Mưu sinh mùa nước vùng đầu nguồn cực mà vui

VOV.VN - Ở vùng đầu nguồn Đồng Tháp, con nước đã tràn trên các cánh đồng. Bằng nhiều hình thức đánh bắt sản vật, bà con gửi gắm ước mơ no ấm theo con nước. Những bữa ăn vội trên xuồng ghe cũng là nét đặc trưng, tạo nên không khí tất bật mà vô cùng ấm cúng của những phận người mưu sinh trên đồng nước.

 

Thời điểm này đang dần vào cao điểm mùa nước ở miền Tây. Nhịp sống mưu sinh của bà con trên những cánh đồng cũng dần trở nên nhộn nhịp. Ở vùng đầu nguồn Đồng Tháp, con nước đã tràn trên các cánh đồng. Bằng nhiều hình thức đánh bắt sản vật, bà con gửi gắm ước mơ no ấm theo con nước. Những bữa ăn vội trên xuồng ghe cũng là nét đặc trưng, tạo nên không khí tất bật mà vô cùng ấm cúng của những phận người mưu sinh trên đồng nước.

Cánh đồng nước ở xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp là nơi đón mùa nước nổi đầu tiên của tỉnh. Ở nơi đây, dễ dàng bắt gặp nhiều ghe, xuồng của bà con đang đánh bắt thủy sản. Người thì thả lưới, giăng câu, người đặt lờ, lọp, dớn… các hình thức vừa đơn giản, ít tốn kém mà lại hiệu quả. Những hoạt động đánh bắt đã bắt đầu từ hơn tháng trước.

Gia đình ông Nguyễn Văn Cấu hay còn gọi là chú 7 (57 tuổi) ngụ xã Thường Thới Hậu A, là một trong những hộ kéo lưới hằng ngày trên cánh đồng nước này. Chú 7 đi làm với người chị ruột là cô Nguyễn Thị Lợi hay còn gọi là cô 6 và 2 người cháu trai là con của cô 6. Gia đình 4 người, hơn tháng nay, thời gian chủ yếu ở trên đồng nước, kéo lưới kiếm cá.

Khi thả lưới xuống giữa đồng thì 2 người con trai của cô 6 phụ trách kéo từ từ hướng vào bờ, cô 6 và chú 7 trên xuồng đón để kéo phụ, đến khi thấy cá xuất hiện ở đáy lưới. Ngày nhiều thì được hơn 200 ký cá các loại, ít thì cũng được hơn trăm ký. Thu nhập vài trăm ngàn từ đó là cả niềm vui với mỗi người, bởi con số đó cũng đã hơn hẳn việc đi làm thuê mướn mỗi ngày trong mùa khô.

Chú 7 Cấu hào hứng chia sẻ: "Đi đồng thì vui lắm, ở nhà thì buồn quá. Ở nhà đâu đi đâu được đâu, còn có cái đi mần vầy chị em, con cháu vui. Ở đây là trên cơm dưới cá mà, nước lên là người nào cũng nhộn nhịp hết. Năm được có mùa nước này thôi".

Những người đi làm cùng nhau trên đồng nước này đa phần là người trong gia đình, dòng họ nên dù vất vả mưu sinh nhưng lại gắn kết tình thân. Bốn giờ sáng, chiếc xuồng ba lá của nhà chú 7 chở các thành viên bắt đầu vào cuộc mưu sinh. 5h đến cánh đồng Thường Thới Hậu A, cả nhà bắt tay vào việc. Đến 14h, sau khi cân cho thương lái thu mua tại đồng mới kết thúc một ngày lao động của cả nhà. Ngày nào nhiều cá tôm, bán được nhiều tiền thì niềm vui nhân đôi. Lâu lâu có được vài con cá lớn thì xem như được lộc trời cho, ai ai cũng đều phấn khởi. 

Cô 6, chú 7 vui mừng kể: "Bữa bắt được 2 con cá leo, 2 con 6 kg, bán được 900.000 đồng. Có bữa bắt được con cá tra nữa, 4 kg. Ca linh, cá thiểu, cá lòng tong thì nhiều. Mùa nước trông mưa nước đặng có tiền, đánh lưới vầy mỗi ngày có tiền". 

Hơn 10 giờ lao động trên sông nước, bữa cơm trưa cũng phải ăn vội trên xuồng. Cô 6 kể sáng sớm cô nấu cơm mang theo, rồi có bếp gas trên xuồng cô làm đồ ăn cho cả nhà.

"Cá kéo lên lựa, cỡ 9h, 10h gì đó, cô nấu canh chua hoặc kho cho mấy nhỏ nóng nóng ăn ngon, chứ ở nhà đem vô thì lạnh quá ăn không ngon" - cô 6 chia sẻ.

Bữa cơm mùa nước không nhiều tiền mà thơm ngon hương vị quê hương, mà thấm đẫm tình thân gắn bó. Cứ bình dị vậy đó, mà hạnh phúc lan tỏa trên khắp cánh đồng nước mênh mông. Cách chỗ xuồng lưới của cô 6, chú 7 không xa là 2 chiếc xuồng nhỏ của anh Trương Văn Linh và 3 anh em của mình.

Các anh cùng ngụ xã Thường Phước 1 cũng đến cánh đồng nước xã Thường Thới Hậu A để kéo lưới bắt cá. Gần 11htrưa, các anh em của anh Linh thì tranh thủ dọn xong mẻ lưới vừa kéo, chuẩn bị ăn cơm. Làm việc từ sáng sớm nên bao tử bắt đầu réo gọi. Đảm nhận vai trò nấu nướng, anh Linh đã bắt vài con cá đồng vừa đánh lưới được, cho vào nồi kho lạt, cùng với mớ rau muống hái trên đồng từ sáng. Vậy là đầy đủ cho bữa cơm vội của những người mưu sinh trên đồng nước như các anh.

Anh Linh cho biết: "Ngày nào cũng vậy, y như vậy đó. Bắt được cá là nấu luôn".

 

Người dân mưu sinh mùa nước bảo ăn cơm trên xuồng, bồng bềnh sông nước cũng là một thú vui. Nhưng có lẽ sâu xa niềm vui của cư dân vùng đầu nguồn là được những mẻ lưới cho nhiều cá tôm, đỡ đần cuộc sống gia đình giữa cảnh chạy gạo mỗi ngày.

Bình quân mỗi ngày hơn trăm ký cá các loại, mỗi người cũng bỏ túi vài trăm ngàn để lo cơm áo cho những người thân yêu. Cuộc sống chỉ mong có vậy, nên bữa ăn dẫu không nhiều món ngon, dẫu chỗ ngồi không thoải mái, trên be xuồng bồng bềnh, nhưng lại ấm cúng, luôn rộn ràng tiếng nói cười. Từ đó làm nên nét đặc trưng của nhịp sống miền sông nước, để ai đến rồi cũng thương, ai xa quê rồi cũng nhớ.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tranh thủ mùa nước nổi, nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao ở Sóc Trăng
Tranh thủ mùa nước nổi, nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao ở Sóc Trăng

VOV.VN - Mùa nước nổi người nông dân phần lớn không trồng lúa, một số hộ tận dụng nguồn nước lớn để khai thác hiệu quả thuỷ sản nước ngọt tự nhiên, nhiều hộ còn thực hiện nhiều mô hình sinh kế cho hiệu quả kinh tế cao.

Tranh thủ mùa nước nổi, nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao ở Sóc Trăng

Tranh thủ mùa nước nổi, nhiều mô hình kinh tế cho hiệu quả cao ở Sóc Trăng

VOV.VN - Mùa nước nổi người nông dân phần lớn không trồng lúa, một số hộ tận dụng nguồn nước lớn để khai thác hiệu quả thuỷ sản nước ngọt tự nhiên, nhiều hộ còn thực hiện nhiều mô hình sinh kế cho hiệu quả kinh tế cao.

Phấn đấu 100% sản phẩm OCOP Đồng Tháp được kinh doanh trực tuyến
Phấn đấu 100% sản phẩm OCOP Đồng Tháp được kinh doanh trực tuyến

VOV.VN - Đồng Tháp là địa phương đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về sản phẩm OCOP, hiện nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu sang các thị trường và được các đối tác đánh giá cao bởi các sản phẩm OCOP đã đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Phấn đấu 100% sản phẩm OCOP Đồng Tháp được kinh doanh trực tuyến

Phấn đấu 100% sản phẩm OCOP Đồng Tháp được kinh doanh trực tuyến

VOV.VN - Đồng Tháp là địa phương đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về sản phẩm OCOP, hiện nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu sang các thị trường và được các đối tác đánh giá cao bởi các sản phẩm OCOP đã đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã sản phẩm.