Một đồng ngân sách cũng phải do Quốc hội quyết

(VOV) -Nhưng nếu là ngân sách địa phương thì đến 1.000 đồng cũng phải do địa phương quyết.

Điều 75 dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quy định: Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: Quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, quy định; sửa đổi bãi bỏ các sắc thuế; quyết định nguyên tắc phân chia các khoan thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toán và phân bổ ngân sách trung ương; phê chuẩn quyết toán ngân sách trung ương; xem xét báo cáo tổng hợp dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước.

Theo quan điểm của ông Vũ Viết Ngoạn (Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội), việc Quốc hội quyết định chính sách tài chính tiền tệ quốc gia là đúng và hợp lý, nhưng phạm vi đến đâu thì chưa rõ. Quốc hội quyết định chính sách và Chính phủ là cơ quan thực hiện. Vậy việc thực hiện thì luật định thế nào. “Quốc hội quyết định nhưng mới chỉ là chỉ tiêu lạm phát thôi. Bên cạnh đó, còn có hàng loạt chính sách khác liên quan như tỷ giá, tiền tệ, lãi suất… mà Quốc hội không thể can thiệp. Nếu xác định rõ và nhìn vào tính thực tiễn thì nên qui định rõ, Quốc hội quyết định các mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách phát triển kinh tế xã hội lớn và quyết định vấn đề phân bổ, quyết toán NS”. 

Chia sẻ ý kiến về vấn đề này, ông Trần Du Lịch cho rằng: Lần sửa đổi này chúng ta đã tách bạch được 2 loại là ngân sách quốc gia và địa phương. Phần địa phương phải đi cùng tự quản địa phương. NSQG gồm 2 phần: ngân sách trung ương (NSTW) và NSTW trợ cấp cho địa phương. Hai cái cộng lại là NS quốc gia do Quốc hội quyết định. Còn cái gì là NS địa phương thì do chính quyền địa phương quyết định, Quốc hội không can thiệp. Gắn liền với đó là chính quyền trung ương không bao cấp địa phương thông qua tiền mà bao cấp nhiệm vụ. Tỉnh nào nghèo thì Trung ương lo, anh nào khá hơn một chút thì tự lo một phần…  Cái gì một đồng do trung ương trợ cấp là quốc gia phải quyết, còn cái gì 1.000 đồng thuộc địa phương thì anh tự quyết. Chúng ta phải rạch ròi, NS quốc gia là ngân sách chi tiêu cho chính quyền trung ương cộng phần trung ương trợ cấp cho các địa phương do Quốc hội quyết từng đồng một. Còn lại theo luật là ngân sách địa phương do chính quyền địa phương tự quản. Chính phủ có nhiệm vụ quản lý chính quyền địa phương, thanh tra, kiểm tra địa phương.

Cùng chung quan điểm này,  PGS. TS Đặng Văn Thanh, cho rằng, Quốc hội quyết định chính sách tài chính quốc gia và chính sách tiền tệ quốc gia là hoàn toàn phù hợp. Tài chính quốc gia và tiền tệ quốc gia là công cụ quản lý và điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Vai trò của tài chính quốc gia, tiền tệ quốc gia trong nền kinh tế thị trường thể hiện ở hai mặt: Việc xem xét chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia: cần làm rõ những vấn đề của chính sách tài chính, chính sách tiền tệ quốc gia thuộc thẩm quyền của Quốc hội; những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Ngân hàng nhà nước.

Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, cần xem xét đến vị trí độc lập (tương đối) của Ngân hàng nhà nước (NHTW). Trước hết, cần có quy định về Ngân hàng Trung ương hoặc Ngân hàng Trung tâm với chức năng, quyền hạn đủ đảm bảo độc lập trong điều hành chính sách tiền tệ. Các cơ chế quản lý và kiểm soát các khoản vay nợ nước ngoài và chi tiêu ngoài ngân sách nhà nước cần phải được thiết lập. Chính phủ không nên vay hoặc bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn nước ngoài. Cần có chế định tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của cơ quan dân cử, của báo chí, công luận, vai trò của kiểm toán nhà nước trong quản lý tài sản, ngân quỹ quốc gia. Tăng cường và đa dạng hóa các kênh thông tin, đặc biệt là thông tin cho cơ quan dân cử, giúp làm rõ tác động chính sách, tác động của mối quyết định ngân sách, quyết định đầu tư.

Chính vì vậy, theo ông Thanh, quy định tại Điều 75 cần ghi rõ hơn: Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn: Quyết định chính sách tài chính quốc gia và quyết định chính sách tiền tệ nhà nước.

Phân tích về Khoản 4 Điều 75 quy định nhiệm vụ và quyền của Quốc hội trong quyết định ngân sách nhà nước, theo ông Thanh, là hoàn toàn khác so với quy định của Hiến pháp 1992, các hiến pháp trước đó và quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật tổ chức Quốc hội, Hội đồng nhân dân hiện hành. Đây là sự sửa đổi khá căn bản theo quan điểm và tư duy mới về quản lí tài chính, ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, chế định này vừa không chính xác, không phù hợp thể chế và nguyên tắc quản lý‎ của Nhà nước Việt Nam.

Theo quan điểm của ông Thanh, tài chính nhà nước và ngân sách nhà nước phải được quyết định và quản lý‎ theo nguyên tắc thống nhất, chứ không chia cắt về quyền lực quyết định. Quyết định ngân sách nhà nước là thẩm quyền của Quốc hội, chứ Quốc hội không chỉ quyết định ngân sách Trung ương.  Để đảm bảo nguyên tắc phân cấp, phân quyền trong quản lý‎ ngân sách nhà nước, Hiến pháp chế định việc phân bổ ngân sách Trung ương thuộc thẩm quyền của Quốc hội, việc phân bổ ngân sách Địa phương thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân các cấp. Hội đồng nhân dân các cấp có thẩm quyền quyết định dự toán ngân sách địa phương trong tổng thể ngân sách nhà nước, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương. Quyết toán ngân sách địa phương đã được Hội đồng nhân dân phê chuẩn là căn cứ để Quốc hội xem xét và phê chuân Ngân sách Nhà nước (bao gồm cả Ngân sách Trung ương).

Chế định tại Điều 75 vi phạm nguyên tắc: Nhà nước Việt Nam là thống nhất, Tài chính nhà nước và ngân sách nhà nước là thống nhất trong quản lý, Quốc hội và Đại biểu Quốc hội là của cả nước, đại diện cho cử tri cả nước, chứ không phải chỉ ở Trung ương... Vì vậy, Qu‎yết định dự toán ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán nhà nước phải thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Về chế định hoạt động tài chính, ngân sách nhà nước

Theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, cần làm rõ, hệ thống tài chính Việt Nam gồm: tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư.

Tài chính nhà nước thực chất mang tính chính trị. Tài chính nhà nước được coi là một công cụ ưu tiên trong việc phân tích và tạo lập các xã hội có tổ chức và đưa ra phương thức hoạt động mới. Quyết định chính sách tài chính quốc gia, chính sách tiền tệ quốc gia, chính sách tài khóa, quyết định ngân sách nhà nước luôn luôn thuộc thẩm quyền, thuộc nghĩa vụ và quyền hạn của cơ quan quyền lực cao nhất của các quốc gia, dù nhà nước đó có thể chế chính trị và tính chất của nhà nước như thế nào. Công khai, minh bạch, kiểm tra, kiểm soát và trách nhiệm là những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện phương thức quản lý mới trong tài chính hướng tới mục tiêu quản lý tốt thu chi ngân sách, ngân quỹ nhà nước.

Về các quy định liên quan đến tài chính quốc gia, tài chính nhà nước và thẩm quyền của Quốc hội, Hội đồng nhân dân về Tài chính, ngân sách và tiền tệ được qui định tại Điều 59 theo ông Đặng Văn Thanh, “vừa không đầy đủ, không hoàn toàn chính xác về khái niệm và nội hàm của các khái niệm về tài chính”.

Ông Thanh giải thích: Tài chính không chỉ có nhiệm vụ nuôi dưỡng, phát triển, khai thác các nguồn lực; thúc đẩy, duy trì tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập, mà còn phải quản lý, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, mọi tiềm năng của đất nước. Với chức năng tập trung, phân phối, và tổ chức luân chuyển vốn, nguồn vốn, tài chính là tổng hoà các mối quan hệ kinh tế gắn với phân phối tổng sản phẩm quốc dân và các nguồn tiền tệ trong quá trình hình thành, sử dụng các quỹ tiền tệ để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ kinh tế – xã hội đã hoạch định.

Vì vậy, cần có quy định về “tài chính quốc gia” (thuật ngữ này được thừa nhận tại điều 75, khoản 4, khi quy định Quốc hội quyết định chính sách tài chính quốc gia). Nhà nước và nhân dân có nghĩa vụ xây dựng và phát triển nền tài chính quốc gia có tiềm lực mạnh, quản lý và phân phối hợp lý, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực tài chính quốc gia. Không nên dùng khái niệm tài chính công và tài sản công. Ở Việt Nam, trong thể chế nhà nước của Việt nam, nên quy định các cấu phần của tài chính quốc gia gồm: Tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư.

Hơn nữa, quy định tại Điều 59 đề cập ngân sách nhà nước, dự trữ quốc gia, các quỹ tài chính... lại có câu: Các nguồn tài chính công khác. Vây nguồn tài chính công khác là gì? Tại sao các quy định trên không có chữ tài chính công, đến cuối câu lại có thêm nguồn tài chính công khác. Điều này cần được điều chỉnh và quy định lại rõ hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sửa đổi Hiến pháp 1992: Hiến định vai trò của Tổng kiểm toán
Sửa đổi Hiến pháp 1992: Hiến định vai trò của Tổng kiểm toán

(VOV) -Hiến định vai trò, địa vị pháp lý và chức năng của Kiểm toán Nhà nước để tăng cường vị thế và trách nhiệm cơ quan này.

Sửa đổi Hiến pháp 1992: Hiến định vai trò của Tổng kiểm toán

Sửa đổi Hiến pháp 1992: Hiến định vai trò của Tổng kiểm toán

(VOV) -Hiến định vai trò, địa vị pháp lý và chức năng của Kiểm toán Nhà nước để tăng cường vị thế và trách nhiệm cơ quan này.

Vấn đề thu hồi đất đai trong Hiến pháp sửa đổi
Vấn đề thu hồi đất đai trong Hiến pháp sửa đổi

(VOV) -Liên quan đến việc thu hồi đất trong Hiến pháp sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ cụm từ “các dự án phát triển kinh tế-xã hội”.

Vấn đề thu hồi đất đai trong Hiến pháp sửa đổi

Vấn đề thu hồi đất đai trong Hiến pháp sửa đổi

(VOV) -Liên quan đến việc thu hồi đất trong Hiến pháp sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng, nên bỏ cụm từ “các dự án phát triển kinh tế-xã hội”.

Đền bù thu hồi đất đai: Quan trọng nhất vẫn là giá đất
Đền bù thu hồi đất đai: Quan trọng nhất vẫn là giá đất

(VOV) -Các khiếu kiện liên quan đến đất đai hiện nay chủ yếu do việc thu hồi đất và bồi thường chưa thỏa đáng.

Đền bù thu hồi đất đai: Quan trọng nhất vẫn là giá đất

Đền bù thu hồi đất đai: Quan trọng nhất vẫn là giá đất

(VOV) -Các khiếu kiện liên quan đến đất đai hiện nay chủ yếu do việc thu hồi đất và bồi thường chưa thỏa đáng.