Môi trường đầu tư của Việt Nam được cải thiện
VOV.VN -Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân đạt hơn 13,2 tỷ USD trong năm nay, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2015, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân đạt hơn 13,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ. Đây là một sự đảo chiều ngoạn mục trong dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam.
Kết quả giải ngân nói trên rất đáng ghi nhận, bởi trong nhiều năm qua chưa có năm nào mức giải ngân vốn FDI vượt con số 12 tỷ USD. Ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài chủ động tìm đến Việt Nam như một điểm hẹn hấp dẫn, có khả năng thu được lợi nhuận.
Đơn cử, hiện có 70% số doanh nghiệp (DN) Nhật Bản cho biết sẵn sàng đầu tư lâu dài ở Việt Nam, đặc biệt cứ 4 DN sau khi rời khỏi thị trường Trung Quốc đều có ý định tái lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam vì tìm thấy sự an toàn, vì sự bảo đảm về chính trị, môi trường đầu tư - kinh doanh.
Hà Nam lọt vào top thu hút nhiều doanh nghiệp FDI |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/11/2015 cả nước có 1.855 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 13,55 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2014. Có 692 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 6,66 tỷ USD, tăng 70,1% so với cùng kỳ năm 2014. Kết quả giải ngân vốn FDI tăng rất cao, đạt hơn 13,2 tỷ USD, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều triển vọng trong năm 2016
Các chuyên gia nhận định, tình hình và diễn biến phát triển kinh tế Việt Nam năm 2016 sẽ có nhiều triển vọng. Việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ tạo ra sức hấp dẫn mạnh mẽ như một “cú hích” đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, khi các nhà đầu tư chủ động xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam nhằm sản xuất và xuất khẩu hàng sang nước thứ 3 để được hưởng thuế suất thấp.
Bangkok Post: Việt Nam đạt kỷ lục về giải ngân vốn FDI
Khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đã và đang khẳng định rõ vai trò, tầm quan trọng cũng như sự đóng góp vào công cuộc phát triển KT-XH Việt Nam. Tuy nhiên, làm sao để khu vực này phát huy được thế mạnh nhiều hơn nữa, nhất là trong việc chuyển giao công nghệ, sức lan tỏa và liên kết với DN nội địa nhằm nâng cao quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế là vấn đề đặt ra.
Dự đoán xu hướng dịch chuyển dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam sẽ tiếp diễn mạnh mẽ, tạo ra cơ hội tốt cho DN trong nước đầu tư, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó chủ yếu nhờ vào sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ để đảm nhận chức năng là nhà cung cấp linh kiện, chi tiết cho nhà đầu tư nước ngoài./.