Năm 2016 kinh tế đất nước sẽ có bước nhảy vọt
VOV.VN -Trong năm 2016 này, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, kinh tế đất nước tiếp tục ổn định, có những bước nhảy vọt, bứt phá hơn nữa.
Năm nay, một số Hiệp định thương mại song phương và đa phương có hiệu lực. Nhiều doanh nghiệp đang kỳ vọng sẽ mở rộng được thị trường xuất khẩu, mang đến những động lực mới trong sản xuất, kinh doanh từ những chính sách, môi trường thuận lợi.
Theo ông Nguyễn Huy Thông - Phó Giám đốc Công ty Mây tre đan tỉnh Hà Nam, hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, ngành thủ công mỹ nghệ hiện đóng vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm và thu nhập cho người nghèo ở nông thôn và miền núi, đồng thời cũng là một ngành hàng xuất khẩu đem lại giá trị cao cho đất nước.
Nhiều doanh nghiệp đang kỳ vọng, năm 2016 sẽ mở rộng được thị trường xuất khẩu, mang đến những động lực mới trong sản xuất |
Hiện cả nước có trên 1.500 doanh nghiệp và cơ sở tham gia sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, tạo thu nhập cho gần 1,5 triệu lao động và đem lại kim ngạch xuất khẩu hàng năm gần 1,7 tỷ USD.
Theo các Hiệp định thương mại tự do được ký kết, dệt may được đánh giá được hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty May Hưng Yên, với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lãi suất tăng và giá xăng dầu giảm sẽ ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp.
Do đó, năm 2016 xác định vẫn có thể gặp khó khăn nếu nhà nước không điều chỉnh tỷ giá.
Để tiếp tục phát triển, doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải nâng cao năng lực sản xuất bằng cách tăng năng suất lao động để giảm giá thành.
Chính phủ cần có những định hướng để doanh nghiệp tự tin mở rộng thị trường, tránh được rủi ro |
Đánh giá về năm 2016, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, nền kinh tế vẫn tiếp tục ổn định vĩ mô, đà duy trì ổn định kinh tế vĩ mô sẽ được tiếp tục phát huy.
Với việc các Hiệp định Thương mại tự do chúng ta đã hoàn thành đàm phán cũng như ký kết thời gian tới, sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới.
Ông Lộc kỳ vọng, cộng đồng doanh nghiệp trong nước sẽ không chậm chân trong việc đón nhận những cơ hội từ các Hiệp định, cũng như cơ hội từ cải cách thể chế trong nước mở ra. Đồng thời, ông mong muốn, Chính phủ sẽ có chương trình thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình hội nhập về tạo điều kiện để tiếp cận với nguồn vốn tín dụng dễ dàng hơn, hỗ trợ tiếp cận công nghệ, thị trường, nâng cao về năng lực quản trị.
Để giữ vững thị trường trong nước cũng như vươn ra thế giới và khu vực, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực kinh doanh, nắm chắc thông tin, có kế hoạch hành động thiết thực, bài bản để có thể triển khai chiến lược kinh doanh trong bối cảnh mới ./.