Năm 2023 bắt đầu giai đoạn đột phá về hạ tầng của TP.HCM
VOV.VN - Câu chuyện nhiều dự án giao thông tại TP.HCM đang thi công giữa chừng, thậm chí là gần hoàn thành lại phải “đắp chiếu”, “trùm mền” không thể thi công tiếp dường như đã trở nên quá quen thuộc trong những năm qua.
Tuy nhiên, nút thắt trong bài toán giải phóng mặt bằng đã được TP.HCM giải quyết bằng các giải pháp cụ thể, quyết liệt và đồng bộ trong thời gian qua. Nhờ đó, nhiều dự án quan trọng đã được khởi động trở lại, mở ra một giai đoạn phát triển mới về hạ tầng giao thông của TP.HCM.
Thay đổi đến từ buổi lễ đặc biệt
Trở lại cầu Long Kiểng trong những ngày giáp Tết, chúng tôi thấy cảnh tất bật thi công của nhóm các công nhân. Dù đã giữa trưa, trời nắng gắt nhưng từng tốp người vẫn cần mẫn làm việc, phối hợp nhịp nhàng. Hiện công trình đang ở bước nhồi cọc và dự kiến sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2023.
Ngay gần đó, ông Nguyễn Văn Bảnh đang ngồi trước căn nhà mới khang trang để nghỉ trưa. Gia đình ông Bảnh vốn sinh sống lâu đời ở mảnh đất này. Dự án xây mới cầu Long Kiểng triển khai, ngôi nhà của mẹ ông ngay mặt tiền nằm trong phạm vi giải toả đã nhận tiền đền bù và dời đi. Căn nhà của ông ở phía sau mặc dù bị ảnh hưởng nhưng vẫn còn đủ điều kiện ở lại. Sau khi nhận tiền đền bù, gia đình ông Bảnh đã dùng để xây căn nhà khang trang hơn.
“Chúng tôi cũng đã giao mặt bằng cho bên công trình làm thuận lợi. Đã giao đất hết rồi nên cũng mong công trình làm cho nhanh, xong cho sớm để ổn định, người dân qua lại làm ăn” - ông Bảnh chia sẻ.
Dự án xây dựng cầu Long Kiểng nối 2 xã Nhơn Đức và Phước Kiển được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2001, năm 2007 mới bồi thường giải phóng mặt bằng được một số hộ dân. Tháng 8/2018, cầu Long Kiểng được khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2019. Thế nhưng, cũng vì câu chuyện mặt bằng mà dự án bị dừng lại.
Sau đó, để gỡ nút thắt, TP.HCM đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt và huyện Nhà Bè cũng đã tập trung tháo gỡ các vướng mắc, vận động, thuyết phục 103 hộ dân còn lại bàn giao mặt bằng. Việc này càng được chú trọng trong giai đoạn cao điểm phòng chống dịch COVID-19. Với sự kiên trì, bền bỉ, tất cả các hộ dân đã đồng thuận cao, không có trường hợp nào phải cưỡng chế.
Ngày 8/9/2022, TP.HCM tổ chức một buổi lễ đặc biệt, chưa từng có, đó là Lễ bàn giao – tiếp nhận mặt bằng tái khởi động xây dựng cầu Long Kiểng. Dự án chính thức được triển khai cho đến nay.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, từ thành công bước đầu của dự án cầu Long Kiểng đã có nhiều bài học được rút ra. Trước hết đó là phải có sự quan tâm đặc biệt của cấp uỷ trong vận động, để người dân hiểu và chia sẻ, đồng cảm vì lợi ích chung. Thứ hai là phải có sự tổ chức điều hành rất linh hoạt, năng động và sự quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp. Việc đưa các chính sách để hỗ trợ bồi thường, tái định cư cho người dân bao giờ cũng phải xuất phát từ thực tiễn địa phương, của từng hộ dân, tính pháp lý của từng vị trí.
TP.HCM phải vận dụng rất linh hoạt những chính sách, ngoài các chính sách chung trong phạm vi thẩm quyền, để hỗ trợ bổ sung cho người dân. Theo ông Hoan vấn đề quan trọng là phải làm sao chính sách bồi thường sát với thị trường, tạo ra mặt bằng mới, giúp tạo sự cân bằng, người dân dễ đồng thuận.
“Công tác bồi thường là quan trọng, sự đồng thuận của người dân, sự quyết tâm của nhà nước là cần thiết để chúng ra xới lên để làm. Từ đây tạo ra động lực, phong trào giúp chủ đầu tư các dự án nỗ lực hơn, vượt qua công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án kịp tiến độ, có những sản phẩm, công trình thiết thực kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” - ông Hoan cho biết.
Hiện TP.HCM đang gấp rút triển khai dự án Vành đai 3 TP.HCM. Đây là dự án quan trọng không chỉ của TP.HCM mà còn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dù vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng nhưng lãnh đạo TP.HCM khẳng định quyết tâm sẽ hoàn thành sớm hơn kế hoạch Trung ương giao, biến “Vành đai 3 TP.HCM là một kiểu mẫu trong thu hồi đất để có mặt bằng triển khai các dự án” để TP có thể áp dụng trong các dự án, công trình sau đó.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng khẳng định, quan điểm của TP là phải đảm bảo bồi thường hỗ trợ theo nguyên tắc bằng hoặc tốt hơn. TP.HCM thẩm định giá cao nhất có thể, tiệm cận với giá thị trường; khi xây dựng tái định cư thì đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, kết nối, ưu tiên hỗ trợ như có thể xem xét có các chính sách cho thuê, mua nhà đối với người còn thiếu một số điều kiện.
Năm 2023 sẽ bắt đầu giai đoạn 10 năm đột phá hạ tầng
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) đánh giá, trong 3 điểm sáng của ngành giao thông TP.HCM bên cạnh việc có nhiều dự án chiến lược liên vùng được khởi động, nhiều dự án được đưa vào hoạt động thì sáng nhất chính là “công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã được thành phố đặc biệt quan tâm cũng như các địa phương quyết tâm vào cuộc”.
Cụ thể, đến nay TP.HCM đã sẵn sàng nhận mặt bằng được khoảng 10 dự án để tiếp tục thi công, vốn là các dự án đã chờ đợi rất lâu trước đây, ví dụ như cầu Vàm Sát 2, cầu Long Kiểng, cầu Hang Ngoài và dự kiến trong quý 1/2023 có khoảng 15 dự án, như cầu Tăng Long, cầu Ông Nhiêu, cầu Ông Bồn, cầu Phước Long, cầu Rạch Đĩa... sẽ được bàn giao để Ban Giao thông tiếp tục triển khai.
Do đó, hàng loạt dự án được khởi công vào cuối năm nay như mở rộng đường Trần Quốc Hoàn, nút giao An Phú, mở rộng Quốc lộ 50… thì năm 2023 sẽ chứng kiến hàng loạt công trình được khởi động trở lại, tạo nên “một giai đoạn phát triển mạnh mẽ về hạ tầng giao thông TP.HCM”.
“Có thể nói là chúng tôi cảm nhận từ năm 2023 chúng ta sẽ nhìn thấy trước 10 năm đột phá, đặc biệt trong phát triển hạ tầng của TP.HCM nói riêng cũng như khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Chúng tôi mong nhận được sự đồng thuận của bà con để chúng ta hoàn thành sớm nhất các dự án giao thông, phục vụ nhiều hơn nữa cho người dân TP” - ông Lương Minh Phúc nói.
Những ngày này, TP.HCM liên tiếp khởi công cũng như đưa vào sử dụng nhiều dự án giao thông quan trọng. Mới đây, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo TP.HCM, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đã trực tiếp trải nghiệm hành trình 10km tuyến metro số 1. Đoàn tàu metro di chuyển trong sự vui mừng của nhân dân như khẳng định bước chuyển mới về hạ tầng giao thông TP trong năm 2023.
“Quyết tâm tạo đột phá chuyển biến về hạ tầng trong năm 2023, tạo nên điểm nhấn trong quá trình thực thực hiện, tạo chuyển biến về hạ tầng của TP. Đó là một trong những điểm nghẽn của TP. Chúng ta đang nỗ lực làm điều đó và sẽ cố gắng quyết tâm” - Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói.
Hạ tầng giao thông là mạch máu của nền kinh tế. Trong bối cảnh tăng trưởng của TP.HCM – đầu tàu cả nước đang có dấu hiệu chậm lại thì việc khơi thông các mạch máu được xem là giải pháp hữu hiệu nhất để TP.HCM tiếp tục duy trì đà phát triển, đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Với vai trò đi trước mở đường, hy vọng hạ tầng giao thông TP.HCM sẽ có những bước chuyển vượt bậc trong năm 2023 để giúp kinh tế - xã hội TP.HCM thực sự tăng tốc trong năm 2023 và những năm tiếp theo./.