Năng lực cạnh tranh lên 10 bậc, Việt Nam còn nhiều cơ hội thăng hạng

VOV.VN - Dù còn nhiều cơ hội thăng hạng nhưng nếu chậm cải cách nền kinh tế thì nhiều quốc gia khác sẽ vượt lên và Việt Nam khó giữ được thứ hạng như hiện nay.

Trong Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu vừa được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố, năm 2019 Việt Nam đứng thứ 67 trong 141 nền kinh tế cạnh tranh, với 61,5 điểm trên thang 100. Thứ hạng này đã tăng 10 bậc so với năm 2018 khi Việt Nam đứng thứ 77/140 nền kinh tế cạnh tranh với 58,1/100 điểm.

Trong 12 trụ cột của WEF, Việt Nam cũng được xếp thứ hạng cao nhất về quy mô thị trường khi đứng thứ 26 với 72 điểm. So với năm 2018, điểm số của gần như toàn bộ 12 lĩnh vực của Việt Nam đều tăng và WEF cũng đã đánh giá, nền kinh tế Việt Nam có mức độ cải thiện điểm số và tăng hạng tốt nhất toàn cầu.

Chỉ số năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia phụ thuộc vào nhiều nhân tố khác nhau, việc xếp hạng thường xuyên hàng năm đều được tiến hành thông qua việc theo dõi của các cơ quan, tổ chức quốc tế đối với từng quốc gia. Trong tất cả các chỉ tiêu đánh giá một nền kinh tế sẽ được tính bình quân để xếp hàng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Điểm đánh giá của Việt Nam với lần lượt 12 cột trụ của WEF.

Với việc tăng hạng đáng kể về năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2019, nhiều chuyên gia cho rằng, một phần là vì Việt Nam đã có được sự đổi mới trong hoạt động kinh tế nói chung, đặc biệt là việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như sự năng động của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Thực tế cho thấy, hầu hết các nhóm chỉ tiêu do các tổ chức quốc tế đưa ra khi đối chiếu tại Việt Nam đều có mức tăng đáng kể. Trong đó, các chỉ tiêu về cải cách, ổn định kinh tế vĩ mô, chỉ số lạm phát, môi trường đầu tư kinh doanh, chính sách thuế…đã góp phần làm cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng cao trong bảng tổng sắp.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính nhận xét, một số chỉ tiêu của Việt Nam được các chuyên gia quốc tế đánh giá rất cao như chỉ số về mong muốn đầu tư cũng như cải thiện môi trường đầu tư, thể hiện ở việc thay đổi chính sách thuế, tăng cường thông tin, giao dịch điện tử của Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Sự ổn định chính trị, kinh tế đã được nhìn nhận rõ ràng hơn nhất là trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động lớn, thậm chí là khủng hoảng.

“Chỉ số tăng trưởng kinh tế cũng như sự ổn định của đồng Việt Nam đang khiến các nhà đầu tư yên tâm. Tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng qua chỉ ở mức 8,6% - 9%, nhưng tăng trưởng GDP của Việt Nam lại ở mức cao, vào khoảng 7%. Trong khi ở các năm trước, nền kinh tế muốn tăng trưởng 1% GDP thường phải đánh đổi tăng trưởng 3% - 4% vốn tín dụng. Thị trường chứng khoán cũng như tốc độ vốn hóa năm 2019 cũng có mức tăng trưởng khoảng 17% so với năm 2018. Đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chính phủ năm 2019 tăng trưởng ngoạn mục đã cho thấy sự thay đổi trong cách thức huy động và sử dụng vốn của nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp không còn phụ thuộc vào tín dụng để tăng trưởng”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Tiến trình cải cách không thể chậm lại

Có thể thấy, việc thay đổi thế chế kinh tế của Việt Nam là sự thay đổi thực chất từ trong tái cấu trúc cũng như nội tại của nền kinh tế. Vì vậy, những thành tựu kinh tế được ghi nhận tạo nên sự vượt bậc về thứ hạng cạnh tranh quốc gia được nhận định sẽ còn có tác động về lâu dài.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là, trong lúc Việt Nam cải cách, đổi mới nền kinh tế và cơ chế quản lý thì nhiều quốc gia trên thế giới cũng có những chính sách thay đổi mạnh mẽ. Do đó, nếu Việt Nam đi chậm lại trong tiến trình cải cách nền kinh tế cũng như chủ quan thì nhiều quốc gia khác sẽ vượt lên và Việt Nam khó giữ được thứ hạng như hiện nay.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh chỉ ra nhiều khả năng cải thiện năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam.

Để duy trì bền vững thứ hạng cạnh tranh của Việt Nam, theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh thì vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm, có thể kể ra như nhân tố năng suất lao động, dù chỉ số này đã được nâng cao nhưng mức tăng trưởng vẫn chưa phát huy hết khả năng cũng như đáp ứng mong muốn của các nhà quản lý. Chính vì thế, trong thời gian tới, năng suất lao động không cải thiện nhanh chóng hơn thì thứ hạng cạnh tranh của Việt Nam sẽ tự “rơi” xuống mức thấp.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện các luật cũng như cơ chế quản lý ở một số lĩnh vực của nền kinh tế vẫn chưa đi vào thực chất. Một số thị trường tại Việt Nam chưa phát triển thực sự và đúng mức nên khó đáp ứng cho nhu cầu phát triển nhanh hơn, cao hơn của nền kinh tế. Do đó, việc phát triển một cách đầy đủ các thị trường từ thị trường lao động, thị trường nguyên - nhiên vật liệu cho đến các nhân tố khác đang là một trong những đòi hỏi và yêu cầu rất cấp thiết.

Đặc biệt hiện nay, các tổ chức nghề nghiệp, hiệp hội ngành hàng vẫn chưa thực sự phát huy hết năng lực và vai trò của mình trong gắn kết, giúp các doanh nghiệp tiếp cận và phản hồi chính sách, từ đó nâng cao khả năng liên doanh liên kết thành một khối thống nhất nên còn làm cho hoạt động của nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

“Nếu các tổ chức, hiệp hội ngành hàng cứ hoạt động như hiện nay để liên kết giữa các doanh nghiệp vẫn còn rời rạc, thiếu tính hấp dẫn và không trở thành động lực, nhu cầu của các doanh nghiệp thì Việt Nam sẽ khó nâng cao hơn năng lực cạnh tranh cũng như tăng năng suất trong sản xuất kinh doanh cũng như thu hút đầu tư. Một số cơ quản lý nhà nước vẫn còn chưa sát sao, chậm chuyển biến trong hành động sẽ khó đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp, điều này khiến cho quá trình chuyển biến của cả nền kinh tế chưa thực sự đồng bộ, khó tạo ra được môi trường cạnh tranh tốt hơn cũng như tăng tăng cao hơn chỉ số cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh lưu ý./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chính phủ ra Nghị quyết nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019
Chính phủ ra Nghị quyết nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019

VOV.VN - Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Chính phủ ra Nghị quyết nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019

Chính phủ ra Nghị quyết nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2019

VOV.VN - Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Việt Nam đứng đầu trong cuộc đua cải thiện năng lực cạnh tranh toàn cầu
Việt Nam đứng đầu trong cuộc đua cải thiện năng lực cạnh tranh toàn cầu

VOV.VN - Việt Nam trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019.

Việt Nam đứng đầu trong cuộc đua cải thiện năng lực cạnh tranh toàn cầu

Việt Nam đứng đầu trong cuộc đua cải thiện năng lực cạnh tranh toàn cầu

VOV.VN - Việt Nam trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019.

Việt Nam cần xây dựng năng lực cạnh tranh bền vững
Việt Nam cần xây dựng năng lực cạnh tranh bền vững

VOV.VN - Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng năng lực cạnh tranh bền vững, chứ không chỉ là năng lực cạnh tranh đơn thuần. 

Việt Nam cần xây dựng năng lực cạnh tranh bền vững

Việt Nam cần xây dựng năng lực cạnh tranh bền vững

VOV.VN - Theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng năng lực cạnh tranh bền vững, chứ không chỉ là năng lực cạnh tranh đơn thuần.