Một quyết định làm nông dân điêu đứng
Thực tế cho thấy đang có những bất ổn trong cách thu mua lúa gạo của nông dân.
- Tạm dừng mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo
- Dự báo sản lượng lúa tăng 880.000 tấn
- Indonesia tiếp tục nhập khẩu gạo của Việt Nam
- Năm 2011 sẽ xuất khẩu 7 triệu tấn gạo
Nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đang đứng ngồi không yên khi Hiệp hội Lương thực Việt Nam thông báo tạm ngừng mua 1 triệu tấn gạo. Bởi ngay sau thông báo này, lập tức giá gạo đã bắt đầu chững lại và có dấu hiệu giảm xuống, các thương lái lợi dụng thông tin này để ép giá nông dân.
Phóng viên VOV phỏng vấn ông Võ Tòng Xuân - Giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp.
** Ông có bình luận gì trước việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông báo tạm ngừng mua 1 triệu tấn gạo cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long?
GS Võ Tòng Xuân: Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Tổng công ty Lương thực miền Nam khi thấy giá lúa bắt đầu lên thì họ tuyên bố không mua nữa. Như vậy là tất cả các nơi không mua, khi đó nông dân sẽ không có chỗ bán. Khi đó nông dân bắt buộc phải tự hạ giá để bán được lúa. Đây là cách làm mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam và Tổng công ty Lương thực miền Nam năm nào cũng làm để đánh tụt giá lúa của nông dân, sau đó mới tổ chức thu mua để gia tăng lợi nhuận cho họ. Nông dân luôn thiệt thòi vì kiểu làm này của VFA.
** Như vậy với thông báo này có thể hiểu VFA gián tiếp ép giá lúa của nông dân?
GS Võ Tòng Xuân: Đúng vậy. Kiểu này là kiểu ép giá. Vì khi thông báo như vậy, thương lái sẽ chờ đợi để giá giảm, không ai mua, khi đó doanh nghiệp của Hiệp hội sẽ mua. Mua hết xong rồi mới mang đi bán, khi giá lên cao thì nông dân không còn lúa để bán nữa.
** Theo VFA việc tạm ngừng mua lúa là do giá lúa đang cao, nông dân đang có lãi tối thiểu 30%. Lý giải này liệu có thuyết phục khi mà giá vật tư phân bón vụ vừa qua cũng tăng cao kỷ lục?
GS Võ Tòng Xuân: Họ nói như vậy là không đúng vì nếu như chúng ta cân đối, tính chi phí hết đầu vào của nông dân chắc chắn giá lúa hiện nay chưa lãi được 30%. Riêng chi phí vật tư đã tăng 50% so với năm 2010, chưa tính công gặt, công cấy, cày bừa… của nông dân, chi phí sẽ lên rất cao so với những năm trước.
** Như vậy là nông dân vẫn chưa lãi đủ 30%. VFA được nhận hỗ trợ về vốn rất lớn thế nhưng lại không đảm bảo được mục tiêu, nhiệm vụ của Chính phủ. Vậy trách nhiệm của VFA trong vụ việc này là gì?
GS Võ Tòng Xuân: Họ chưa thực hiện được nhiệm vụ Nhà nước giao. Lẽ ra họ phải làm thế nào để bà con nông dân có đủ lợi nhuận để tiếp tục phát triển.
Nói là nông dân có lãi nhưng với tình hình giá cả leo thang như vừa qua, khoản lãi đó không đáng bao nhiêu. Thực chất, tiền lãi mà nông dân làm ra đã chạy vào túi của VFA, Tổng công ty Lương thực, các công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Nói là nông dân có lãi tối thiểu 30% nhưng thực tế lãi chưa tới 10%. Nhà nước cần có sự xem xét để điều chỉnh mức lợi nhuận này. Tôi mong Quốc hội khóa XIII sẽ thấy rõ bất cập này để có sự sửa đổi, làm sao cho công sức lao động của nông dân được thu về khá hơn.
** Trong trường hợp này nông dân cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
GS Võ Tòng Xuân: Với những bất cập hiện nay, có thể thấy rằng nông dân hoàn toàn bị động. Bởi nông dân làm gì có kho trữ lúa nên phải bán lúa ngay. Doanh nghiệp không mua thì nông dân phải bán đổ bán tháo.
** Cách thu mua lúa gạo thời gian qua cho thấy những bất ổn nào trong việc thu mua lúa gạo hiện nay cho nông dân?
GS Võ Tòng Xuân: Bất cập lớn nhất hiện nay là nông dân buộc phải bán cho thương lái, mà thương lái chính là những cánh tay nối dài của các công ty thu mua lúa gạo của VFA. Thương lái làm theo lệnh của các công ty này để ép giá nông dân. Tôi thấy đây là nguyên nhân khiến nông dân luôn chịu thiệt.
Tới đây, Nhà nước cần xem xét sửa đổi lại cách thức thu mua, bởi nếu cứ sử dụng các thương lái thì gạo Việt Nam xuất khẩu bao giờ mới có thương hiệu. Những công ty mua bán, xuất khẩu gạo thực chất là đổ gạo cho các nhà nhập khẩu quốc tế chứ không có tên Việt Nam. Đây là thiệt thòi rất lớn cho Nhà nước và người dân.
** Như vậy là có quá nhiều sự bất hợp lý trong việc thu mua lúa gạo cho nông dân hiện nay. Theo ông, giải bài toán này cần bắt đầu từ đâu?
GS Võ Tòng Xuân: Chúng ta phải tổ chức lại để mỗi công ty có 1 vùng nguyên liệu. Trên vùng nguyên liệu đó, công ty cùng với nông dân tổ chức sản xuất theo theo tiêu chuẩn Viet Gap, GlobGAP với một giống lúa chất lượng cao. Có như vậy chúng ta mới đăng ký được thương hiệu gạo Việt Nam, làm tăng giá trị gia tăng cho gạo Việt Nam.
** Theo ông, cơ quan chức năng, VFA và các TCT Nhà nước cần xem xét lại vai trò và trách nhiệm ra sao trong việc thu mua lúa gạo để đảm bảo nông dân có lợi nhuận hợp lý, khuyến khích sản xuất?
GS Võ Tòng Xuân: Tôi nghĩ cơ quan chức năng như VFA chỉ lo cái lợi của họ chứ chưa lo cho lợi nhuận cho người nông dân. Điều này trái với chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Tới đây cần phải sửa lại, phải tổ chức lại sản xuất để mỗi công ty có một vùng nguyên liệu, từ đó mới kết hợp với nông dân, nông dân cùng làm chủ.
** Xin cảm ơn ông!./.