Mùa nước nổi ghé Hậu Giang thăm “Chợ ma chồm hổm” Hòa Mỹ

VOV.VN - Mọi người thường gọi là “Chợ ma chồm hổm” Hòa Mỹ, bởi lẽ chợ họp vào lúc nửa đêm về sáng và các thương lái tự chọn cho mình một chỗ rồi kê chiếc ghế nhỏ để ngồi hoặc ngồi xổm để trao đổi, mua bán. Vào mùa nước nổi tràn đồng, cũng là lúc chợ cá này khá nhộn nhịp.

“Chợ ma chồm hổm” là tên gọi của chợ cá đồng đã tồn tại hàng chục năm qua ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Mùa nước nổi mon men về vùng hạ nguồn tỉnh Hậu Giang tròm trèm 2 tháng trước. Những ngày này, các cánh đồng ở huyện Phụng Hiệp đã mênh mông nước. Hậu Giang là vùng đất trũng ở ĐBSCL, trong đó Phụng Hiệp là nơi trũng nhất, cũng được xem là “rún cá”.

Chính vì vậy, khi con nước tràn đồng, “nhảy khỏi bờ” cũng là lúc cư dân nơi đây nao nức lênh đênh trên những chiếc xuồng, võ lãi giữa vùng bao la nước, ngầu đục phù sa để săn lùng sản vật do thiên nhiên ban tặng, nhất là đánh bắt các loại thủy sản đồng “rặc”, sau đó hội tụ về bán ở “Chợ ma chồm hổm” Hòa Mỹ.

Anh Đặng Văn Giang xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết, năm nay nước lên nhiều hơn mọi năm. “Người đặt dớn có đêm trúng, có đêm thất vì lượng cá lóc rất ít, còn cá rô, cá sặt nhiều cỡ 3 - 4kg. Hôm nào trúng như bữa nay cũng được 6 - 7kg cá lóc, bán được 860.000 đồng”, anh Giang khoe.

Chẳng rõ “chợ ma chồm hổm” Hòa Mỹ có từ lúc nào, có người nói chợ hình thành cách nay hơn từ 20 năm. Tuy nhiên ai cũng biết rõ đây là một trong những chợ lạ trong vùng bởi chỉ họp vào lúc nửa đêm về sáng. Tầm khoảng 12 giờ đêm, khi khắp vùng làng quê yên ắng, mọi người còn chìm sâu trong giấc ngủ say thì chợ đã bắt đầu nhóm họp, với sự xuất hiện của các thương lái ở trên bờ và các chiếc xuồng, ghe, vỏ lãi của người dân trong vùng từ các sông, kênh, rạch xé màn đêm đem các sản vật đánh bắt được ra bán.

Trên khoảnh đất dài khoảng 300 mét một bên là lộ, một bên là sông, không bày biện lô sạp, không bố trí đèn đuốc sáng trưng, các thương lái tự chọn cho mình một chỗ rồi kê chiếc ghế nhỏ để ngồi hoặc ngồi xổm để trao đổi, mua bán với người dân qua ánh sáng phát ra từ những chiếc đèn pin được mọi người cầm trên tay hoặc đeo trước trán.

Các loại thủy sản đồng “rặc” như cá lóc, cá trê, cá rô, lươn, tôm, tép… được các thương lái “săn” nhiều nhất. Tuy nhiên, khi người dân mang đến con gà, con vịt, mớ rau mùa nước nổi… các thương lái cũng sẵn sàng mua giúp. Khi ngã giá xong, các mặt hàng được đưa lên cân rồi người mua trả tiền cho người bán theo kiểu “tiền trao - cháo múc”. Sau đó các mặt hàng này được các thương lái đựng trong các túi ni lông, can nhựa nhanh chóng vận chuyển bằng xe máy đến  bán ở các chợ Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng...

Chị Lê Thị Loan, một thương lái ở chợ cho biết, chợ nhỏ nên lượng hàng hóa bán không được bao nhiêu, chủ yếu là các thương lái tới mua cá, đưa đến nơi khác bán có lời nhiều hơn một chút. “Tầm 12h mỗi đêm em thức rồi ra ngoài mua gom, ai bán gì em cũng mua như cá lóc, ếch, nhái, tép… Mùa nước nổi người dân đánh bắt được nhiều, giá rẻ nên mua tới 3 giờ sáng đưa hàng lên Cần Thơ bán xong giờ nào về giờ nấy”, chị Loan kể.

“Chợ ma chồm hổm” Hòa Mỹ đông ken nhất là vào khoảng 1 giờ sáng. Lúc này dưới bến đậu kín ghe, xuồng, vỏ lãi của người dân từ mọi nơi tụ họp về, còn trên bờ rộn rã tiếng cười nói, trả giá của kẻ bán, người mua. Chợ thường có hơn 10 thương lái thu mua, lúc nhiều lên đến hơn 20 thương lái. Trong đó có nhiều thương lái ở tại địa phương đón thu mua sản vật từ người dân sau đó bán sỉ lại cho thương lái từ nơi khác đến để kiếm lời. Còn số lượng người bán từ vài chục người, hôm nào nhiều lên đến hơn 100 người.

Trước đây vào mùa nước nổi, thương lái ở chợ này mỗi đêm thu mua đến 4-5 tấn cá, tuy nhiên những năm gần đây lượng thủy sản trong tự nhiên không còn dồi dào nên mỗi đêm các thương lái thường chỉ thu mua được trên dưới 1 tấn cá. 

Bà Lâm Thị Chiến ở ấp 5, xã Hòa Mỹ - người thu mua cá ở chợ này gần 30 năm tâm sự, năm nay lượng cá ít nên thu mua được chừng 50 - 60kg cá lóc, cá trê, lươn... “Cá lớn mình thu mua bữa trước có giá 110.000 đồng/kg, giờ còn có 100.000 đồng/kg. Mình bỏ lại cho bạn hàng với giá 105.000 – 110.000 đồng/kg không lãi nhiều, người nào mua rồi bán lẻ giá sẽ cao hơn”, chị Chiến cho biết.

Sau khi bán các thứ đã đánh bắt, thu hái được cho thương lái, những người nông dân trong vùng tụ họp về các quán cà phê ven sông. Bên ly cà phê, tách trà ấm nóng, chia nhau điếu thuốc hút chờ trời sáng, mọi người rôm rả cười nói, bàn chuyện mùa màng, chuyện giăng lưới cắm câu, chuyện học hành của con cái.

Trong những câu chuyện hào sảng, phóng khoáng ấy đôi lúc chen vào một chút suy tư khi thấy lượng thủy sản đánh bắt trong tự nhiên mỗi năm mỗi ít đi, khiến những người nông dân nơi đây ngậm ngùi, tiếc nuối khi nghĩ đến một ngày “Chợ ma chồm hổm” Hòa Mỹ  không còn.  

Một vài hình ảnh tại “Chợ ma chồm hổm” Hòa Mỹ: 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phiên chợ cá lạ kỳ ở làng quê miền Bắc
Phiên chợ cá lạ kỳ ở làng quê miền Bắc

VOV.VN - Phiên chợ cá độc đáo ở làng quê của Bắc Giang khiến nhiều người thích thú với khung cảnh chia cá đều tăm tắp, xếp kín khoảng sân rộng của bà con nơi đây.

Phiên chợ cá lạ kỳ ở làng quê miền Bắc

Phiên chợ cá lạ kỳ ở làng quê miền Bắc

VOV.VN - Phiên chợ cá độc đáo ở làng quê của Bắc Giang khiến nhiều người thích thú với khung cảnh chia cá đều tăm tắp, xếp kín khoảng sân rộng của bà con nơi đây.

Ngư dân Vũng Tàu trúng mùa cá mai
Ngư dân Vũng Tàu trúng mùa cá mai

VOV.VN - Sau 3 giờ thả lưới gần bờ, những chiếc thuyền của ngư dân Vũng Tàu nối đuối nhau vào khu vực bãi Trước với những tấm lưới nặng trĩu cá mai khiến ngư dân phấn hởi, vui mừng vì kiếm tiền triệu sau chuyến ra khơi.

Ngư dân Vũng Tàu trúng mùa cá mai

Ngư dân Vũng Tàu trúng mùa cá mai

VOV.VN - Sau 3 giờ thả lưới gần bờ, những chiếc thuyền của ngư dân Vũng Tàu nối đuối nhau vào khu vực bãi Trước với những tấm lưới nặng trĩu cá mai khiến ngư dân phấn hởi, vui mừng vì kiếm tiền triệu sau chuyến ra khơi.

Nông dân Sóc Trăng khấm khá nhờ nuôi cá đăng quầng mùa nước nổi
Nông dân Sóc Trăng khấm khá nhờ nuôi cá đăng quầng mùa nước nổi

VOV.VN - Một số vùng trũng tại tỉnh Sóc Trăng thời gian này nước dâng lên tràn đồng (thường gọi mùa nước nổi), nhiều nông dân không trồng lúa mà bao lưới xung quanh ruộng để nuôi cá đồng theo hình thức tự nhiên. Mô hình này bà con gọi là nuôi đăng quầng (quản lý cá trên đồng ruộng) cho hiệu quả kinh tế khá ổn định trong những năm qua.

Nông dân Sóc Trăng khấm khá nhờ nuôi cá đăng quầng mùa nước nổi

Nông dân Sóc Trăng khấm khá nhờ nuôi cá đăng quầng mùa nước nổi

VOV.VN - Một số vùng trũng tại tỉnh Sóc Trăng thời gian này nước dâng lên tràn đồng (thường gọi mùa nước nổi), nhiều nông dân không trồng lúa mà bao lưới xung quanh ruộng để nuôi cá đồng theo hình thức tự nhiên. Mô hình này bà con gọi là nuôi đăng quầng (quản lý cá trên đồng ruộng) cho hiệu quả kinh tế khá ổn định trong những năm qua.