược điểm lớn, trở thành lực cản đối với tích tụ vốn, hoạt động kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dân doanh. Chính vì thế, chính sách thuế cần được đổi mới theo quan điểm “khoan sức dân”, giảm tỷ lệ động viên của ngân sách Nhà nước, tăng tích tụ vốn để doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh. Theo đó, xây dựng hệ thống thuế mới từ thuế trị giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu, đến thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, nghiên cứu để Nhà nước tăng thu một số khoản đang bị thất thoát nghiêm trọng như đất đai, tài nguyên thiên nhiên, trốn thuế, lậu thuế.
Nhìn từ sự tác động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, TS Bùi Liên Hà – Đại học Ngoại thương cho rằng, hiện vẫn tồn tại nhiều bất cập cần tiếp tục tháo gỡ. Thuế suất thu nhập doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá cao trong tương quan với thuế thu nhập doanh nghiệp của nhiều quốc gia. Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam chưa thực sự khuyến khích để tạo được bước đột phá về năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, bởi lẽ so với mức thuế suất bình quân của các nước trên thế giới là gần 27% năm 2007, 26% năm 2008, các nước OECD là 26,7% năm 2008, các nước EU là trên 23%, thì mức thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam ở mức cao hơn hoặc ngang bằng với các quốc gia và vùng lãnh thổ có trình độ phát triển hơn. Thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam cao hơn mức 18% của Singapore và bằng mức 25% của Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan... Trong khi đó, doanh nghiệp của các quốc gia và vùng lãnh thổ này đều có năng lực cạnh tranh cao hơn doanh nghiệp Việt Nam và vẫn đang tiếp tục lộ trình cắt giảm thuế với mức cắt giảm nhanh hơn.
Bên cạnh đó, theo TS Liên Hà, còn rất nhiều quy định không rõ ràng có thể dẫn đến tình trạng bất bình đẳng trong nghĩa vụ thuế giữa các doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp như: quy định về mức tiêu hao hợp lý, quy định về khấu hao tài sản cố định... Các quy định mang tính “mở” như “thu nhập khác” trong thu nhập chịu thuế đã đẩy rủi ro sang phía doanh nghiệp và tạo ra sự không minh bạch trong việc giải thích thu nhập nào bị đánh thuế, thu nhập nào không bị đánh thuế. Thứ nữa, thủ tục để được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp còn quá nhiều phức tạp đã gây khó khăn cho doanh nghiệp khi kê khai và chứng minh. Doanh nghiệp phải mất khá nhiều thời gian và chi phí mới được hưởng ưu đãi.
Theo TSKH Nguyễn Mại, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, trước hết cần đổi mới toàn diện chính sách kinh tế, trong đó trước tiên phải là chính sách thuế. Chính sách này hãy tập trung vào việc chống thất thu từ đất đai, bất động sản, khoáng sản… “Giảm huy động thuế vào ngân sách để DN có điều kiện đầu tư vào quảng bá, xây dựng thương hiệu, marketing…”- TS Nguyễn Mại nói./.