Nâng cao nhận thức về Luật bảo vệ người tiêu dùng, không hô hào khẩu hiệu
VOV.VN - Quyền lợi của người tiêu dùng hiện nay chưa được coi trọng đúng mức do ý thức của một số doanh nghiệp chưa cao, chế tài chưa đủ mạnh, biện pháp quản lý còn nặng về khẩu hiệu hơn là đi vào thực chất. Do đó, bảo vệ quyền của người tiêu dùng phải bằng kỹ thuật, không phải bằng khẩu hiệu.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho rằng, theo Điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 thì người tiêu dùng có 8 quyền cơ bản bao gồm: Quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa;
Quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ; Quyền được lựa chọn hàng hóa; Quyền được góp ý về giá cả, chất lượng hàng hóa, phong cách phục vụ; Quyền được tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn; Quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình và Quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, một số quyền nói trên không được đảm bảo. Đơn cử, tình trạng thực phẩm bẩn vẫn tràn lan, có những vụ đặc biệt nghiêm trọng như vụ rau Vietgap "dởm" vào siêu thị vừa rồi, hay vụ pate Minh Chay năm 2020...
"Ngày nay, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng càng trở nên cấp thiết hơn do giao dịch trực tuyến phát triển mạnh, bên cạnh hàng hóa chất lượng thì cũng có rất nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ không an toàn cho người tiêu dùng", ông Phú nói.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của chúng ta sau hơn 10 năm áp dụng đã bộc lộ nhiều bất cập, cần phải sửa đổi nhanh. Ví dụ có những hành vi vi phạm của doanh nghiệp mang lại cho họ lợi nhuận 50 triệu đồng mà nếu bị phát hiện chỉ bị phạt 5 triệu đồng thì không đủ sức răn đe.
"Thực tiễn cho thấy, công tác tuyên truyền, giáo dục về trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chưa đủ mạnh. Bên cạnh các doanh nghiệp làm ăn chân chính, vẫn còn nhiều hiện tượng tiêu cực như làm hàng giả để đánh lừa người tiêu dùng, quảng cáo gây nhầm lẫn, quảng cáo gian dối…", ông Phú phân tích.
Trong bối cảnh mới, từ vấn đề nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho toàn xã hội (cho cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan - tổ chức liên quan và cho chính bản thân người tiêu dùng); những vấn đề như tiêu dùng bền vững, tiêu dùng “xanh” (bảo vệ môi trường), chống hàng giả... cho đến những hiện tượng mới nảy sinh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế như các hành vi quảng cáo, khuyến mại không trung thực, bán hàng đa cấp bất chính, gian lận và lừa đảo trên mạng… đòi hỏi chúng ta phải có cách nhìn mới và cách tiếp cận mới nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh những nội dung - giải pháp như: Hoàn thiện luật pháp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghiên cứu nội dung, yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; Giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của người tiêu dùng; Nâng cao năng lực bộ máy bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… thì việc nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn phải là nội dung - giải pháp vừa mang tính trước mắt, vừa mang tính lâu dài; vừa “đi trước”, vừa “đi cùng” trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Việc nâng cao nhận thức cần phải được tiến hành thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, làm cho toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và chính người tiêu dùng có nhận thức đầy đủ về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là những vấn đề như tiêu dùng bền vững, tiêu dùng xanh, tiêu dùng hợp lý, vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm...trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Công tác tuyên truyền, giáo dục về trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chưa đủ mạnh. Bên cạnh các doanh nghiệp làm ăn chân chính, thực hiện phương châm “khách hàng là thượng đế” với những hoạt động thiết thực như chú trọng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, hạ giá thành, coi trọng công tác hậu mãi, bảo hành sản phẩm, có trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng thì cũng còn nhiều hiện tượng tiêu cực như làm hàng giả để đánh lừa người tiêu dùng, quảng cáo gây nhầm lẫn, quảng cáo gian dối, từ chối bảo hành, thoái thác trách nhiệm đối với hàng hoá và dịch vụ của mình…
Về phía mình, chính bản thân người tiêu dùng cũng chưa nhận thức đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình, trong đó có quyền lựa chọn hàng hoá,dịch vụ; được cung cấp các thông tin trung thực, được bảo đảm an toàn về tính mạng, sực khoẻ và môi trường; có quyền đòi bồi thường thiệt hại, quyền khởi kiện...và trách nhiệm tự bảo vệ mình, phát hiện, tố cáo các hành vi gian dối về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng nhãn hiệu hàng hoá, giá cả và các hành vi lừa dối khác... Tình trạng này còn nghiêm trọng hơn ở các vùng sâu, vùng xa, nơi người tiêu dùng có rất ít cơ hội tiếp cận với việc tìm hiểu và thực thi quyền và trách nhiệm của mình.
Để nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách toàn diện cần:
Một là, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng để tự bảo vệ chính mình; giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng doanh nghiệp về trách nhiệm của họ đối với người tiêu dùng.
Hai là, các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ mỗi vị trí của mình có trách nhiệm lớn trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ, hướng dẫn việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về bảo vệ người tiêu dùng cho toàn xã hội.
Ba là, công tác tuyên truyền, giáo dục cần được tiến hành thường xuyên và với nhiều cấp độ, nhiều hình thức phong phú, như: tổ chức hội thảo, khoá đào tạo về bảo vệ người tiêu dùng cho đại diện người tiêu dùng và cộng đồng doanh nghiệp; tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, thông tin về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên nhiều các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; qua trả lời phỏng vấn, đối thoại, tọa đà; các ấn phẩm, tờ rơi về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Các hoạt động khác như gây dựng hình ảnh, niềm tin về cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong con mắt người tiêu dùng; tổ chức các sự kiện về quyền của người tiêu dùng; tích cực triển khai các nội dung, kế hoạch của ngành Công thương…sẽ góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức bảo vệ người tiêu dùng cho toàn xã hội.
Khi điều kiện cho phép, cần nghiên cứu đưa các nội dung giáo dục về tiêu dùng vào chương trình ở các cấp học như một số nước, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng, tiêu dùng bền vững, tiêu dùng và bảo vệ môi trường…