Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp: Giải pháp vượt khủng hoảng

M&A được dự báo sẽ sôi động trong thời điểm nền kinh tế đang thực hiện tái cơ cấu.

Việt Nam đứng thứ 8 trong số các nước có hoạt động M&A sôi động nhất khu vực châu á - Thái Bình Dương. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng của hoạt động này trong thời gian tới sẽ tiếp tục ở mức trên 30%.

Sôi động M&A

Các con số thống kê từ các tổ chức nghiên cứu mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) cho thấy: năm 2011, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt 4,7 tỷ USD, tăng trưởng ấn tượng so với con số 1,7 tỷ USD của năm 2010.

Xét về số lượng thương vụ, các thương vụ liên quan đến doanh nghiệp (DN) nội chiếm đa số với 77%, cho thấy hoạt động M&A và chuyển nhượng diễn ra sôi động tại Việt Nam. Các DN đã và đang tái cấu trúc các khoản đầu tư của mình. Ví dụ như chuyển nhượng các dự án hoặc công ty mà họ đã tham gia trong giai đoạn tăng trưởng nóng trước đây. Tuy nhiên, xét về giá trị thương vụ, các thương vụ lớn đều có yếu tố nước ngoài, với tỷ trọng 60% tổng giá trị các giao dịch M&A.

Năm 2011 là năm có nhiều thương vụ lớn được ghi nhận, cho thấy xu hướng nhà đầu tư nước ngoài mua lại các DN chất lượng của Việt Nam. Trong đó, dẫn đầu là Nhật Bản với một “làn sóng đầu tư từ Nhật Bản”. Các thương vụ được nói đến nhiều nhất trong năm qua là Mizuho trở thành đối tác chiến lược của Vietcombank hay thương vụ Unicham mua 95% cổ phần của Diana. Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành, phụ trách đầu tư và quản lý nguồn vốn Tập đoàn VinaCapital, nêu ra mấy lý do: đồng Yên đang được đánh giá là mạnh so với USD, các DN Nhật đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài để kéo đồng Yên xuống; chi phí vốn tại Việt Nam rẻ hơn ở Nhật; thực hiện M&A, thời gian xâm nhập thị trường rút ngắn đáng kể so với đầu tư trực tiếp. Ví dụ, nếu đầu tư trực tiếp, họ sẽ phải mất vài ba năm xây dựng nhà xưởng, chưa kể những vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư… Còn nếu thực hiện M&A, họ sẽ bỏ qua được công đoạn đó. Dĩ nhiên, họ sẽ chỉ lựa chọn những DN có chất lượng tốt.

Xét về ngành hàng, năm qua, ngành tiêu dùng là ngành thu hút nhất với tổng giá trị thương vụ lên đến 1 tỷ USD, chiếm 25% tổng giá trị M&A. Đặc biệt, năm 2011 chứng kiến những thương vụ M&A đình đám trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Điển hình là vụ hợp nhất 3 ngân hàng: SCB, Tín Nghĩa, Đệ Nhất thành Ngân hàng SCB; Sáp nhập Habubank và SHB; NHTM cổ phần Gia Định trở thành NH Bản Việt. Theo tuyên bố của NHNN đầu năm 2012, dự báo sẽ còn 5 - 8 NH nữa nằm trong diện sắp xếp, tái cấu trúc.

Quản trị hậu M&A: Quyết định thành công

Nếu như M&A được ví như hai bên ký vào giấy chứng nhận kết hôn, thì việc quản trị hậu M&A được coi là yếu tố quyết định cuộc hôn nhân đó có hạnh phúc và bền vững hay không.

Là NH đã tham gia vào một số thương vụ M&A, ông Chu Việt Cường, cố vấn HĐQT Ngân hàng TMCP HDBank, chia sẻ kinh nghiệm thực tế: Nhiều ngân hàng nhỏ đang cố gắng ép mình phải M&A do lo sợ bị nuốt chửng, thâu tóm nên không lường trước được rủi ro quản trị hậu M&A. Vậy nên, trước khi M&A, cần chuẩn bị rất kỹ, đặt ra mục tiêu về lựa chọn đối tác, mục tiêu về vốn, công nghệ..., để sau khi sáp nhập có thể tạo giá trị cộng hưởng. Nếu đặt mục tiêu rõ ràng, lựa chọn đúng đối tác thì hậu M&A sẽ không có rủi ro về quản trị.

Ông Quách Mạnh Hào, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Thăng Long cho rằng: “Khó có thể đưa ra mô hình quản trị hậu sáp nhập nào là hợp lý. Một khi DN đã chấp nhận bị thâu tóm, thì phải điều chỉnh văn hóa của DN mình theo doanh nghiệp kia. DN có thể biết thế nào là hợp lý thông qua đàm phán. Vì trong quá trình đàm phán, DN sẽ biết quản trị của đối tác như thế nào và có chấp nhận được hay không. Đàm phán là cơ hội để điều chỉnh, vì thế cần phải học sự hợp lý qua đàm phán”.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VinaCapital khuyến cáo, khi tiến hành M&A một DN nên tính đến 3 yếu tố: quy mô thị trường, giá trị thương hiệu và quản trị tốt./.

Một cuộc khảo sát hơn 400 DN cho thấy, trên 40% DN lo ngại bị thâu tóm. Nhưng điều đáng mừng là nhận thức của các DN về vấn đề này đã tích cực hơn. Nhiều DN cho rằng, nếu DN đang gặp khó khăn, thà bán đi để có một khoản tiền đầu tư vào chỗ khác còn hơn để cho nó chết. Thậm chí, không ít DN cho rằng, việc thành lập DN rồi bán được giá cao là niềm tự hào.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2012 sẽ diễn ra vào ngày 7/6/2012 tại Trung tâm Hội nghị Riverside Palace TP. HCM với sự tham gia của 30 diễn giả và 450 lãnh đạo từ các tổ chức, tập đoàn hàng đầu Việt Nam. Chủ đề của diễn đàn năm nay là “Tạo giá trị cộng hưởng”. Ban tổ chức cho biết, tạo giá trị cộng hưởng chính là động cơ cũng như mục đích của hoạt động M&A. Thêm nữa, phải sau một thời gian thực hiện M&A mới có thể tạo ra giá trị cộng hưởng. Và đây chính là thời điểm đó.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên