Mua ô tô, khách được "bao" nhiều loại phí
Trải qua những tháng đầu năm đầy ảm đảm, doanh số bán xe liên tục sụt giảm, các hãng ô tô nội đang đưa ra những hướng đi mới để có thể tự cứu mình.
Phí mới chưa áp dụng
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 3/2012 sản lượng bán hàng của các thành viên VAMA đạt 7.525 xe, tăng 1.500 xe tương ứng 22% so với tháng 2/2012 (6.116 xe).
Tuy đã có nhiều khởi sắc hơn so với tháng trước nhưng nếu so sánh với cùng kỳ 2011, doanh số giảm 21%, trong đó xe đa dụng, xe con và xe thương mại giảm lần lượt là 35 %, 27%, và 17%.
Việc doanh số xe bán ra tăng hơn so với tháng trước có lẽ là một tin mừng đối với các nhà sản xuất xe trong nước. Đây cũng là động thái tích cực nhất từ khi Bộ trưởng Giao thông Vận tải – Đinh La Thăng khẳng định, trong năm 2012 chưa thu phí lưu hành vào nội đô và hạn chế phương tiện cá nhân.
Bảng tổng hợp lượng xe các hãng bán được trong tháng 3/2012 |
Nắm bắt cơ hội đó các hãng sản xuất xe liên tục cho ra mắt các mẫu xe mới tại thị trường Việt Nam nhằm tăng sự lựa chọn cho khách hàng tạo kích thích sức mua của người tiêu dùng.
Mở đầu cho chiến dịch này là Hyundai Thành Công khi cho ra mắt mẫu xe Eon. Đây là một mẫu xe nhỏ, kiệm nhiên liệu và có giá cả phù hợp với người Việt Nam (345 triệu đồng).
Kế tiếp đó là các hãng xe góp mặt từ lâu tại thị trường Việt như Toyota với hai mẫu xe Innova và Fortuner 2012, Mitsubishi với Pajero Sport động cơ xăng...
Ngoài ra, còn phải kể đến mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc: Land Rover Evoque – đây là một mẫu xe được nhiều người chờ đón nhất trước khi ra mắt với thiết kế khá độc đáo.
Mẫu xe Land Rover Evoque vừa được ra mắt |
Bên cạnh đó thì mới đây nhất ở dòng xe SUV, Vina Mazda đã cho ra mắt mẫu xe CX-5 tại thị trường Việt. Đây là mẫu xe đầu tiên của Mazda ứng dụng đầy đủ công nghệ SkyActiv - thể hiện ở các động cơ, hộp số, kết cấu vỏ xe và cơ sở gầm bệ mới, tất cả được Mazda thiết kế nhằm tăng hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu.
Còn tại phân khúc sedan các hãng xe hang sang, giá thành cao như BMW, Audi cũng cho ra mắt những mẫu xe chiến lược của mình bất chấp nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.
Nếu BMW cho ra mắt mẫu 3-Series thì Audi có A6 2.0 TFSI. Đây là 2 mẫu sedan hạng sang vừa được các hãng xe nhập khẩu phân phối tại thị trường Việt. BMW 3-Series (F30) và Audi có A6 2.0 TFSI đều là mẫu sedan với nhiều trang thiết bị và công nghệ tiên tiến. Trên thị trường thì BMW 3-Series cạnh tranh trực tiếp với Mercedes dòng C-class và A4 của Audi; còn A6 lại là đối thủ của E-class của Mercedes hay 520i của BMW. Không chỉ vậy, trong thời gian tới Mercedes và Ford Việt Nam cũng đang xúc tiến cho việc ra mắt mẫu xe mới của mình.
Cùng với việc ra mắt các mẫu xe mới thì các hãng cũng áp dụng nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, tặng phí trước bạ để thực sự hấp dẫn người tiêu dùng mua xe.
Ra mắt xe mới là “con dao hai lưỡi”
Trải qua những tháng đầu năm đầy ảm đảm, các nhà sản xuất ô tô nội đã dần thấy được những “tia hy vọng” qua kết quả bán xe trong tháng 3/2012 đang dần tăng trưởng.
Điều đó đã kích thích việc các nhà đầu tư mạnh dạn hơn trong việc phát triển sản xuất và tung ra thị trường một loạt các sản phẩm mới. Tuy nhiên với bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và đầy biến động hiện nay cộng với các khoản chi phí bỏ ra hàng thàng để nuôi xe có lẽ việc ra mắt xe vẫn là một bài toán chưa có đáp án. Hay nó giống như “con dao hai lưỡi” vào thời điểm này.
Việc ra mắt các mẫu xe mới trong thời điểm khó khăn luôn là bài toán mạo hiểm của các hãng |
Nếu thuận lợi thì việc ra mắt mẫu xe mới sẽ giúp các doanh nghiệp kéo được khách hàng tới với mình và thoát khỏi tình trạng “chợ chiều”. Tuy nhiên nếu không như kỳ vọng thì nó lại là “gánh nặng” cho chính doanh nghiệp.
Theo một chuyên gia kinh tế thì việc các hãng xe ồ ạt ra mắt các mẫu xe mới của mình là một tín hiệu tốt cho thị trường ô tô Việt. Điều này có nghĩa là các hãng đã thấy được những điểm sáng hay lối thoát cho một thị trường đang đóng băng.
Nhưng mặt khác, đây cũng là hành động khá liều lĩnh của các hãng khi sức mua không mấy khả quan, nguồn tiền dùng cho chi tiêu mua sắm đang được người dân thắt chặt. Bên cạnh đó là việc kinh tế khủng hoảng, các ngân hàng không giải ngân cho các khoản vay mua xe cũng là nguyên nhân tác động vào thị trường ô tô.
Tuy nhiên, việc ra mắt các mẫu xe hay đầu tư cho sản xuất đều có mục tiêu riêng của hãng và đó là những bí mật mà chỉ người trong cuộc mới biết. Để có thể ra mắt một mẫu xe mới tại một thị trường và nhận được sự ủng hộ thì các hãng đã phải tiến hành nghiên cứu từ rất lâu. Bên cạnh đó là được sự chấp thuận của rất nhiều Bộ, ngành liên quan như: Bộ Công Thương, Hải quan, Thuế… Điều này đồng nghĩa với việc, những mẫu xe vừa mới có mặt tại Việt Nam cũng như chuẩn bị có mặt đều đã được hoạch định từ rất lâu trước đó.
Trong lúc khó khăn thì việc thay đổi để cứu mình vẫn là việc các doanh nghiệp ô tô cần làm |
Đại diện một doanh nghiệp ô tô cho biết, việc ra mắt hay chọn lựa sản phẩm mới để giới thiệu trên thị trường là việc mà công ty đã phải chuẩn bị rất lâu trước khi công bố. Vì vậy, nhiều khi hoàn thiện xong sản phẩm đúng lúc thị trường khó khăn thì doanh nghiệp vẫn phải tiến hành theo đúng lộ trình đặt ra dù muốn hay không. Điều đó là một việc khá mạo hiểm, vì cơ hội thành công hay thất bại cho doanh nghiệp sẽ là 50/50.
Cũng theo doanh nghiệp này thì việc ra mắt mẫu xe còn liên quan tới yếu tố cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường của các hãng nên dù mạo hiểm, thành công hay thất bại thì vẫn phải thực hiện.
Việc các hãng ô tô cho ra mắt thị trường nhiều mẫu xe mới dù là mạo hiểm và nhiều rủi ro trong thời điểm hiện tại, nhưng đó cũng là một bài toán giúp doanh nghiệp có thể đủ sức tồn tại qua cơn suy thoái./.