Năm lý do Mỹ không dễ thắng trong cuộc chiến thương mại
Tổng thống Donald Trump cho rằng, Mỹ dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại, song hầu hết chuyên gia quốc tế nhận định ngược lại.
Trước việc các nước trên khắp thế giới, từ châu Âu, châu Á, đến Mỹ Latin, đe dọa trả đũa Mỹ nếu nước này đánh thuế nhập khẩu thép và nhôm, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dự báo rằng, Mỹ sẽ dễ dàng chiến thắng trong chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế, chuyên gia thương mại phản bác quan điểm chủ quan này của người đứng đầu Nhà Trắng và khẳng định rằng, mọi nước, trong đó có Mỹ, đều bị tổn thất khi chiến tranh thương mại xảy ra.
Sản xuất thép ở Thanh Đảo, Trung Quốc. (Ảnh: AFP_ |
Dưới đây là 5 lý do vì sao nước Mỹ không dễ thắng trong cuộc chiến thương mại.
1.Thuế quan không giúp nhiều cho việc thúc đẩy việc làm trong ngành thép và nhôm
Ông Donald Trump cho rằng, đánh thuế nhập khẩu thép và nhôm sẽ kích thích đầu tư sản xuất trong nước và tăng việc làm. Tuy nhiên, trên thực tế, những thay đổi về công nghệ hiện nay đã làm các ngành này ngày càng ít sử dụng lao động hơn. Các chuyên gia cho biết, những nỗ lực bảo vệ lao động ngành thép trong thời gian qua hầu hết là không hiệu quả.
2.Thuế quan sẽ làm tăng chi phí sản xuất tại Mỹ
Liên đoàn Bán lẻ quốc gia Mỹ coi việc đánh thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu là việc “đánh thuế vào chính các gia đình Mỹ”.
Trong khi Bộ trưởng Bộ thương mại Mỹ Wilbur Ross ủng hộ chủ trương của Tổng thống Donald Trump và cho rằng, nhiều người phản ứng thái quá trước dự định đánh thuế nhập khẩu thép và nhôm, song theo ông Edward Alden, chuyên gia cao cấp thuộc Hội đồng Đối ngoại Mỹ, quyết định đó sẽ gây tổn thất nghiêm trọng cho chính nền kinh tế số 1 thế giới này.
3.Thuế quan gây tổn hại cho các đồng minh và dẫn đến các hành động trả đũa
Các nhà phân tích cho rằng, nhiều nước chắc chắn sẽ có biện pháp trả đũa tương xứng, từ đó làm suy yếu hệ thống thương mại tự do toàn cầu.
Ngoài biện pháp trả đũa ngay, các nước bị ảnh hưởng cũng có thể kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tuy nhiên, việc xử lý tại WTO thường kéo dài nhiều năm và khá phức tạp.
4.Không thể xem nhẹ thị trường Trung Quốc
Thực tế, Mỹ rất đau đầu với việc thép và nhôm giá rẻ Trung Quốc tràn ngập thị trường trong nước và chính quyền nước này đã có những biện pháp tự vệ nhằm ngăn chặn các sản phẩm kim loại này của Trung Quốc.
Ông Donald Trump cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc tăng thuế nhập khẩu là cần thiết để ngăn chặn thép Trung Quốc thâm nhập vào thị trường Mỹ thông qua các nước khác. Tuy nhiên, việc đơn phương hành động sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường, bởi chính các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là các nhà sản xuất ô tô, doanh nghiệp trong các ngành công nghệ và nông nghiệp, đang tìm mọi cách để thâm nhập thị trường khổng lồ Trung Quốc.
5.Khó lường với chia rẽ chính trị trong nước
Ông Donald Trump không phải là tổng thống Mỹ duy nhất sử dụng chính sách thương mại để bảo vệ các ngành công nghiệp có tầm quan trọng chiến lược. Tuy nhiên, vấn đề là, vận dụng thế nào cho tối ưu và được sự đồng thuận trong nước là không dễ.
Hiện tại, chính trường Mỹ đang có sự chia rẽ rõ rệt liên quan đến việc đánh thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu. Nhiều đảng viên Đảng Dân chủ ủng hộ chủ trương đánh thuế này của Tổng thống. Trong khi đó, các cố vấn Nhà Trắng đang có nhiều ý kiến khác nhau và những đảng viên Đảng Cộng hòa có quan điểm ủng hộ thương mại tự do thì kịch liệt phản đối ông Donald Trump./.
Đổi mã HS nhập khẩu thép cuộn ồ ạt: Bộ Công Thương “xử” thế nào?
Nhập khẩu thép tăng vọt