Mua sắm tài sản công: Nhiều sai phạm, lãng phí
Sai phạm trong việc mua sắm, quản lý sử dụng tài sản của các ban quản lý dự án là vẫn còn tương đối nhiều mà nguyên nhân chính là sự thiếu kiên quyết trong việc quản lý, kiểm tra và giám sát.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về việc mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản công tại các ban quản lý dự án thuộc 4 Bộ: Bộ NN&PTNT, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, và 4 địa phương: Hà Nội, TPHCM, Ninh Bình và Đồng Nai; thì tình trạng sử dụng vốn ngân sách sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, gây lãng phí xảy ra tương đối nhiều. Hiện tượng sử dụng xe công không đúng mục đích, mua sắm thiết bị vượt tiêu chuẩn, sai quy định, thậm chí kém chất lượng vẫn tồn tại…
Vượt tiêu chuẩn, sai chế độ: 95 tỷ đồng
Theo kết quả kiểm toán, số tiền mà các ban quản lý dự án của 4 Bộ và 4 địa phương mua sắm tài sản thiết bị vượt tiêu chuẩn chế độ, sai mục đích là hơn 95 tỷ đồng. Cụ thể, tài sản nhà đất vượt tiêu chuẩn là 19 tỷ đồng, xây dựng vượt tiêu chuẩn hơn 4,5 triệu đồng. Các phương tiện đi lại mua cao hơn tiêu chuẩn, không đúng nguồn lên tới hơn 53 tỷ đồng. Cụ thể là 73 ôtô vượt chuẩn gần 33 tỷ đồng, 160 xe máy ngoài chế độ trang bị cho cán bộ trị giá 4,3 tỷ đồng… Đáng chú ý là 61 máy tính xách tay trị giá 1,3 tỷ, 26 chiếc điện thoại di động trị giá 172 triệu đồng, (trung bình 6,6 triệu đồng/chiếc) gấp rưỡi so với tiêu chuẩn.
Đánh giá về con số này, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, ông Lê Hoàng Quân cho rằng: “Tiêu chuẩn điện thoại đối với cấp vụ hoặc thứ trưởng chỉ tầm từ 3 tới 4 triệu, như vậy là các ban quản lý đã vượt tiêu chuẩn đến gấp rưỡi cho một chiếc điện thoại. Rõ ràng ở đây các ban quản lý dự án đã có sự lợi dụng trong chi tiêu và mua sắm công. Có thể nói, các ban quản lý dự án thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về các biện pháp tiết kiệm giảm bội chi ngân sách chưa nghiêm. Suy nghĩ và chỉ đạo của các đơn vị này là chưa tốt nên khâu tổng hợp, giám sát, xử lý không kịp thời, dẫn đến tác dụng răn đe và ngăn ngừa còn thấp”.
“Tiêu chuẩn điện thoại đối với cấp vụ hoặc thứ trưởng chỉ ở tầm 3 tới 4 triệu (trong khi theo kết quả kiểm toán thì thực tế mua sắm là 6,6 triệu đồng/ chiếc – PV), như vậy là các ban quản lý đã vượt tiêu chuẩn đến gấp rưỡi cho một chiếc điện thoại. Rõ ràng ở đây, các ban quản lý dự án đã có sự lợi dụng trong chi tiêu và mua sắm tài sản công…” - Ông Lê Hoàng Quân, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ sự lỏng lẻo trong việc mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản của các ban quản lý dự án. Một số lượng tiền lớn được đầu tư mua sắm máy móc thiết bị nhưng không thể đưa vào sử dụng do không phù hợp với nhu cầu sử dụng, hoặc đầu tư không đồng bộ. Ví dụ như chưa có phòng đặt máy, chưa có đội ngũ nhân lực sử dụng đã mua thiết bị. Thậm chí nhiều trang thiết bị mua về còn hỏng ngay từ khi bàn giao. Ví dụ: 7 thiết bị tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Thủy trị giá 688 triệu đồng, 10 thiết bị Bệnh viện Đa khoa Tam Nông trị giá 618 triệu đồng, 14 thiết bị của Bệnh viện Đa khoa Bình Xuyên trị giá 533 triệu đồng… Thậm chí chỉ một trung tâm Y tế thuộc tỉnh Vĩnh Yên lại mua tới 1.725 xe đạp có trị giá 1,4 tỷ đồng…
Quá nửa không báo cáo Bộ Tài chính theo chỉ đạo của Thủ tướng
Có thể nói sai phạm trong việc mua sắm, quản lý sử dụng tài sản của các ban quản lý dự án là vẫn còn tương đối nhiều mà nguyên nhân chính là sự thiếu kiên quyết trong việc quản lý, kiểm tra và giám sát. Kiểm toán Nhà nước cho biết, trong năm 2007, có tới 27/39 Bộ, ngành, 37/64 địa phương, 12/19 tổng công ty chưa tổng hợp tình hình sử dụng và quản lý tài sản công để báo cáo lên Bộ Tài chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Rõ ràng đây là sự thiếu trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương trong việc sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Thực tế này cho thấy, chúng ta cần phải có những biện pháp răn đe hiệu quả hơn, xử lý trách nhiệm cho từng cá nhân lãnh đạo trong việc mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản công.
Về vấn đề này, ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Quốc hội cho rằng: “Quy định về chế độ trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong việc quản lý sử dụng mua sắm tài sản công cần phải rõ ràng. Thủ trưởng của đơn vị trong một năm được mua sắm bao nhiêu tiền, mua sắm các tài sản đấy là đấu thầu hay không đấu thầu, tài sản sử dụng đến thời điểm nào phải thanh lý theo quy định của pháp luật. Tài sản mua về có giao cho người sử dụng hay không, sử dụng có đúng mục đích, đúng chế độ hay không thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm. Nếu để xảy ra tiêu cực thất thoát thì phải xử lý răn đe theo quy định pháp luật có thể về hành chính, hình sự”.
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn như hiện nay, việc thực hành tiết nhằm giảm bội chi ngân sách đang là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Từ kết quả kiểm toán này, các bộ ngành, các địa phương cần phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong kiểm tra giám sát việc mua sắm, sử dụng tài sản công để việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng lãng phí được thực hiện có hiệu quả và triệt để./.
Kiểm toán Nhà nước cho biết, trong năm 2007, có tới 27/39 Bộ, ngành, 37/64 địa phương 12/19 Tổng Công ty chưa tổng hợp tình hình sử dụng và quản lý tài sản công để báo cáo lên Bộ Tài chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Rõ ràng đây là sự thiếu trách nhiệm, của các Bộ, ngành, các địa phương trong việc sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Về vấn đề này, ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Quốc hội cho rằng: “… Tài sản mua về có đúng mục đích, đúng chế độ hay không, thủ trưởng các đơn vị phải chịu trách nhiệm”./.