Mua thêm 6.300 tỷ nợ xấu, VAMC vẫn khó đạt mục tiêu
VOV.VN -Theo TS Nguyễn Minh Phong, phải thêm những động lực mua bán nợ mới thì mới đẩy nhanh được thị trường này
Tại thời điểm năm 2013, chúng ta đã từng kỳ vọng sự ra đời của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) sẽ giúp xử lý nhanh nợ xấu và tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, tình hình có vẻ chưa cải thiện được nhiều.
Tại cuộc họp báo chiều nay (28/5), Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 25/5, công ty mua bán nợ VAMC mới mua thêm được 6.300 tỷ nợ xấu. Tổng cộng từ khi thành lập đến nay, công ty này đã mua vào 45.560 tỷ đồng nợ xấu.
Theo kế hoạch, năm nay công ty này sẽ mua vào 100.000-150.000 tỷ đồng.
Trước đó, trả lời VOV, TS Nguyễn Như Phong nhận định, mục tiêu này sẽ khó đạt được, bởi để mua được số nợ trên thì khi bán, các ngân hàng, chủ nợ phải trích dự phòng tới 30.000 tỷ đồng và 30.000 tỷ này đúng bằng tổng lợi nhuận của hệ thống các ngân hàng trong năm 2013.
“Trong khi đó, với dư nợ tín dụng dự kiến chỉ tăng 1% thì khả năng lợi nhuận của hệ thống ngân hàng khó cải thiện. Do đó, nếu xét về mặt lượng, tôi cho rằng khó đạt được mục tiêu”- TS Nguyễn Minh Phong nói.
Bên cạnh đó, công ty này có cơ chế hoạt động khá đặc thù, không giống bất kỳ công ty mua bán nợ nào trên thế giới. Nếu như trên thế giới, người ta dùng tiền mặt để mua bán nợ trên thị trường, có đánh giá, có giảm, thậm chí giảm rất căn bản nợ gốc theo tính chất khả năng đòi nợ được. Thì VAMC lại hoạt động theo cơ chế đặc biệt, là ngân hàng nào muốn bán nợ thì nhận trái phiếu, sau đó dùng trái phiếu đó thế chấp với Ngân hàng Nhà nước để vay được khoảng tối đa 70% nợ đã bán và trích lập rủi ro 20% tổng nợ bán.
“Tất cả những điều này cho thấy đây là cơ chế khá đặc thù và cần thời gian thử nghiệm. Hơn nữa, thị trường nợ phái sinh ở nước ta chưa rõ rệt. Chúng ta mới mua vào mà chưa có thị trường mua đi bán lại, khiến cho công ty này mua xong là “chết vốn”, không có khả năng bán lại, do đó phải cần thời gian để thực hiện việc xây dựng và phát triển thị trường nợ phái sinh, từ đó đẩy nhanh tiến độ mua vào. Tóm lại, chúng tôi cho rằng, có lẽ phải thêm những động lực mua bán nợ mới, cũng như sự tham gia của các tổ chức, công ty mua bán nợ của nước ngoài thì chúng ta mới đẩy nhanh được thị trường này” – TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh./.