Mức tăng trưởng của Quảng Nam thấp thứ 2/63 tỉnh, thành cả nước
VOV.VN - Trong 9 tháng năm 2023, tỉnh Quảng Nam có mức tăng trưởng thấp thứ 2 trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, thu ngân sách nhà nước giảm 40% so với cùng kỳ năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tỉnh này chỉ đạt gần 44%.
9 tháng vừa qua, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (GRDP) giảm 8,76% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp giảm hơn 25%, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp chế biến chế tạo giảm mạnh.
Điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam 9 tháng năm 2023 là hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch tăng trưởng tích cực. Lượng khách tham quan và lưu trú trong 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ, với hơn 6,4 triệu triệu lượt khách. Lượng khách quốc tế tăng mạnh với hơn 3 triệu lượt khách, gấp 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu du lịch đạt 6.590 tỷ đồng.
Tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, tỉnh Quảng Nam có mức tăng trưởng thấp thứ 2 trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tăng trưởng kinh tế giảm nhưng quy mô GRDP tỉnh Quảng Nam vẫn xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến cuối tháng 9 ước đạt trên 13.648 tỷ đồng, bằng 51% dự toán, giảm 40% so cùng kỳ năm 2022. 9 tháng năm 2023, tổng vốn đầu công giải ngân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là 4.060 tỷ đồng, đạt 43,8%.
Tỉnh Quảng Nam đã thành lập các Tổ công tác, trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các dự án trọng điểm trên địa bàn.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, hiện rất nhiều dự án trọng điểm có nguồn kinh phí lớn nhưng bị chậm tiến độ thi công: “Một số dự án như đường vùng Đông huyện Duy Xuyên; cầu Tam Tiến tại huyện Núi Thành; các tuyến ĐH1 và ĐH lên vùng cao huyện Phước Sơn; đường vào xã Trà Bui, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam... Đây là những dự án có vốn đầu tư rất lớn nhưng thi công chậm tiến độ, tồn tại nhiều vấn đề rất bức xúc. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án này đều vướng. Ngoài ra hiện nay các dự án đều thiếu nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên đây không phải là lý do để biện minh cho sự chậm trễ tại các dự án. Theo nguyên tắc, nếu để chậm tiến độ triển khai các dự án thì phải xử phạt hợp đồng. Không thể nào cứ để chậm trễ mãi và có dấu hiệu nhà thầu không chịu làm".