“Năm 2015, dư nợ tín dụng tăng khoảng 12 - 14%”
Ngân hàng Nhà nước đưa ra dự báo một số chỉ tiêu tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong năm 2015...
Đây là chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước dự báo tại báo cáo giải trình, phục vụ cho phiên chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 29/9 tới. Theo đó, tình hình cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong các năm 2014-2015 nằm trong “đề bài” dành cho Thống đốc.
Một trong những cơ sở để đưa ra dự báo nói trên được Thống đốc dẫn tại báo cáo là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 đề ra nhiệm vụ phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6-6,2%; kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 7%. Cộng thêm các đánh giá, nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô, tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã dự báo một số chỉ tiêu tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong năm 2015.
Theo đó, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 12-14% so với cuối năm 2014 và căn cứ vào diễn biến, tình hình thực tế để điều chỉnh phù hợp. Lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý, phù hợp với các cân đối kinh tế vĩ mô, đảm bảo khả năng thanh toán và an toàn hệ thống.
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước “hứa” năm 2015 sẽ triển khai các giải pháp tín dụng để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đáp ứng vốn cho nền kinh tế.
Nhìn lại từ đầu năm đến nay, Thống đốc đánh giá Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết tiền tệ phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tổng phương tiện thanh toán diễn biến phù hợp với kinh tế vĩ mô, tiền tệ và các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Theo báo cáo, tính đến ngày 29/8, so với cuối năm 2013 tổng phương tiện thanh toán tăng 9,09% còn huy động vốn tăng 8,52%. Trong đó huy động vốn bằng VND tăng 9,94%, bằng ngoại tệ giảm 0,1%.
Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng được đảm bảo, lãi suất liên ngân hàng giảm so với cuối năm 2013, dự phòng khả năng chi trả tốt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán cho doanh nghiệp và người dân, Thống đốc khái quát.
Vẫn so với cuối năm 2013, Thống đốc cho biết mặt bằng lãi suất đến nay đã giảm khoảng 0,5-1,5%/năm. Hiện lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7-8%/năm. Cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường phổ biến khoảng 9-10%/năm đối với ngắn hạn; 10,5-12%/năm đối với trung và dài hạn. Đáng chú ý là một số doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả lãi suất cho vay chỉ 6-7%/năm.
Tổng hợp đến cuối tháng 8/2014, thông tin được đưa ra là dư nợ cho vay bằng VND có lãi suất trên 15%/năm chiếm 4,3% tổng dư nợ cho vay VND, giảm so với tỷ trọng 6,3% cuối năm 2013. Còn dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 12,3% tổng dư nợ cho vay bằng VND (19,72% là tỷ trọng cuối năm 2013).
Vẫn theo Thống đốc, tín dụng đối với nền kinh tế đến ngày 29/8/2014 tăng 6,21% so với cuối năm 2013 và tăng 12,35% so với cùng kỳ năm 2013.
Tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế chưa cao, nguyên nhân chủ yếu do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, tình trạng nợ đọng ngân sách, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo chưa được xử lý dứt điểm, cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn chưa được đẩy mạnh.... ông Bình lý giải.
Và, theo dự báo của Thống đốc thì đến cuối năm, tăng trưởng tín dụng có khả năng đạt được khoảng 10%.
Việc tổ chức triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng được Thống đốc nhìn nhận là đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp, duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cao hơn cùng kỳ và đưa dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng lên mức kỷ lục.
Đây là những yếu tố quan trọng được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế sử dụng làm căn cứ nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong tháng 7 vừa qua từ mức B2 lên B1, Thống đốc nhấn mạnh./.