Mỹ giảm biên độ phá giá thép không gỉ của Việt Nam

VOV.VN - Biên độ phá giá đối với sản phẩm ống thép hàn chịu lực không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam giảm còn 16,25%.

Cục Quản lý cạnh tranh (VCA - Bộ Công Thương) ngày 27/5 cho biết, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết luận cuối cùng về biên độ phá giá trong vụ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép hàn chịu lực không gỉ nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Theo đó, biên độ phá giá được xác định đối với các công ty Việt Nam là 16,25%.

Trước đó, ngày 31/12/2013, DOC đã đưa ra kết luận sơ bộ về biên độ phá giá đối với các công ty của Việt Nam, từ 17,72% tới 53,91%.

Bị đơn bắt buộc trong cuộc điều tra là Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà (Sonha International Corporation) và Công ty TNHH Mejonson Industrial Việt Nam nhận biên độ phá giá là 16,25%. Tất cả các nhà sản xuất/xuất khẩu khác của Việt Nam cũng nhận biên độ phá giá cuối cùng là 16,25%.

Theo VCA, trong vụ việc này, ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ đã nộp đơn yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của 3 nước đó là Thái Lan, Malaysia và Việt Nam.

Tại Quyết định cuối cùng, biên độ phá giá chính thức của các doanh nghiệp xuất khẩu của Malaysia là từ  22,70% tới 167,11% và từ 24,01% tới 23,89% đối với Thái Lan. Có thể thấy trong vụ việc nêu trên, biên độ phá giá chính thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam là thấp nhất.

Trong năm 2013, tổng giá trị mặt hàng ống thép hàn chịu lực không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ ước tính đạt 10,3 triệu USD, từ Malaysia là 11,9 triệu USD và từ Thái Lan là 16,9 triệu USD.

VCA cũng cho biết, Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) dự kiến sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về thiệt hại vào ngày 6/7/2014, đồng thời khẳng định việc nhập khẩu mặt hàng ống thép hàn chịu lực không gỉ nhập khẩu từ Malaysia, Thái Lan và Việt Nam gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho ngành công nghiệp sản xuất nội địa Hoa Kỳ, DOC sẽ ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá, dự kiến vào ngày 13/7/2014.

Tuy nhiên, trong trường hợp USITC kết luận phủ định về thiệt hại hoặc đe dọa thiệt hại, cuộc điều tra sẽ được chấm dứt mà không áp đặt thuế chống bán phá giá./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên