Mua bán nợ không phải là thuốc tiên
Việc thành lập Công ty mua bán nợ có số vốn 100.000 tỷ đồng, theo nhiều chuyên gia, không nên quá vội vàng.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông điệp sẽ thành lập Công ty mua bán nợ xấu trực thuộc NHNN với số vốn 100.000 tỷ đồng để mua lại nợ xấu cho các ngân hàng thương mại (NHTM).
Tuy nhiên, nguồn vốn thực hiện, hình hài, diện mạo công ty này thế nào, hoạt động ra sao và do ai quản lý… vẫn là câu hỏi lớn được nhiều chuyên gia bàn luận.
Tăng gánh nặng ngân sách?
Ông Phạm Đình Soạn – Nguyên Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ tài chính) cho rằng, con số 100.000 tỷ đồng là quá kinh khủng. “Tôi không hình dung được số tiền đó ở đâu ra, sử dụng như thế nào. Cho dù bằng cách nào cũng là vốn nhà nước nên phải hết sức cân nhắc”.
Ông Phạm Đình Soạn cũng thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình là không nên vội thành lập công ty mua bán nợ ngay, thay vào đó, nên chuẩn bị kỹ đầy đủ cơ chế xử lý nợ, cơ chế giám sát, cơ chế mua bán nợ.
“Thành lập một công ty mua bán nợ không khó. Nhưng chúng ta đừng tưởng mua bán nợ là liều thuốc tiên. Thực chất quá trình xử lý nợ xấu của nền kinh tế cần giải pháp đồng bộ, mà mua bán nợ chỉ là một trong các giải pháp này” – ông Soạn nói.
Cùng chung trăn trở này, ông Phạm Thanh Quang – Giám đốc Công ty mua bán nợ Việt Nam DATC tính toán với khoảng 300.000 tỷ đồng nợ xấu của toàn hệ thống tín dụng, số vốn tối thiểu mà công ty này cần có lên khoảng 90.000 tỷ đồng. “Do đó, nếu sử dụng NSNN để công ty mua bán nợ xấu hoạt động thì gánh nặng ngân sách sẽ rất lớn trong bối cảnh hiện nay” – ông Quang nói.
Nhiệm vụ của công ty mua bán nợ là gì? Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Đình Soạn cho rằng: Công ty mua bán nợ phải mua nợ của người cho vay, cụ thể, chủ yếu là mua nợ của các ngân hàng. Dĩ nhiên, giá mua nợ là thấp hơn giá gốc nhưng việc mua nợ trước hết là mua các khoản nợ xấu của ngân hàng. Và như vậy, cách làm này là xử lý nợ xấu, nợ khó đòi của ngân hàng. Đến lượt DN vẫn phải nhận nợ và trả nợ cho công ty mua bán nợ. Có thể xảy ra trường hợp, DN nhận nợ 100% giá trị và cũng có trường hợp DN được giảm trừ giá trị khoản nợ khi nhận nợ. Như vậy, việc DN được hưởng lợi từ việc mua bán này là không đơn giản và do công ty mua bán nợ quyết định.
“Cho nên, có thể xảy ra tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi và dẫn đến cơ chế xin cho. Đây là một điều rất đáng quan ngại. Chúng ta cần một công ty mua bán nợ khách quan hơn và nằm ngoài ngân hàng nhà nước, là đối tác mua nợ của các ngân hàng. Có thể thành lập thêm vài công ty mua bán nợ thuộc các ngân hàng lớn để thực hiện một số chức năng hạn chế như xử lý tài sản thế chấp… nhưng không nhất thiết thành lập một công ty khổng lồ như vậy” – ông Soạn nhấn mạnh quan điểm của mình.
Cần cơ chế mới cho những cái cũ
Bằng chứng dễ thấy nhất về những lùng nhùng, vướng mắc trong cách xử lý mua bán nợ xấu hiện nay được ông Phạm Đình Soạn đưa ra là Công ty mua bán nợ DATC (Bộ Tài chính). Từ lúc thành lập có 2.000 tỷ đồng nhưng vẫn chưa sử dụng và phát huy hết vì có những tồn tại về mặt cơ chế chưa được xử lý rõ ràng.
Ông Phạm Đình Soạn cho rằng, trước hết phải làm rõ cơ chế xử lý nợ, thế nào là mua nợ, thế nào là bán nợ, xử lý khoản chênh lệch giữa mua nợ và bán nợ như thế nào. Ai là người có thẩm quyền xác định và xử lý khoản chênh lệch đó và việc hành toán phải được quy định cụ thể. Phần chênh lệch đó có bị quy tội là làm mất vốn nhà nước không? Như vậy, rất cần cơ chế để những người được giao nhiệm vụ dám chịu trách nhiệm và dám làm.
Trước đây, khi thành lập DATC, Bộ Tài chính đã có cơ chế giá thỏa thuận và giá chỉ định cho các vụ mua bán nợ nhưng còn lung túng trong thực hiện. Đến nay, những quy định này cần tiếp tục được làm rõ. Đồng thời, cần có chế độ giám sát quy trình xử lý nợ để tránh tiêu cực và tránh cơ chế xin cho.
Hiện tại, có thể nói, công ty mua bán nợ là một DN đặc thù mang tính lưỡng tính. Tức là, công ty này hoạt động theo Luật doanh nghiệp nhưng đồng thời là công cụ của Nhà nước để hỗ trợ DN trong việc xử lý nợ, lành mạnh tài chính DN. Thay vì trước đây, Nhà nước xử lý bằng cách đưa DN lên Bộ, Chính phủ và quyết định giãn, khoanh nợ, bây giờ, sử dụng công ty mua bán nợ để giải quyết. Điểm khó cần tính đến khi xử lý nợ là phải thực hiện phân loại nợ và phân loại doanh nghiệp vì nợ gắn với DN. Cụ thể, DN nào giữ lại, DN nào nên hỗ trợ, DN nào nên cho phá sản. Việc phân loại nợ và sắp xếp DN đã được tiến hành nhưng chưa đến nơi đến chốn, chưa có đơn vị chịu trách nhiệm chính. Điểm khó tiếp theo là trước khi tính đến việc hình thành một công ty mua bán nợ như vậy cần làm rõ cơ chế hoạt động của công ty này.
Hiện nay, ông Quang phản ánh, theo qui định của NHNN, các NHTM không cho các DN thuộc diện vừa mua bán nợ với DATC được tiếp tục vay vốn. Mặt khác, DATC cũng không được cho các DN này vay vốn, do không có cơ chế. Tình trạng này, đẩy các DN mới được DATC thực hiện tái cơ cấu tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn như trước khi được tái cơ cấu.
“Để tháo gỡ phần ách tắc này, NHNN cần mở rộng cơ chế để các NHTM tiếp tục cho các DN mới được DATC vay vốn khi kế hoạch sản xuất kinh doanh đảm bảo hiệu quả, tình hình tài chính đã được cải thiện. Nếu thực hiện được giải pháp này mới đảm bảo để các DN mới được tái cơ cấu có thể sản xuất kinh doanh, tạo nguồn trả nợ cho các NHTM và DATC” – ông Quang đưa ra giải pháp.
Theo ông Quang, việc gom nợ vào một đầu mối mới giải quyết được một phía là giúp đưa nợ xấu ra khỏi hệ thống tín dụng một cách nhanh chóng, làm sạch bảng tổng kết tài sản của tổ chức tín dụng, nhằm cải thiện năng lực tài chính của tổ chức tín dụng trong h oạt động cho vay . Trong khi đó, khách nợ của các khoản nợ xấu này chủ yếu là DN. Do đó, kể cả sau khi được công ty mua bán nợ xấu tiếp nhận quyền chủ nợ từ các tổ chức tín dụng thì tình hình của DN cũng không được cải thiện do DN không thể tiếp tục vay vốn mới từ các tổ chức tín dụng, vì không có điều kiện vay vốn do đang kinh doanh thua lỗ và không còn tài sản để thế chấp khi các tài sản đã được công ty mua bán nợ xấu nắm giữ. Với tình hình như vậy, khả năng thu hồi nợ của công ty mua bán nợ từ các khách nợ này ngày càng khó khăn, thậm chí dẫn đến mất vốn do không thu hồi được nợ. Điều này kéo theo hệ quả là công ty mua bán nợ sẽ không đủ nguồn để thanh toán gốc-lãi của trái phiếu phát hành cho tổ chức tín dụng khi đến hạn.
Từ phân tích này, ông Quang cho rằng, vấn đề nợ xấu của nền kinh tế sẽ không giải quyết được một cách triệt để. Nợ xấu vẫn tiếp tục là nợ xấu do các khách nợ là DN không có điều kiện để phục hồi sản xuất-kinh doanh, không tạo ra dòng tiền để thanh toán nợ cũ cho chủ nợ. Tài sản của DN bị chuyền qua chuyền lại nhiều tay chủ nợ, chậm được đưa vào sản xuất kinh doanh, gây lãng phí của cải và nguồn lực xã hội./.