Một quyết định thu hồi dự án nhiều góc khuất, lắm hậu quả
VOV.VN - Một quyết định thu hồi dự án thiếu căn cứ đã dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài và những hệ lụy của nó đã kéo dài trong gần 7 năm qua.
Năm 2009, UBND tỉnh Lâm Đồng quyết định thu hồi 279 ha rừng và đất rừng trong một dự án được giao cho Công ty TNHH TM&DV Gia Linh, huyện Bảo Lâm. Đây có lẽ là một trong những quyết định giữ nhiều kỷ lục nhất của tỉnh về sự vội vã, bị khiếu kiện - khiếu nại kéo dài và những kết luận trái ngược của các cơ quan liên quan cũng như tính kém hiệu quả thực tế - bởi rừng càng bị phá nhiều hơn.
Xâu xé rừng vàng, bạo lực tràn lan
Tiểu khu 613, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm là một trong số những khu rừng đẹp nhất, từng được UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho doanh nghiệp đầu tư dự án nông lâm kết hợp.
Đất rừng ở đây đa số là đất đỏ vàng, tầng thảm mục dày, thuận lợi cho mọi loại cây trồng, cả nông nghiệp và lâm nghiệp; có nguồn sinh thuỷ đủ để làm hồ chứa nước, mở trại chăn nuôi và thả cá. Rừng ở đây đẹp hơn trong mắt nhà đầu tư, bởi nó nằm kề ngay tỉnh lộ 725 đã được thảm nhựa tinh tươm; điểm sâu nhất trong tiểu khu cách tỉnh lộ không quá 7km, ô tô có thể đi xuyên rừng. Suốt nhiều năm qua, rừng ở đây bị xâu xé thảm khốc để lấy gỗ và lấy đất trồng cà phê. Từ hơn 1.000 thông do người Pháp trồng trong thế kỷ 20, nay chỉ còn hơn 300 ha.
Tháng 5/2008, khi UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy phép đầu tư, cho phép công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Gia Linh (sau đây gọi là Công ty Gia Linh) triển khai dự án trồng rừng, bảo vệ rừng và sản xuất nông - lâm kết hợp trên một phần tiểu khu này thì tranh chấp, xâu xé càng diễn ra dữ dội.
Theo bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc công ty Gia Linh, công ty đã nhận rất nhiều sự đe doạ, hạch sách. Thậm chí, có một nhóm người còn đòi công ty cắt tới 50 ha đất của dự án để họ trồng cà phê.
Tranh chấp lên đến đỉnh điểm chỉ sau 2 tháng nhận dự án và chỉ 3 ngày sau khi công ty Gia Linh có tác động đầu tiên lên thực địa. Đó là ngày 12/7 cùng năm, 20 đối tượng xông vào lán trại của công ty, đánh bị thương 1 người, hư hỏng 2 điện thoại và lấy đi hơn 25 triệu đồng, đập nát 1 xe máy. Tháng 10 cùng năm, bạo lực tiếp tục xảy ra, 1 trạm bảo vệ rừng của công ty Gia Linh bị phá tan, 5 nhân viên công ty bị thương và 2 người khác phải đi cấp cứu vì bị đứt động mạch, đứt gân tay.
Vội vã thu hồi dự án, rừng càng bị phá thảm thương
Chỉ sau hơn 8 tháng trao giấy chứng nhận đầu tư, ngày 4/2/2009, khi việc giải quyết các tranh chấp, xâu xé rừng ở tiểu khu 613, xã Lộc Lâm, chưa đi đến đâu thì UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định thu hồi dự án của công ty Gia Linh. Sau khi thu hồi, rừng càng bị phá thê thảm, đất càng bị lấn chiếm.
Đất lấn đến đâu, thông rừng tiểu khu 613 bị chết khô đến đó. |
Gần đây nhất, khi nhóm phóng viên VOV đi thực địa tại tiểu khu này đã phát hiện một diện tích rất lớn đất rừng đã được cày lật, chuẩn bị canh tác nông nghiệp. Toàn bộ rừng keo Công ty Gia Linh trồng cuối năm 2008, nay chỉ còn rải rác vài cây.
Đáng chú ý, trong rừng có thêm nhiều cây thông bị cưa hạ, gốc bị đào bới trỏng trơ, xung quanh đó là những hố mới đào và những cây cà phê mới được trồng. Dù tỉnh Lâm Đồng đã đóng cửa rừng, nhưng xung quanh khu nhà xây - làm trạm quản lý - bảo vệ rừng của Ban Quản lỷ rừng phòng hộ Đạm Bri, vẫn chất đống những cây thông đã được khai thác. Cách trạm không xa là những tán thông vàng úa vì bị đầu độc, báo hiệu sẽ có thêm nhiều cây nữa bị chết, biến thành gỗ tận thu.
Ở rìa tiểu khu, cả chục ngàn mét vuông rừng và đất rừng đã được dọn sạch, thay vào đó là một trại bò bán kiên cố, đang nuôi hàng chục con và một khu nhà xây cấp 4 dành cho nhân viên trang trại. Công nhân làm việc tại trại này không biết trang trại có được cấp phép hay không nhưng cho biết, bò không ăn lá thông trong rừng, cỏ nuôi bò phải vận chuyển từ xã Tân Lâm, huyện Di Linh, cách đó chừng 10km.
Những dấu hỏi về pháp lý trong quyết định thu hồi dự án
Kể từ sau Quyết định thu hồi dự án của UBND tỉnh Lâm Đồng, gần 7 năm trời, công ty Gia Linh liên tục khiếu nại đến các cấp có thẩm quyền, từ tỉnh đến Bộ Tài nguyên môi trường, đến Thanh tra Chính phủ, và nhận được nhiều kết luận trái ngược nhau của các cơ quan này.
Sau khi chuyển tới toà soạn VOV nhiều văn bản liên quan, ông Kiều Quang, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty Gia Linh thở dài: “Thanh tra tỉnh không có căn cứ kết luận sai phạm của chúng tôi, nên chúng tôi đề nghị tỉnh tiếp tục giao dự án, nhưng tỉnh không chịu. Tiếp đó, Thanh tra Bộ Tài nguyên môi trường cũng kiểm tra và đề nghị Chính phủ chỉ đạo tỉnh trả lại đất - rừng để công ty tiếp tục thực hiện dự án, nhưng cũng không có kết quả. Sau đó là 3 lần kiểm tra nữa, Thanh tra cũng không thấy lỗi đáng kể của Công ty Gia Linh. Thế nhưng, không biết tỉnh báo cáo như thế nào mà văn phòng Chính phủ có văn bản đồng ý với quyết định của tỉnh, làm cho chúng tôi khốn khổ khiếu nại suốt nhiều năm trời”.
Trong số văn bản về vụ việc mà ông Kiều Quang cung cấp, Quyết định số 2941 ngày 01/9/2009 của UBND tỉnh Lâm Đồng, do Phó chủ tịch Hoàng Sỹ Sơn ký, trả lời khiếu nại của bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Công ty Gia Linh, thể hiện khá đầy đủ bản chất của vấn đề.
Theo đó, căn cứ để ra quyết định thu hồi dự án chủ yếu là các báo cáo của UBND huyện Bảo Lâm về những sai phạm, được cho là rất động trời, của Công ty Gia Linh.
Các sai phạm này gồm: Tờ trình xin tận thu gỗ ngã đổ làm lán trại chưa được phê duyệt mà đã tổ chức khai thác, tổng khối lượng hơn 13 mét khối gỗ thông; Cắt hạ cây rừng thành từng khúc chặt hạ các cây tạp nhỏ - giảm độ che của tán rừng; múc hố dưới tán rừng với diện tích 10,4 ha; nhổ cà phê (của người dân trồng dưới tán rừng 17 ha) trồng cà phê trên đất không có rừng 38,6 ha. Tổng diện tích cà phê đã trồng là hơn 70 ha, trong đó có 15 ha tranh chấp nghiêm trọng với dân. Công ty Gia Linh còn có hành vi phá rừng trái phép, cụ thể là đã phá hơn 11 ha rừng để phát luỗng, trồng keo và cà phê.
Văn bản này cho rằng, Công ty Gia Linh đã vi phạm nghiêm trọng luật bảo vệ - phát triển rừng, vượt quá khung xử lý hành chính; việc giao rừng cho công ty Gia Linh gặp nhiều khiếu kiện nên việc thu hồi dự án là đúng quy định của pháp luật.
Đọc thuộc làu văn bản trả lời của tỉnh Lâm Đồng, ông Kiều Quang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Gia Linh cười đau khổ: “Nếu đúng như kết luận của tỉnh, thì thu hồi dự án là quá nhẹ. Vượt quá khung hành chính, chúng tôi phải bị truy tố hình sự và xử tù. Nhưng đây chỉ là kết luận đơn phương, khiên cưỡng của tỉnh và các cơ quan chức năng địa phương. Trừ việc chúng tôi mở đường nội bộ, phạm vào 422 m2 đất rừng, bị phạt 422.000 đồng thì tỉnh không có một biên bản nào để chứng tỏ chúng tôi vi phạm”.
“Dường như đã có cả một hệ thống đang cố tình hại chúng tôi”- ông Kiều Quang nói tiếp. “Ngày 24/6/2008, tỉnh mới giao chứng nhận quyền sử dụng đất cho chúng tôi và ngày 9/7 năm đó chúng tôi mới tiến hành trên thực địa, vậy mà sao đã có 50 hộ khiếu nại chúng tôi từ ngày 20/6? Chúng tôi chưa biết chính xác, chưa có tác động nào tới phần đất và rừng được giao thì khiếu nại cái gì?”.
Cà phê rất xanh tốt, rừng tiểu khu 613 chỉ còn là gốc mục
|
Lần theo hệ thống tiếp nhận hồ sơ, sau khi đã hỏi cả Sở NN&PTNT Lâm Đồng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, thì Thanh tra tỉnh Lâm Đồng là cơ quan cuối cùng chúng tôi làm việc và đề nghị cung cấp các biên bản chứng tỏ vi phạm của công ty Gia Linh. Quan trọng nhất trong số đó là biên bản về việc Gia Linh phá 11 ha rừng, cùng với con số thống kê thiệt hại từ 11 ha rừng bị phá này; biên bản hoặc kết luận điều tra về việc công ty Gia Linh đào hố, trồng cà phê trên diện tích tới 70 ha.
Tuy nhiên, viện dẫn quy định của pháp luật, ông Nguyễn Đức Hưng, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cho rằng, thanh tra tỉnh có quyền không cung cấp các biên bản mà phóng viên VOV đề nghị. “Nhưng các anh cứ yên tâm, tin tưởng rằng chúng tôi làm đúng”, ông Hưng nói.
Sự việc công ty Gia Linh khiếu nại quyết định của tỉnh Lâm Đồng đã kéo dài sang năm thứ 8. Họ tâm phục, khẩu phục và chấp nhận ngồi tù - đúng theo sai phạm của mình, nếu tỉnh đưa ra được những biên bản chính thức về những vi phạm, chứ không phải là những kết luận đơn phương, cảm tính.
Câu hỏi được đặt ra là, liệu có phải phương châm “Cứ tin là đúng” như lời ông Hưng nói, đã được đặt lên hàng đầu trong suốt quá trình xem xét vụ việc? Điều đó đã dẫn tới việc huyện tin xã, tỉnh tin huyện, trung ương tin tỉnh, mà không cần tin những biên bản cần thiết, vẫn nằm trong bóng tối của tủ hồ sơ, hoặc vẫn chưa được lập trong thực tế?
Và vì thế, rừng ở tiểu khu 613, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, vẫn bị phá, bị xâm canh; Công ty Gia Linh vẫn phải mệt mỏi khiếu nại, ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống chính trị tỉnh Lâm Đồng./.