Mùa lê ở Phiêng Khoài (Sơn La)
VOV.VN - Về xã biên giới Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La những ngày này, cùng với những vườn xoài sai trĩu quả đang được nông dân tích cực thu hái, còn là những vườn lê tai nung bắt đầu vào vụ thu hoạch.
Bén rễ trên đất Phiêng Khoài gần 10 năm nay, cây lê được đánh giá là cây trồng tiềm năng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
Năm 2014, gia đình bà Đinh Thị Mây, bản Cồn Huất 1 là hộ đầu tiên của xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đưa cây lê tai nung về trồng, thay thế diện tích chè cằn cỗi, năng suất thấp. Đến năm 2018, cây lê bắt đầu cho thu hoạch lứa quả đầu tiên.
Thấy cây lê phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng và đem lại hiệu quả kinh tế, gia đình bà Mây đã mở rộng diện tích lên gần 6 ha, với 4.000 gốc. Năm nay, dự kiến thu hơn 30 tấn quả, mang lại nguồn thu khoảng 900 triệu đồng.
“Bước đầu tiên chăm sóc khi thu hái xong là phải bón hoàn toàn phân hữu cơ, lấy phân chuồng ủ hoai mục, đến khi cây ra hoa kết trái thì phải chăm sóc một cách nữa là phải tỉa quả, bao trái để cho trọng lượng của nó sẽ đạt mức độ cao nhất. Bao trái thì tránh được sâu bọ và đảm bảo an toàn” bà Mây chia sẻ.
Thấy cây lê cho hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt, năm 2021, bà Mây đã liên kết với các hộ dân trong vùng mở rộng diện tích và thành lập hợp tác xã Kiên Cường, với 7 thành viên tham gia, diện tích trồng lê là 15 ha.
Từ khi tham gia hợp tác xã, gia đình anh Nguyễn Trung Kiên, bản Cồn Huất 1 và các thành viên đã tích cực ứng dụng công nghệ vào sản xuất, theo đó tìm được thị trường ổn định cho cây lê.
“Tôi làm theo đúng quy trình sản xuất quả thì sẽ bao trái rồi tỉa quả, lượng quả sẽ giảm đi nhưng quả sẽ chất lượng hơn sản lượng không tăng, 1-2 năm tới sản lượng khả năng sẽ tăng hơn” - anh Kiện nói.
Riêng năm 2022, hợp tác xã Kiên Cường đã thu hoạch 70 tấn quả lê, trừ chi phí cũng thu lãi hơn 2 tỷ đồng. Dự kiến năm nay, hợp tác xã thu gần 100 tấn quả có giá bán từ 30.000đ -80.000/kg. Ngoài bán quả, hợp tác xã còn bán cành hom giống, với hơn 1 vạn cây giống ra thị trường mỗi năm.
“Hiện tại đã nhiều hộ dân cũng muốn liên kết liên kết với hợp tác xã, chúng tôi đang làm chương trình để ký kết được với nhiều siêu thị có đầu ra sẽ liên kết với các hộ dân để thu mua cho dân, có thị trường rồi mới mở rộng diện tích thêm” - bà Mây nói.
Với hơn 60 ha, sản phẩm lê tai nung ở Phiêng Khoài đã được cấp tem truy xuất nguồn gốc nên việc tiêu thụ thuận tiện hơn, chủ yếu được đưa vào các siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch trên địa bàn các tỉnh và Hà Nội.
Được đưa về trồng chưa lâu, song cây lê tai nung đang dần khẳng định vị thế, mở thêm hướng phát triển kinh tế ở các xã biên giới Sơn La.