Mưu sinh mùa nước nổi nơi đầu nguồn Đồng Tháp
VOV.VN - Những ngày giữa tháng 9, trên một số cánh đồng không canh tác lúa vụ 3 ở huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, nước bắt đầu tràn bờ, những hộ dân mưu sinh mùa nước nổi đang tất bật đánh bắt thủy sản theo con nước về.
Năm nay, cá linh, cua, ốc theo con nước về cũng nhiều hơn so với vài năm trở lại đây, thu nhập của người dân vài trăm ngàn đồng cũng đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Từ khi con nước tràn bờ, ông Đỗ Văn Tây (Út Tây) 62 tuổi, ở thị trấn Sà Rài, huyện Tân Hồng dậy từ 3h sáng để đổ 40 cái dớn, công việc đổ dớn của ông kết thúc vào khoảng 7h sáng. Lúc đó bạn hàng đang chờ để thu mua cá linh, cua, ốc…rau muống đồng hay bông điên điển.
Giá bán cá linh giờ đây cũng theo chợ, nếu cá vừa đánh bắt xong được bán với giá 70.000 đồng/kg, còn cá đã làm sạch được bán với giá 80.000 đồng/kg. Cua, ốc bươu hay những loại cá khác được bán cho bạn hàng để mang về thành phố hay một số địa phương tiêu thụ với giá vài chục ngàn đồng/kg. Với 40 cái dớn đặt sau nhà, ông Út Tây mỗi ngày thu nhập vài trăm ngàn đồng, số tiền đó đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày của hai vợ chồng ông.
Ông Đỗ Văn Tây chia sẻ, những người đánh bắt thủy sản như ông cảm thấy vui khi mùa nước nổi về không chỉ mang theo phù sa bồi đắp cho đồng ruộng mà còn mang theo nguồn lợi thủy sản để một bộ phận người dân sống dựa sinh kế theo mùa nước có thêm thu nhập. Trước khi nước nổi về, nhiều người dân đã chuẩn bị ngư cụ trước vài tháng để đánh bắt sản vật thiên nhiên theo mùa nước về với hy vọng có thêm phần thu nhập cho gia đình.
Ông Đỗ Văn Tây ngậm ngùi cho biết, dù mong mùa nước nổi về, nhưng những người theo nghề đánh bắt thủy sản mùa nước nổi như ông giờ không nhiều như trước, bởi mấy năm trở lại đây nhiều người sắm ngư cụ “ngóng” nước về để tranh thủ đánh bắt thủy sản nhưng không như mong đợi nên phần lớn đã chuyển sang công việc khác để nuôi sống gia đình.
Có lẽ, vài chục năm sống dựa theo mùa nước nổi, ông Đỗ Văn Tây thấy rõ nguồn lợi thủy sản ngày một cạn kiệt, lượng tôm, cá ngày một ít dần. Năm nay, nước về cao hơn trung bình năm trước, tôm, cá cũng nhiều hơn cũng đồng nghĩa với công việc mưu sinh mùa này đỡ vất vả; số tiền kiếm được từ đặt dớn bắt cá mùa nước nổi phần nào tạm đủ trang trải cuộc sống gia đình.
“Đặt được 40 cái dớn để sống hàng ngày, mình làm thuê làm mướn thêm nữa. Ngày kiếm được nhiều khi 200.000 - 300.000 đồng. Lũ trễ quá trễ rồi, thành ra làm cũng không khá gì mấy. Mấy hôm rồi nhờ nước lên làm được, cá giờ có giá” - ông Đỗ Văn Tây chia sẻ.
Ngược, xuôi thu mua tôm, cá mùa nước nổi về, ông Trương Quang Tâm, ở thị trấn Sà Rài, huyện Tân Hồng chia sẻ, đầu mùa giá cá linh bán có giá nhưng khi đó lại không có cá để bán vì nước chưa tràn đồng. Giờ giá cá linh đã hạ xuống nhiều, giá cá chợ còn khoảng 40.000 đồng/kg. Đối với cá kích cỡ nhỏ, vừa đánh bắt lên sẽ được thu mua với từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg, những loại cá để làm mắm từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng/kg. Có nhiều hôm cua đánh bắt được nhiều giá bán 10.000 đồng/kg mà vẫn ít người mua.
“Nước năm nay cao hơn, nguồn cá năm nay ít. Tôi cân mọi năm ngày tấn, tấn mấy, mà năm nay tôi cân ngày được 20 – 30 kg. Sáng cân được 19 kg, còn mấy chỗ kia không có, ngoài kia không ai có, có 2 – 3 kg. Cá linh chợ một kg được 40.000 đồng/kg. Năm nay người ta nghỉ người ta đi Bình Dương nhiều rồi, nguyên nhân cá không có người ta bỏ đi, không đủ sống” - ông Trương Quang Tâm nói.
Theo ông Hồ Văn Lý, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hồng, diện tích lúa toàn địa bàn huyện hơn 21.200 ha, trong đó vụ Thu đông xuống giống hơn 8.500 ha, diện tích còn lại sẽ xả lũ để lấy phù sa và tận dụng nguồn lợi thủy sản tự nhiên để người dân đánh bắt tăng thêm thu nhập khi mùa nước nổi về.
“Lũ năm nay của Tân Hồng cao hơn so với cùng kỳ gần 1m, lũ về thì diện tích sản xuất lúa thu đông của Tân Hồng thì dự kiến ban đầu diện tích khoảng 11.000 ha, do mùa vụ nên bà con thống nhất xuống giống khoảng 8.500 ha, còn lại diện tích khoảng 3.000 ha để xả lũ. Còn ngoài ra diện tích sản xuất lúa 2 vụ xả lũ thường kỳ, xả bình thường chứ không có đê bao. Nước lớn hơn trung bình nhiều năm thì cũng có một số bà con làm nghề đánh bắt thủy sản nói chung thu nhập có lý hơn mấy năm trước, nguồn lợi thủy sản dồi dào hơn” ông Hồ Văn Lý nói.
Năm nay, ngành nông nghiệp Đồng Tháp xả lũ hơn 88.000 ha, những hộ dân không canh tác lúa vụ 3 sẽ xả nước vào ruộng và thực hiện mô sinh kế mùa nước như nuôi cá lóc trong ruộng lúa, nuôi tôm càng xanh, nuôi cua, làm lúa kết hợp với nuôi, trữ cá tự nhiên và nhiều mô hình sinh kế được thực hiện.
Những mô hình sinh kế mùa nước nổi đã phát huy và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân, nhiều mô hình lợi nhuận cao hơn canh tác lúa vụ 3, vừa thích ứng, vừa phát triển mô hình sinh kế bền vững cho nông hộ.
Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Tận dung lợi thế của mùa lũ để phát huy giá trị, cung cấp nguồn lợi thủy sản rất lớn cho người nông dân. Để phát huy đó xả lũ hơn 88.000 ha, đón lũ đầu nguồn lượng phù sa và đồng thời trong mấy năm gần đây khuyến cáo người dân áp dụng các mô hình sinh kế trong mùa lũ, chính cơn lũ này làm tăng lên hiệu quả của các mô hình này”.
Theo dự báo năm nay nước lũ ở ĐBSCL sẽ đạt đỉnh vào khoảng nửa cuối tháng 10 và ở mức cao hơn năm 2021 nhưng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Tại Đồng Tháp theo dự báo cuối tháng 9/2022, mực nước khu vực đầu nguồn sẽ ở mức 3,3m (thấp hơn báo động I khoảng 0,2m). Thời điểm này, nước đã tràn đồng, những người dân sống bằng nghề chài, lưới ở các huyện đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp lại có thu nhập thêm từ mùa nước nổi.