Nâng tầm kỹ năng số và kinh tế số vùng Đồng bằng sông Cửu Long
VOV.VN - Hôm nay 23/8, Viện Kinh tế - xã hội TP.Cần Thơ phối hợp với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo “Nâng tầm kỹ năng số và kinh tế số vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Thời gian qua, Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ của chuyển đổi số và kinh tế số, tuy nhiên sự tham gia của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong nền kinh tế số và thương mại điện tử còn hạn chế. Lý do chủ yếu là khu vực này còn thiếu nhân lực có kỹ năng số. Theo thống kê, trong số 430.000 nhân lực lĩnh vực công nghệ thông tin thì nhân lực từ ĐBSCL chỉ chiếm 5% - điều này chưa tương xứng với tiềm năng dân số tại đây (khi tổng dân số trong vùng chiếm 19% dân số cả nước).
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng tham luận các vấn đề: cơ hội và thách thức của nguồn nhân lực kỹ năng số và sự sẵn sàng tham gia vào nền kinh tế số tại khu vực ĐBSCL; giải pháp thúc đẩy đào tạo kỹ năng số tại khu vực ĐBSCL.
Nhiều ý kiến cho rằng, ĐBSCL tuy có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng cũng phải đối mặt với các thách thức lớn, trong đó cản trở lớn nhất là năng lực lao động còn thấp và thiếu lao động kỹ thuật cao. Nhưng 2 năm trở lại đây, các tỉnh, thành cũng đang chạy đua cho công cuộc chuyển đối số của địa phương mình, trong ba trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Việc này minh chứng bằng kết quả xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh năm 2021, TP.Cần Thơ, tuy có giảm điểm so năm 2020 (đứng thứ 7, đạt 0,3696 điểm) nhưng vẫn là tỉnh có chỉ số xếp hạng chuyển đổi số đứng thứ nhất so với các tỉnh khu vực ĐBSCL, kế đến là Hậu Giang (thứ 2) và Long An (xếp thứ 3).
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội Cần Thơ nhận định, chuyển đổi số đã, đang và sẽ trở thành những mục tiêu quan trọng của phát triển kinh tế Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng. Khi doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, họ sẽ đưa vào các công cụ, công nghệ, giải pháp hoặc nền tảng số để chuyển đổi dữ liệu, quy trình và mô hình kinh doanh. Nhân lực truyền thống sẽ phải chuyển đổi để thích nghi với môi trường làm việc số, khách hàng số cũng như sở hữu các kỹ năng số để có thể làm việc thành thạo. Khi doanh nghiệp ưu tiên nâng cấp hay đầu tư vào công nghệ nhanh bao nhiêu thì họ phải đào tạo và phát triển cho nhân viên theo tốc độ tương thích.
“Hội thảo “Nâng tầm kỹ năng số và kinh tế số cho ĐBSCL” sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, gắn kết giữa các trường đại học, cao đẳng ĐBSCL với các doanh nghiệp để có nguồn nhân lực cho chuyển đổi số vùng ĐBSCL. Ở chiều ngược lại, vai trò của doanh nghiệp ở thời điểm này không chỉ còn là bên thụ động nhận nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số được đào tạo từ các cơ sở đào tạo chính thống, mà cũng cần có được những dự án phối hợp chặt chẽ hơn với nhà trường. Doanh nghiệp nào đầu tư nhiều hơn và thu hút được nhân tài tốt thì sẽ có được nguồn nhân sự tốt hơn”, ông Nguyễn Khánh Tùng cho biết.
Ngoài tham luận, tháo gỡ khó khăn, các đại biểu cũng tìm hiểu, nghiên cứu Chương trình USAID WISE. Đây là chương trình hợp tác giữa USAID và Trung Tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ Việt Nam và khu vực ĐBSCL phát triển nguồn nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm tận dụng sức mạnh công nghệ và nguồn nhân lực số vì sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam./.